MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chuyên viên cấp cao chia sẻ một ngành nghề cực hot trong tương lai, ít trường đào tạo, thu nhập lên đến hơn 50 triệu đồng!

20-08-2023 - 15:59 PM | Sống

Chuyên viên cấp cao chia sẻ một ngành nghề cực hot trong tương lai, ít trường đào tạo, thu nhập lên đến hơn 50 triệu đồng!

Thu nhập của ngành này có thể lên đến 40 - 50 triệu đồng.

Business Analyst (viết tắt BA) còn có tên gọi khác là chuyên viên phân tích nghiệp vụ. Định nghĩa một cách thông thường thì Business Analyst đóng vai trò cầu nối giữa kinh doanh và công nghệ, giữa khách hàng và lập trình viên.

Ở vị trí đứng giữa giữa doanh nghiệp và công ty công nghệ, điều khiến các Business Analyst trở nên đặc biệt là họ đem đến sự thay đổi cho doanh nghiệp theo hướng tích cực bằng việc xác định các vấn đề và cơ hội từ đó đưa ra các giải pháp đem lại giá trị cho các bên liên quan. Nói nôm na, chuyên viên Business Analyst đi tìm hiểu xem tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân đang gặp phải vấn đề gì, cần gì rồi đưa ra giải pháp tương ứng.

Là một người trong nghề, anh Hoàng Quốc Việt - giảng viên công nghệ thông tin, chuyên viên phân tích nghiệp vụ cấp cao với nhiều năm quản lý đội Business Analyst tại tập đoàn Vingroup và tập đoàn FPT đánh giá, BA sẽ là một ngành nghề đầy triển vọng và tiềm năng phát triển trong tương lai:

"Chúng ta đang ở kỷ nguyên 4.0 - kỷ nguyên của công nghệ thông tin và BA là một trong những vị trí chủ chốt trong việc xây dựng các giải pháp về công nghệ cho doanh nghiệp. Người làm nghề BA sẽ phải thường xuyên phân tích các vấn đề của doanh nghiệp để từ đấy đưa ra giải pháp thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để từ đó, giúp doanh nghiệp thay đổi, cải tiến, tăng doanh thu...".

Chuyên viên cấp cao chia sẻ một ngành nghề cực hot trong tương lai, ít trường đào tạo, thu nhập lên đến hơn 50 triệu đồng! - Ảnh 1.

Anh Hoàng Quốc Việt

Người làm BA cần kiến thức, kỹ năng gì?

Business Analyst là một ngành nghề có sự kết hợp, giao thoa giữa business (kinh doanh) và analyst (phân tích) nên khi làm ngành này, các bạn vừa phải có đầu óc về kinh doanh để hiểu về doanh nghiệp, vừa phải có kiến thức về công nghệ. Như thế thì có thể hợp thành chữ Business Analyst hoàn chỉnh được.

Với tính đặc thù này, theo anh Việt, có 3 yếu tố để cân nhắc xem bạn có phù hợp với ngành BA hay không. Thứ nhất, có sự năng động, kỹ năng giao tiếp tốt vì người làm BA thường xuyên phải tương tác với nhiều người, nhiều bộ phận trong công ty. Thứ hai, vì làm trong môi trường công nghệ, nên các bạn cần phải có tư duy phân tích tốt. Cuối cùng cũng là điều đặc biệt quan trọng là mọi người phải có sự yêu thích, niềm đam mê với công nghệ, với nghề BA.

Ngoài ra, chuyên viên Business Analyst cần những nhóm kiến thức sau:

1. Lĩnh vực kinh doanh (Business Domain)

Business Domain là một thành tố rất quan trọng đối với vị trí Business Analyst. Đó là những kiến thức về nghiệp vụ như: Finance, Marketing, Supply Chain… Trong thực tế, vị trí Business Analyst ở những ngành Business domain khác nhau, nghiệp vụ sẽ khác nhau, ví dụ làm Business Analyst cho Ngân hàng sẽ khác với Business Analyst trong mảng Logistic. Vì mỗi domain có những mô hình kinh doanh khác nhau, hành vi khách hàng khác nhau, vậy nên tư duy người làm Business Analyst ở mỗi ngành cũng sẽ phải thay đổi để phù hợp. Business Domain là mảnh ghép mà Business Analyst cần nhiều thời gian để có thể master được.

2. Công nghệ thông tin

Làm việc trong lĩnh vực IT, chắc chắn Business Analyst phải là những nhân viên có kiến thức nhất định về ngành này. Kiến thức IT ở đây không nhất thiết là bạn cần viết ra những dòng code, một ngôn ngữ lập trình mà đó có thể là kĩ năng mô hình hóa, hiểu biết về UI/UX, quy trình phát triển phần mềm…

3. Kỹ năng tương tác

Business Analyst sẽ phải làm việc nhóm rất nhiều. Nói cách khác, biết cách giao tiếp, biết cách kết nối đội nhóm hay biết cách diễn đạt bằng cách sử dụng các từ ngắn gọn và hàm súc sẽ là những "bí kíp" giúp các bạn trẻ thăng tiến xa trong sự nghiệp.

Chuyên viên cấp cao chia sẻ một ngành nghề cực hot trong tương lai, ít trường đào tạo, thu nhập lên đến hơn 50 triệu đồng! - Ảnh 2.

Những kỹ năng, kiến thức của người làm BA cần có bao gồm: Kiến thức về công nghệ - Khả năng giải quyết vấn đề - Kỹ năng giao tiếp - Kỹ năng phân tích (Nguồn: Apriorit)

Thu nhập và cơ hội việc làm ngành BA

Về lộ trình phát triển, khi mới ra trường, sinh viên có thể lựa chọn làm việc hoặc thực tập để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm với vị trí Business Analyst. Sau khi có 2 - 3 năm kinh nghiệm, giai đoạn này các bạn có thể phát triển qua các cấp Business Analyst - Senior Business Analyst - Principal Business Analyst.

Tiếp đó, Business Analyst có thể phát triển lên theo các hướng khác nhau. Ví dụ như phát triển theo hướng vận hành thì Business Analyst có thể đi lên Project Manager, Product Manager, Program Manager, CIO… Hướng thứ 2 là quản lý, các Business Analyst nhiều năm kinh nghiệm có thể trở thành các Business Analyst program lead, Business Analyst team lead, Business Analyst Practice lead.

Theo anh Việt, mức lương ngành này sẽ dao động lên xuống dựa theo năm kinh nghiệm. Với những bạn Fresher (chưa có kinh nghiệm) thu nhập rơi vào khoảng 10 triệu đppfng; Junior (từ 1 - 2 năm kinh nghiệm) mức lương dao động 10 - 15 triệu đồng; Middle (2 - 3 năm kinh nghiệm) rơi vào khoảng 15 - 25 triệu đồng. Còn ở cấp độ khác thì phạm vi lương cũng sẽ rộng hơn, ai giỏi có thể vượt lên ngưỡng 40 - 50 triệu.

Để có cái nhìn tổng quát hơn, Top CV lại có cách phân chia bảng phân bổ lương khác cho từng vị trí, cấp bậc của những nhân sự ngành BA như sau:

- Entry level: Những bạn mới ra trường hoặc đã có kinh nghiệm dưới 1 - 2 năm, những bạn này sẽ có kiến thức cơ bản về BA. Mức lương ở vị trí này thường vào khoảng 7 - 12 triệu đồng/tháng.

- Junior BA: Là những bạn đã làm từ 2 - 3 năm. Có kiến thức cơ bản, biết phân tích, viết báo cáo, tài liệu, có thể làm việc độc lập. Vị trí này có mức lương từ 12 - 20 triệu đồng/tháng.

- Senior BA: Có trên 3 năm kinh nghiệm, đã thực hiện nhiều dự án, với các kỹ năng như làm việc độc lập, có thể tự giải quyết được các bài toán phức tạp, kỹ năng mềm, xử lý vấn đề tốt, hỗ trợ được các thành viên khác, linh hoạt và sử dụng được nhiều công cụ cùng nhau giải quyết vấn đề. Mức lương ở vị trí này thường từ 20 - 35 triệu đồng/tháng.

Ngoài 3 vị trí trên, sẽ có những vị trí cao hơn như Manager (quản lý),... mức lương có thể lên đến 50 - 60 triệu đồng/tháng.

Chuyên viên cấp cao chia sẻ một ngành nghề cực hot trong tương lai, ít trường đào tạo, thu nhập lên đến hơn 50 triệu đồng! - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Ở Việt Nam, vị trí Business Analyst phần lớn xuất hiện tại các công ty IT. Các công ty IT có thể là công ty outsourcing (gia công phần mềm) hoặc các công ty product (sản phẩm). Trong các công ty outsourcing, nhiệm vụ của Business Analyst thường liên quan đến các nội dung cụ thể như: Giao tiếp với khách hàng; Thu thập các yêu cầu dự án; Xác định phạm vi của dự án (scope of the project); Kiểm tra nghiệm thu dự án; Quản lý tài liệu dự án...

Về phía công ty product, các Business Analyst thường làm các nhiệm vụ chính sau: Nghiên cứu thị trường và đối thủ cạnh tranh; Dự báo về thị trường, sự phát triển của doanh nghiệp; Tìm hiểu yêu cầu của Business Owner; Phân tích yêu cầu; Đưa ra giải pháp...

Chuyên viên cấp cao chia sẻ một ngành nghề cực hot trong tương lai, ít trường đào tạo, thu nhập lên đến hơn 50 triệu đồng! - Ảnh 4.

Dù là một ngành hot như vậy nhưng hiện tại, tại Việt Nam có rất ít hoặc chưa trường nào đào tạo chuyên về Business Analyst. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn muốn phát triển trong ngành Business Analyst, có thể tham khảo 3 nhóm ngành sau đây: Nhóm ngành Kinh tế; Nhóm ngành Công nghệ thông tin; Ngành Hệ thống thông tin quản lý.

"Hiện nay, các trường đại học sẽ thường đào tạo chuyên hẳn về công nghệ, hoặc là chuyên hẳn về kinh tế chứ không nhiều nơi đào tạo đại học dạy về cả hai phạm trù kiến thức này. Đa phần những người làm BA ở thế hệ mình sẽ xuất thân từ mảng kinh tế, còn hiện tại thì sẽ có sự cân bằng hơn khi có nhiều bạn học công nghệ thông tin cũng có thể ra làm BA.

Tuy nhiên, xuất phát điểm ở mỗi vị trí sẽ có một ưu thế riêng. Không đánh đồng tất cả, nhưng các bạn học về kinh tế thường sẽ năng động, giao tiếp tốt hơn, còn các bạn học về công nghệ có vẻ sẽ trội hơn về tư duy và sự hiểu biết về công nghệ. Do đó, để theo nghề này, trong quá trình đi làm, các bạn sẽ phải thường xuyên nâng cấp bản thân, bù lấp những điều yếu của mình bằng cách vừa làm vừa học. Hoặc ngày nay có nhiều chương trình đào tạo về BA bên ngoài, các bạn có thể tham gia để bổ trợ kỹ năng cho mình", anh Việt chia sẻ.

Theo Đông

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên