MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CNN: Bùng phát vào sự kiện kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, virus Corona đang khiến loạt doanh nghiệp từ Startbuck, Disney đến Louis Vuitton... rơi vào "thảm cảnh"!

Jude Blanchette, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho biết: “Có lẽ là virus corona đã bùng phát vào thời điểm tồi tệ nhất đối với Trung Quốc. Tết Nguyên Đán là sự kiện kinh tế lớn nhất ở nước này, và năm ngoái đã có tới 150 tỷ đô la chi tiêu trong những ngày lễ, vì vậy những tác động kinh tế có thể là rất lớn"

Vào ngày hôm qua, giới chức Trung Quốc đã đưa ra tuyên bố rằng số người chết do virus Corona đã tăng lên 80 người, với gần 2.800 ca xác nhận nhiễm loại virus này tại Trung Quốc, và hàng chục ca dương tính với virus Corona khác tại các quốc gia như Mỹ, Úc và Nhật Bản. 

Với hơn 57 triệu người tại 15 thành phố của Trung Quốc đã bị phong tỏa, đại dịch bắt đầu ảnh hưởng mạnh đến các ngành công nghiệp như bán lẻ, du lịch, đặc biệt đây lại là thời gian diễn ra dịp Tết Nguyên Đán của Trung Quốc.

Đại dịch virus Corona rất có thể sẽ vẫn kéo dài đến hết mùa nghỉ lễ. Bắc Kinh đã kéo dài thời gian nghỉ lễ Tết Nguyên Đán từ 30/1 đến 2/2 để cố gắng tránh lây lan dịch bệnh. Một quan chức chính phủ Trung Quốc chia sẻ với báo chí rằng họ vẫn đang xem xét kéo dài thời gian nghỉ lễ thêm nữa.

Starbucks (SBUX) vừa đưa ra tuyên bố tuần trước rằng chuỗi cafe này sẽ đóng cửa các cửa hàng và tạm ngưng các dịch vụ giao hàng tại thành phố Vũ Hán - vùng tâm chấn của dịch bệnh, và toàn bộ tỉnh Hồ Bắc. Theo thông tin từ website của công ty, Starbucks đang vận hành 90 cửa hàng tại 3 tỉnh trung tâm Trung Quốc, là Hà Nam, Hồ Bắc và Hồ Nam.

Các cửa hàng KFC và Pizza Hut tại thành phố Vũ Hán cũng đã đóng cửa và chưa biết chính xác thời gian mở lại là khi nào. Công ty mẹ Yum China (YUMC) nói rằng họ sẽ tiếp tục đánh giá tình hình để tiến hành “các hoạt động bổ sung”.

McDonald’s (MCD) đã đóng các cửa hàng của họ tại Vũ Hán và 4 thành phố khác tại tỉnh Hồ Bắc.

Disney (DIS) đã đóng cửa công viên tại Thượng Hải và Hong Kong. Trước đó, các công viên và khu nghỉ dưỡng của tập đoàn truyền thông và giải trí lớn nhất thế giới này đã chuẩn bị các chiến dịch chào năm mới như trang trí công viên theo chủ đề năm mới, ra mắt sản phẩm mới và giới thiệu các lựa chọn ăn uống trong dịp Tết Nguyên Đán.

Cổ phiếu của các công ty kinh doanh hàng hiệu bị giảm mạnh, dù vào dịp này các năm trước đây chính là thời điểm mùa mua sắm lên ngôi tại Trung Quốc. Cổ phiếu của LVMH (LVMHF), Kering (PPRUF) và công ty sản xuất đồng hồ Cartier Richemont đều rớt giá hơn 5% vào tuần trước.

Các doanh nghiệp khác tại Vũ Hán cũng chịu thảm cảnh tương tự. Renault (RNLSY), một trong số các nhà sản xuất ô tô có nhà máy sản xuất lớn đặt tại thành phố Vũ Hán - cũng giống như các doanh nghiệp khác - họ đã đóng cửa trong suốt kỳ nghỉ lễ.

Peugeot (PUGOY) đã tweet vào thứ Bảy rằng họ sẽ đưa các nhân viên nước ngoài cùng gia đình của họ ra khỏi ổ dịch Vũ Hán. "Đồng thời, tập đoàn này cùng đối tác Trung Quốc được huy động để thực hiện các biện pháp chăm sóc các nhân viên Trung Quốc trong khối liên doanh của họ", họ nói thêm.

Jude Blanchette, Trưởng phòng Nghiên cứu Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, cho biết: “Có lẽ là virus Corona đã bùng phát vào thời điểm tồi tệ nhất đối với Trung Quốc. Tết Nguyên Đán là sự kiện kinh tế lớn nhất ở Trung Quốc, và năm ngoái đã có tới 150 tỷ đô la chi tiêu trong giai đoạn này, vì vậy những tác động kinh tế có thể là rất lớn", ông nói với CNN tuần trước.

Giai đoạn này đánh dấu cuộc di cư hàng năm lớn nhất của con người trên Trái Đất. Trong thời gian đó, hàng trăm triệu du khách Trung Quốc nhồi nhét mình vào những chuyến tàu, xe buýt và máy bay để về đoàn tụ với gia đình. Sự bùng phát của virus corona đã khiến hàng triệu người phải suy nghĩ lại về những kế hoạch đó.

Liu Xiaoming, Phó Bộ trưởng Bộ Giao thông trả lời các phóng viên vào Chủ nhật, rằng tổng số chuyến đi được thực hiện trên khắp Trung Quốc vào thứ Bảy - ngày đầu tiên của dịp lễ Tết Nguyên Đán - đã giảm gần 30% so với một năm trước. Lưu lượng di chuyển bằng máy bay và tàu hỏa đã giảm hơn 41%, ông nói thêm.

Các chuỗi khách sạn lớn bao gồm IHG (GXMLF), Marriott (MAR) và Accor (ACCYY) cho biết họ sẽ miễn phí hủy đặt phòng cho đến ngày 8/2 tại các khách sạn ở Trung Quốc.

Các hãng hàng không bao gồm Cathay (CPCAY) và Qantas (QABSY) cho biết họ sẽ hoàn lại tiền đầy đủ cho hành khách đi và đến Trung Quốc từ ngày 24/1 đến hết tháng 2.

Đại lý du lịch lớn nhất Trung Quốc Trip.com (TCOM), còn được gọi là CTrip, tuần trước cho biết họ sẽ cho phép khách hàng hủy miễn phí tại tất cả các khách sạn, dịch vụ cho thuê xe và vé cho các điểm du lịch ở Vũ Hán cho đến ngày 31/1. Cổ phiếu của họ ở New York rớt giá 18% vào tuần trước.

“Trong ngắn hạn, Trip.com sẽ chịu ảnh hưởng rất xấu", Jane Sun nói với CNN trong một cuộc phỏng vấn bên lề hội nghị Davos tuần trước. Nhưng cô dự đoán rằng một khi khủng hoảng kết thúc, việc kinh doanh sẽ phục hồi nhờ nhu cầu bị dồn nén.

Khủng hoảng do virus Corona diễn ra khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chạm mức thấp lịch sử và đất nước này tiếp tục chịu tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ. Sự bùng phát virus corona ở Vũ Hán đã khiến cho tất cả mọi người, đặc biệt là ở Trung Quốc, chùng xuống và tránh ra ngoài. Điều đó có thể giáng một đòn mạnh vào ngành dịch vụ, hiện chiếm khoảng 52% nền kinh tế Trung Quốc.

Hoài Nguyễn

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên