MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyện về người "chở hy vọng" ở Vũ Hán trong những ngày phong thành: Vất vả, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao

29-02-2020 - 20:15 PM | Sống

"Bình thường, tôi không ưa họ vì họ quá ồn nhưng giờ đây mới nhận ra rằng, một thành phố thiếu tiếng người mới thật vô nghĩa", anh Trương Tái nói.

Trương Tái - nhân viên giao hàng nhanh - đi bộ bên ngoài một tòa nhà chung cư ở trung tâm thành phố Vũ Hán - tâm dịch virus corona mới. Để giảm nguy cơ lây nhiễm, anh được lệnh không giao thức ăn đến tận cửa nhà của khách hàng.

Tuy nhiên, anh nhớ lại rằng, người phụ nữ trong điện thoại đã khẩn cầu anh đi lên, bởi cô mua thức ăn cho mẹ mình nhưng bà thì không thể xuống dưới lầu để gặp anh.

Trương Tái mủi lòng. Anh đưa đồ ăn đến cửa rồi lập tức rời đi. Chia sẻ với The New York Times, anh cho biết, khi anh vừa đặt túi đồ ăn xuống sàn, cánh cửa bất ngờ mở ra. Giật mình, anh xoay người rời đi. Do vội vàng, anh dùng ngón tay bấm nút thang máy - bề mặt có thể lây lan virus.

Vì như thế, Trương Tái đành phải giơ cao ngón tay cho đến khi về đến trạm giao hàng, cẩn thận tránh chạm vào các bộ phận khác của bàn tay - giống như một hình thức cô lập ở phạm vi nhỏ.

"Vì vậy, tôi đã rất sợ", anh nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. "Bởi vì tôi đang lái xe điện nên tôi cảm giác ngón tay đó [dựng lên] giống như một lá cờ".

 Chuyện về người chở hy vọng ở Vũ Hán trong những ngày phong thành: Vất vả, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao - Ảnh 1.

Đường phố vắng vẻ trong một thành phố có 11 triệu dân. Ảnh: Getty

Theo NYT, hiện nay tại Vũ Hán, cứ ba ngày, mỗi gia đình có thể gửi một người ra ngoài một lần để mua nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, lo sợ lây nhiễm, nhiều người dân không dám mạo hiểm ra ngoài.

Nhưng mọi người vẫn phải ăn - đó là lý do tại sao Trương Tái và các đồng nghiệp lại bận rộn trên đường mỗi ngày. Với những người mắc kẹt trong nhà ở Vũ Hán và các tỉnh thành khác của Trung Quốc, những nhân viên giao hàng đã trở thành nguồn lực quan trọng, vận chuyển thực phẩm và vật tư tới người tiêu dùng.

Đây được coi là công việc vất vả và tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh. Trương Tái làm việc cho Hema Xiansheng, chuỗi siêu thị thuộc sở hữu của tập đoàn khổng lồ về công nghệ Alibaba. Mỗi sáng, anh được cấp phát khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn để đi giao hàng khắp thành phố.

Đồng phục công ty của anh ta có màu xanh sáng với logo hà mã, giúp cho cơ quan chức năng nhận biết anh ta có thể ra đường.

Ban đêm, anh cố gắng không nghĩ về dịch bệnh. Anh nghe những bài hát nổi tiếng và tìm kiếm tin tức tốt trên ti vi.

Anh thực hiện hàng tá lượt giao hàng mỗi ngày, điều này không chỉ vì nhu cầu của Vũ Hán, mà còn vì cuộc sống của chính anh. Vợ anh, hai cậu con trai sinh đôi 4 tuổi và người cha già đều trông cậy vào công việc của anh. Mặc dù, nguy cơ về dịch bệnh ngày càng rõ ràng nhưng anh không bao giờ nghĩ đến việc nghỉ phép, dù cho gia đình có khuyên giải.

Gia đình của Trương Tái không sống ở Vũ Hán. Tuy nhiên, do sự bùng phát của dịch bệnh nên anh không thể về nhà nhưng vẫn trò chuyện với người thân qua video mỗi ngày.

Trương Tái nói, nếu giao nhanh hơn và thời gian làm việc đủ lâu, mỗi tháng anh có thể kiếm được khoảng 8.000 nhân dân tệ (khoảng 1.100 đô la) - nhiều hơn số tiền anh kiếm được khi làm công việc đưa thư.

Anh cho biết thêm, trước đây, anh thỉnh thoảng còn vượt đèn đỏ trong giờ cao điểm để hoàn thành nhiệm vụ giao hàng trong ngày nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, đường phố không một bóng người nên anh thuận lợi đi mọi ngả đường.

Theo anh, thái độ của mọi người cũng tốt hơn. Một số khách hàng trước đây hầu như không mở cửa hoặc liếc nhìn anh thì nay, ai ai cũng đều nói câu "cảm ơn".

Tuần vừa qua, chính quyền Vũ Hán đã ra lệnh thiết lập các điểm "phân phối không tiếp xúc". Do đó, sau khi Trương Tái nhận hàng, anh sẽ vận chuyển chúng đến địa điểm chỉ định, sau đó rời đi.

Tuy nhiên, cho đến nay, thay đổi lớn nhất là cuộc sống của anh sau tan ca. Thông thường, anh sẽ xem phim hoặc dành thời gian với bạn bè. Còn giờ đây, anh đều viết nhật ký mỗi đêm, sau đó gửi chúng cho các phương tiện truyền thông trực tuyến khác nhau và họ sẽ xuất bản chúng.

Tác phẩm đầu tiên của anh được đăng trên tạp chí trực tuyến Dandureading vào ngày 30/1, kể từ đó, anh đã được đã xuất bản thêm năm bài viết nữa.。

Trong nhật ký, anh từng viết những điều như nếu nhiễm bệnh, anh sẽ gọi một người bạn để nhờ cậu ta chăm sóc con trai, anh từng thấy hai người già chơi cờ ngoài trời mà không đeo khẩu trang, anh có một ngày khoan khoái nhẹ nhàng ở Vũ Hán nhưng không có nhiều người xung quanh để chia sẻ.

"Bạn vốn có thể thấy nhiều người đang phơi nắng, chơi cờ, mua thức ăn, những người không có việc để làm ", anh viết. "Bình thường, tôi không ưa họ vì họ quá ồn nhưng giờ đây mới nhận ra rằng, một thành phố thiếu tiếng người mới thật vô nghĩa".

 Chuyện về người chở hy vọng ở Vũ Hán trong những ngày phong thành: Vất vả, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh cao - Ảnh 3.

Theo Ngọc Khánh

Trí thức trẻ

Trở lên trên