MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ cấu lại nợ công: Không thể “đơn thương độc mã”

Cơ cấu lại nợ công là công việc hết sức nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, một mình Bộ Tài chính không làm được.

Để có tăng trưởng, buộc phải đi vay

Tại Hội nghị toàn ngành Tài chính mới đây, Thủ tướng đã lưu ý: Vấn đề ngắn hạn của nền kinh tế là nợ xấu và vấn đề trung hạn là nợ công.

Dư địa chính sách tài khóa rất hạn hẹp; Cân đối NSNN luôn khó khăn; Thu ngân sách không đủ chi thường xuyên và trả nợ. Và thế là để có đầu tư phát triển, để có tăng trưởng, Chính phủ buộc phải đi vay. Điều này tác động đến nợ công và thâm hụt ngân sách. Chi thường xuyên tăng rất nhanh trong những năm gần đây là nguyên nhân chính làm NSNN luôn căng thẳng. “Có chuyên gia cảnh báo, nếu không chấm dứt tình trạng này, sự sụp đổ của nền tài khóa quốc gia là không thể tránh khỏi”, Thủ tướng nói.


Nợ công cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép

Nợ công cần được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải báo cáo: “Nợ công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo trong giới hạn cho phép… Cơ cấu nợ phù hợp với mục tiêu đã đề ra của Chiến lược về nợ công đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, góp phần giảm sự phụ thuộc vào các nguồn vay ngoài nước”. Ước tính đến cuối năm 2016, dư nợ công khoảng 64,73% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 53,62% GDP. Về cơ cấu nợ của Chính phủ, nợ vay trong nước tăng từ 38,1% ở năm 2011 lên mức 59% năm 2016 và nợ vay ngoài nước giảm còn 41%.

Thủ tướng lưu ý, nợ công theo báo cáo là vậy, nhưng nếu tính đầy đủ thì vượt trần cho phép, tỷ lệ nợ công tăng nhanh, trong 5 năm qua, tăng trung bình 18,4%, nhanh gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ông yêu cầu, Bộ Tài chính trong năm 2017 phải vừa thực hiện tốt các công cụ chính sách tài khóa để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải có cải cách đột phá trong thu chi ngân sách để giảm bội chi, kiểm soát chặt nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra và bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Đã giảm dần lệ thuộc vốn nước ngoài

Tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, bộ đã đề ra 11 nhóm giải pháp với 31 giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2017.

Trong đó sẽ kiểm soát chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép; Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát NSNN; Thực hiện đánh giá đầy đủ các yếu tố tác động lên nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn trước khi thực hiện các khoản vay mới; Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng bền vững, tập trung phát hành trái phiếu Chính phủ kỳ hạn dài và giảm dần lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Để giảm sự lệ thuộc vào vốn vay nước ngoài, Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại nợ trong nước. Với định hướng này, việc phát hành trái phiếu Chính phủ trong năm 2016 đã tập trung vào kỳ hạn dài (kỳ hạn từ 5 năm trở lên chiếm 91,1% tổng khối lượng phát hành, vượt yêu cầu đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội là tối thiểu 70%).

Kỳ hạn bình quân trái phiếu phát hành là 8,77 năm (cao hơn 1,82 năm so với năm 2015). Lãi suất trái phiếu bình quân phát hành năm 2016 là 6,49%/năm, giảm 54,5% so với năm 2011 và 17% so với năm 2013. Đồng thời, thực hiện thành công việc hoán đổi trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn còn lại dưới 5 năm để tái cơ cấu danh mục nợ.

Bộ cũng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án chuyển đổi 364 nghìn tỷ đồng các khoản vay của NSNN từ bảo hiểm xã hội Việt Nam dưới hình thức hợp đồng vay sang hình thức trái phiếu Chính phủ. Qua đó, góp phần thống nhất đầu mối quản lý các khoản vay từ bảo hiểm xã hội, đa dạng hóa các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ, tăng quy mô và kéo dài kỳ hạn còn lại bình quân của danh mục trái phiếu Chính phủ, tạo thuận lợi trong việc áp dụng các giải pháp tái cơ cấu lại danh mục nợ, hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn và bền vững nợ công.

Thứ trưởng Hải đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2017 theo nghị quyết của Quốc hội, cùng chung tay thực hiện các giải pháp tái cơ cấu NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Đánh giá cao những nỗ lực trong năm 2016 của Bộ Tài chính, TS. Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội lưu ý: Năm 2017 là năm đầu tiên tổ chức quản lý điều hành ngân sách theo Luật Ngân sách Nhà nước mới, bên cạnh các nhiệm vụ lớn liên quan đến cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, thì vấn đề đáng lưu ý là cơ cấu lại nợ công.

“Cơ cấu lại nợ công là công việc hết sức nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, một mình Bộ Tài chính không làm được”, TS. Đinh Văn Nhã phát biểu.

Ồng khuyến nghị các bộ, ngành, địa phương phối hợp tốt hơn nữa cùng Bộ Tài chính để thực hiện tốt các công cụ chính sách tài khóa để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải có cải cách đột phá trong thu chi ngân sách để giảm bội chi, kiểm soát chặt nợ công và bảo đảm khả năng trả nợ, đồng thời góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Đặc biệt là chú trọng công tác hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng hơn trong xã hội để có cái nhìn đúng đắn hơn về công việc điều hành quản lý tài chính-ngân sách của đất nước, từ đó tranh thủ được sự đồng tâm, đồng lòng của xã hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, bám sát các yêu cầu, mục tiêu, định hướng lớn đã đề ra; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; cơ cấu lại thu, chi ngân sách; quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính.

PV

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên