MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cò đất náo loạn miền Trung: Bờ tre, gốc rạ đổi ra tiền tỉ

07-03-2019 - 09:13 AM | Bất động sản

Cò đất khắp nơi tràn về làm giá. Đất ở nông thôn tại Đà Nẵng, Quảng Nam lên cơn “sốt” không tưởng.

Trước tình hình cò đất khuấy đảo thị trường trong những tháng đầu năm 2019, UBND huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng đã phải ra văn bản khẩn gửi UBND 11 xã của huyện lưu ý người dân thận trọng, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà bán hết đất nông nghiệp, đất ở sẽ gây nhiều hệ lụy về sau.

Bờ tre, gốc rạ cũng lên giá vù vù

Bà Đặng Thị Phi, ngụ phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam đến nay vẫn chưa hết ngỡ ngàng khi mảnh đất 1.500 m2 của bà bán được cho một đại gia với giá 3,4 tỉ đồng.

Nông dân chân lấm tay bùn lần đầu tiên cầm tiền tỉ trên tay, bà liền cho các con, họ hàng mỗi người một ít. Còn hơn 2 tỉ đồng bà gửi vào ngân hàng để chuẩn bị làm nhà mới.

“Hôm đó tự nhiên cò đất dẫn người đến trả giá mảnh đất cằn cỗi của nhà tôi đến 3,4 tỉ đồng, không thể tin nổi. Nghĩ đất đó cũng không trồng trọt được nên tôi bán lấy tiền cho các con. Mà tôi bán giá vậy được không chú? Tôi không biết là đắt hay rẻ nữa” - bà Phi vẫn còn ngơ ngác.

Chủ đất mới của bà Phi đã xin địa phương làm hẳn đường bê tông thênh thang chạy ngang mảnh đất rồi xẻ ra hơn chục lô, đóng cọc chào bán. “Người ta tới mua nhiều lắm. Ô tô đậu kín đường” - bà Phi nói.

Gần nhà bà Phi cũng có một lão nông khác vừa xẻ 3.000 m2 đất vườn ra bán với giá 4,5 tỉ đồng. Dân vùng này nhiều hộ khó khăn, nghe tiền tỉ là họ bán đất ngay. Có người chia lô bán lại ngay, người khác lại chờ đường chính (đường Dũng Sĩ Điện Ngọc) được đầu tư mở rộng mới bán để có giá hơn.

Tại Đà Nẵng, cò đất cũng thi nhau đổ bộ về các thôn xóm thuộc xã Hòa Tiến, Hòa Châu…, huyện Hòa Vang hỏi mua đất vườn, đất ở nông thôn của dân. Khắp các ngả đường liên xã sáng sớm hoặc chiều tối là người xe tấp nập.

Theo khảo sát của chúng tôi, các mảnh đất còn nguyên bụi tre, gốc rạ cũng được cò trả giá thấp nhất 700 triệu đồng lô 200 m2. Một tháng sau Tết, mức giá đã lên 1,5-2 tỉ đồng. Thấy đất được giá, người dân đua nhau lấp ao cá, ruộng vườn để bán, rồi chỉ vài ngày sau tiếc nuối vì chủ đất mới bán lại lời gấp hai, ba lần.

Ngày 5-3, chúng tôi hỏi một cò đất tại xã Hòa Châu mua một lô đất 120 m2 và được báo giá 1 tỉ đồng trong khi năm 2018 mảnh đất như vậy giá chỉ 400 triệu đồng.

Cò đất náo loạn miền Trung: Bờ tre, gốc rạ đổi ra tiền tỉ - Ảnh 1.

Mảnh vườn 100 m2 ở nông thôn được cò đất hỏi mua với giá hơn 800 triệu đồng. Ảnh: TẤN VIỆT

Lằng nhằng pháp lý về sau

Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, ông Đặng Phú Hành, nhận định cò đất đang phao tin, đồn thổi việc tách thửa đất vườn thành đất ở rất dễ dàng để dụ dỗ người mua cả tin. Thực tế theo quy định của TP, điều kiện tách thửa ở huyện Hòa Vang là lô đất có diện tích ít nhất 120 m2, kèm theo đó là các điều kiện về mặt cắt đường, hạ tầng, thoát nước.

“Chúng tôi đang đề nghị văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn người dân quy định tách thửa, nếu làm không đúng sẽ mất tiền oan” - ông Hành nói.

Còn theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, ngoài các điều kiện kể trên, để được tách thửa thì phải có quy hoạch chi tiết 1/500. Ông lưu ý: “TP đang kiểm soát rất chặt việc chuyển đổi từ đất rừng, đất nông thôn sang đất ở. Người mua phải tìm hiểu kỹ về quy hoạch, hiện trạng đất có thể chuyển đổi, chia tách sang đất ở được hay không. Người dân có nhu cầu mua đất ở thật sự cần đến Phòng TN&MT huyện, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai huyện… để tìm hiểu trước khi quyết định”.

Trong khi đó, tại địa bàn Quảng Nam, dù UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 06 về tăng cường quản lý đất đai nhưng tình trạng mua bán đất vườn, đất ở nông thôn vẫn rất phức tạp. Ông Trần Thanh Hà, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, cho biết đơn vị chỉ có thể can thiệp hành chính các trường hợp giải quyết thủ tục mua bán, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất… “Còn việc người dân mua bán đất không thông qua chính quyền, sở không thể làm gì được” - ông Hà nói.

Cẩn thận với văn bản trên mạng

Trên mạng xã hội vừa xuất hiện một văn bản có dấu mộc đỏ của UBND tỉnh Quảng Nam với nội dung tỉnh này chấp thuận phê duyệt đầu tư chuỗi khách sạn năm sao, khu phức hợp kết hợp casino, giải trí tại phường Cẩm Nam, TP Hội An. Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định đây là văn bản giả mạo.

Trước đó, các trang rao vặt bất động sản cũng xuất hiện văn bản giả, có chữ ký của chủ tịch TP Đà Nẵng phê duyệt hình thức đầu tư, xây dựng cầu nối từ đường Bùi Tá Hán qua khu đô thị sinh thái Hòa Xuân. Việc đăng tải các văn bản giả nhằm ý đồ tạo cơn sốt đất, qua đó cò đất sẽ được hưởng lợi.

Công an TP Đà Nẵng cũng cho biết đã tiếp nhận tố cáo của người dân về việc bị một số người tự xưng là nhân viên của Công ty CP đầu tư và Phát triển Quảng Đà lừa đảo tiền đặt cọc, giữ chỗ mua đất nền dự án khu dân cư Nam Cẩm Lệ và 121 lô đất mặt tiền đường Đô Đốc Lân, quận Cẩm Lệ. Lực lượng chức năng đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản để điều tra.

_______________________

Kỳ sau: Lãnh trái đắng vì sốt đất ảo.


Theo Tấn Việt - Thanh Nhật

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên