CNBC: Đầu tư của Hoa Kỳ chỉ chiếm 2,7% tổng vốn FDI, Việt Nam còn một chặng đường dài mới có thể thành trung tâm sản xuất thế giới
Trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã tăng 34,8% so với cùng kỳ, theo IHS Markit. Trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc đại lục đã giảm 13,4%.
- 21-11-2019"Cái chết" của Forever 21, sự suy tàn của thời trang nhanh và cơ hội cho Việt Nam
- 21-11-2019Bloomberg: Nếu ông Trump áp thuế 25% với hàng Việt Nam như làm với Trung Quốc, tăng trưởng có thể giảm tới 1%
Việt Nam có thể đã đủ khả năng để thay thế Trung Quốc trong việc bán một số hàng hóa nhất định cho Hoa Kỳ, nhưng vẫn còn một chặng đường dài trước khi có thể thay thế hoàn toàn Trung Quốc, như một trung tâm sản xuất cho thế giới.
Trong 9 tháng đầu năm nay, nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Việt Nam đã tăng 34,8% so với năm trước, tăng vọt so với mức tăng 5,8% trong cả năm 2018, theo ghi chú của IHS Markit. Trong khi đó, nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đại lục đã giảm 13,4%.
"Thuế quan là một lý do chính đằng sau sự suy giảm nhập khẩu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc", Michael Ryan, Phó giám đốc Dịch vụ tư vấn công nghiệp của IHS Markit lưu ý. Ông nói thêm rằng các loại hàng xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam sang Hoa Kỳ là máy tính, thiết bị điện thoại và máy móc khác.
Các sản phẩm này là một trong những hàng nhập khẩu hàng đầu của Hoa Kỳ từ Trung Quốc đại lục, Mông Cổ và Đài Loan vào năm 2018, theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ. Điều đó cho thấy rằng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ có thể đã thay thế dòng chảy giữa Trung Quốc và Mỹ.
Những thách thức đối với Việt Nam
Việt Nam thường được coi là một trong những quốc gia hưởng lợi lớn nhất của cuộc chiến thương mại vì sự gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đã chứng kiến một bước nhảy vọt trong đầu tư trực tiếp nước ngoài từ các nhà sản xuất đang tìm cách lách thuế quan giữa Hoa kỳ và Trung Quốc.
"Nhưng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam không quá lớn", ông Ryan đánh giá. Ông chỉ ra rằng các khoản đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam chỉ chiếm 2,7% tổng vốn FDI mà quốc gia Đông Nam Á nhận được.
"Một phần là do Hoa Kỳ không có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam và ASEAN, theo báo cáo của IHS Markit. Nhưng đó chỉ là một trong nhiều yếu tố thúc đẩy tốc độ và mức độ đa dạng hóa chuỗi cung ứng vào Việt Nam", ông Ryan nói.
"Việt Nam cũng phải đối mặt với sự thiếu hụt lao động lành nghề. Nhóm nhân lực chất lượng cao đã không thể đáp ứng đủ số lượng doanh nghiệp quá lớn, vì nhiều công ty đa quốc gia đang tìm cách di dời các phần trong chuỗi cung ứng sản xuất của họ ra ngoài Trung Quốc", ông giải thích. "Nói đơn giản, nhu cầu của các công ty đang vượt quá khả năng cung cấp của Việt Nam hiện tại, thêm vào đó cơ sở hạ tầng ở Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn để nhiều công ty quốc tế có thể thiết lập cửa hàng".
Cụ thể, việc tìm kiếm các đối tác kinh doanh địa phương và đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ để xin giấy phép có thể là trở ngại lớn cho các công ty nước ngoài, theo Ryan. Ngoài ra, hệ thống đường xá của Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình xây dựng, và các cảng đã có dấu hiệu bị tắc nghẽn, điều này kéo dài thời gian cần thiết để đi lại và vận chuyển hàng hóa", ông nói.
"Tóm lại, những yếu tố này đang kéo dài chu kỳ giao hàng cho người tiêu dùng và tạo ra những rào cản cho việc di dời sản xuất khỏi Trung Quốc đại lục", ông Ryan kết luận.