Có 5G cũng khó cắt sóng 2G, khai tử "cục gạch"
Chia sẻ tại Tọa đàm 5G sẽ đem lại cơ hội gì cho Việt Nam do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã cho biết, việc dừng công nghệ cũ khi số thuê bao dùng thiết bị đầu cuối 2G còn khoảng 22 triệu thuê bao; đầu cuối 3G khoảng 5,5 triệu thuê bao... là một bài toán khó.
- 15-12-2020Phó TGĐ Viettel Networks: 5G Viettel sẽ sớm có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố lớn
- 15-12-2020Tốc độ mạng 5G tại Việt Nam ở mức nào so với thế giới?
- 07-12-2020Viettel, VinaPhone và MobiFone chạy đua 5G ra sao?
Tháng 11, Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ đạo nhanh chóng cấp phép thử nghiệm thương mại sau khi 3 doanh nghiệp đề xuất. Hiện các doanh nghiệp đều đã triển khai thử nghiệm thương mại: người sử dụng ở Việt Nam đã có quyền dùng các dịch vụ 5G trên các thiết bị đầu cuối 5G ở Việt Nam.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã nhận định, đây là cơ hội để doanh nghiệp phát triển các phần mềm, thiết bị cho mạng 5G, là cơ hội để doanh nghiệp sản xuất thiết bị đầu cuối của Việt Nam tham gia thị trường cung cấp thiết bị đầu cuối 5G.
Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã
Đồng thời, đây cũng là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp khi được chính thức cấp phép 5G; xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh khi dự kiến tham gia đấu giá tần số 5G; dựa vào mô hình kinh doanh để dự kiến mức trả giá, chi phí sử dụng tài nguyên trong tương lai. Việc thử nghiệm thương mại giúp nhà mạng xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh sát thực tế hơn, người dùng trải nghiệm tính năng tốc độ cao.
Điểm nổi bật của 5G là cung cấp các dịch vụ có độ trễ thấp, mật độ thiết bị kết nối 5G trong khu vực nhỏ rất cao. Đây là điểm nổi bật để ứng dụng vào các khu công nghiệp, khu nghiên cứu phát triển. Sẽ có một số KCN được phủ sóng 5G, để doanh nghiệp tìm hiểu nhu cầu của các KCN, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho các KCN.
Song, theo ông Nhã, việc dừng công nghệ cũ khi số thuê bao 2G chỉ sử dụng thiết bị đầu cuối phổ thông - hay còn gọi là điện thoại "cục gạch" còn khoảng 22 triệu thuê bao; đầu cuối 3G khoảng 5,5 triệu thuê bao... là một bài toán khó.
Để dừng công nghệ này, Bộ đang xây dựng kế hoạch cùng các nhà mạng: tích hợp công nghệ mà một thiết bị đầu cuối cần có để sử dụng ở Việt Nam, cho phép các thiết bị đầu cuối có thể sử dụng nhiều mạng một lúc; tạo điều kiện cho doanh nghiệp khảo sát, xây dựng xu hướng sử dụng của người dùng, tìm thời điểm số lượng thuê bao của công nghệ không còn phù hợp thấp xuống thì xây dựng kế hoạch để dừng công nghệ đó.
Bộ cũng có chủ trương lớn là chuyển đổi smartphone: các nhà mạng triển khai tích cực (Viettel, Mobifone..) trợ giá thiết bị đầu cuối, xây dựng gói cước, phương án cung cấp dịch vụ cho người dùng phù hợp, phủ sóng 4G bù vào các khu vực trước đây đang phủ sóng 2G, 3G chưa có chất lượng tốt... Các nhà mạng có chương trình triển khai dịch vụ thoại trên nền 4G, dần thay thế trên nền 2G, 3G.
Đồng hành cũng có chương trình tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dùng sử dụng điện thoại thông minh; điện thoại trông như truyền thống nhưng sử dụng công nghệ 4G, 5G...
"Làm sao để người dân ngày càng sử dụng thành thạo các thiết bị thông minh để có công dân số trong tương lai với xã hội số như định hướng của Nghị quyết" - Phó Cục trưởng Cục Viễn thông kết luận.