MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông ngân hàng đã "quen" với không cổ tức

30-04-2019 - 07:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Thêm một mùa đại hội cổ đông đi qua, vấn đề chia cổ tức vẫn là điểm nóng ở nhiều ngân hàng. Năm nay, cổ đông các nhà băng lại tiếp tục được nghe "điệp khúc" không cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu; bức xúc, thất vọng nhưng rồi họ cũng đành ngậm ngùi và hy vọng sớm được đền đáp xứng đáng.

"Không chia cổ tức để tập trung tái cơ cấu, xử lý tồn đọng" là lý do mà cổ đông ngân hàng đã được nghe quá nhiều trong những năm qua, có những ngân hàng suốt từ năm 2011 đến nay chưa một lần chia cổ tức. Hay cả ở những ngân hàng chia cổ tức, nhưng chủ yếu bằng cổ phiếu, cổ đông cũng không mấy hài lòng vì thị trường chứng khoán biến động khiến giá cổ phiếu có thể không được như kỳ vọng.

Lãi lớn cũng không chia cổ tức

Tại ĐHĐCĐ của Sacombank mới đây, khi cổ đông bức xúc về việc lại không chia cổ tức, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT giãi bày, mặc dù lãi lớn nhưng nguồn lợi nhuận tạo ra hàng năm cần được ưu tiên sử dụng để xử lý các khoản tồn đọng, giảm áp lực tài chính cho các năm tiếp theo, nhằm rút ngắn tối đa thời gian thực hiện đề án tái cơ cấu sau sáp nhập đã được NHNN phê duyệt.

Trấn an cổ đông, lãnh đạo Sacombank cho biết thêm, ngân hàng đã hiệu chỉnh Đề án tái cơ cấu và trình NHNN xem xét phê duyệt. Phương án về chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại phù hợp với kết quả kinh doanh hàng năm, trên cơ sở đảm bảo tiến độ trích lập/ phân bổ các tồn đọng tài chính theo Đề án.

Trong khi đó, đại diện cơ quan quản lý, lãnh đạo Cục Thanh tra giám sát NHNN TP.HCM cũng động viên, việc chưa chia cổ tức là nhằm đảm bảo an toàn vốn của cổ đông và các cổ đông cần tiếp tục tin tưởng lãnh đạo ngân hàng để có điều kiện thuận lợi thực hiện theo đề án để sớm chia cổ tức cho các cổ đông.

Lãi cao, vượt kế hoạch nhưng không trả cổ tức tiếp tục là thắc mắc của cổ đông TPBank tại ĐHĐCĐ hôm 23/4. Lãnh đạo nhà băng này giải thích, trong kế hoạch năm 2019, ngân hàng sẽ mua lại công ty tài chính, thành lập công ty mới và phần còn lại sẽ chia cho các cổ đông nhưng sẽ bằng cổ phiếu chứ không chia cổ tức bằng tiền.

Trước đó, tại SCB, nhiều cổ đông cũng bày tỏ thất vọng khi năm nay ngân hàng này tiếp tục không chia cổ tức. Lãnh đạo SCB cho hay, trong điều kiện đang tái cơ cấu, ngân hàng chưa thể chia cổ tức cho cổ đông vì NHNN chưa cho phép. Lãnh đạo ngân hàng này cũng phải động viên cổ đông nên kiên nhẫn chờ đợi và sẽ đề xuất HĐQT ghi nhận những cổ đông gắn bó với ngân hàng suốt 5-10 năm qua.

Techcombank trong ĐHCĐ vừa diễn ra cũng đã quyết định giữ lại toàn bộ lợi nhuận để phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Trước đó, ngân hàng này có 7 năm liên tiếp không chia cổ tức và mãi đến năm 2018 cổ đông mới được chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 200% sau sự kiện niêm yết.

Hay VPBank cũng không chia cổ tức trong năm nay mà để lại lợi nhuận để phát triển ngân hàng. Số tiền chưa phân phối năm 2018 để lại sau khi trích các quỹ là hơn 3.400 tỷ. Theo giải thích của lãnh đạo VPBank, ngân hàng tạm thời chưa chia cổ tức, cũng không có chủ trương chia tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính, nhất là hiện nay phải đảm bảo lượng vốn chủ sở hữu để đảm bảo hệ số CAR theo chuẩn Basel II.

"Tiền chưa chia cổ tức thì tiền vẫn là sở hữu của cổ đông. Sau khi xin cổ đông cho trích lập của các quỹ sẽ thuộc quyền quản lý của HĐQT, sau này có chia hay sử dụng thế nào cũng phải xin ý kiến của đại hội đồng cổ đông", lãnh đạo VPBank cho biết khi được hỏi về việc ai sẽ quản lý nguồn tiền giữ lại đó.

Tương tự, Kienlongbankcũng đã thông qua việc không chia cổ tức năm 2018 mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận để bổ sung vốn kinh doanh.

Vẫn chủ yếu là cổ tức bằng giấy

Những ngân hàng khác, khá khẩm hơn là có cổ tức nhưng cũng chủ yếu sẽ trả bằng cổ phiếu. Dẫu tỷ lệ trả cổ tức khá cao ở một số nhà băng song nhiều cổ đông vẫn không mấy hài lòng vì thị trường chứng khoán biến động, giá cổ phiếu có thể diễn biến không như kỳ vọng. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu tăng vốn và sớm đáp ứng tiêu chuẩn Basel II, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu được xem là một trong những phương án tốt nhất hiện nay để nâng cao năng lực của ngân hàng.

Chẳng hạn tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2019, cổ đông ACB đã thông qua việc chia cổ tức năm 2018 và 2019 với cùng tỷ lệ 30%. Trong đó, năm 2018 chia bằng cổ phiếu, năm 2019 chia 20% cổ phiếu và 10% bằng tiền.

Trong khi đó, một ngân hàng khác là HDBank cũng tiếp tục chia cổ tức và cổ phiếu thưởng ở mức 30%, là mức đều đặn chia trong những năm qua. Trong đó, tỷ lệ cổ tức bằng cổ phiếu là 10% và cổ phiếu thưởng là 20%.

Còn tại SHB, ngân hàng cũng đã thông qua phương án chia cổ tức cho 2 năm 2017 và 2018 bằng cổ phiếu với tổng tỷ lệ 21%. Nhiều cổ đông ngân hàng này cũng bức xúc vì nhiều năm chưa được nhận cổ tức bằng tiền mặt.

Trả lời cổ đông về vấn đề này, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, bản thân ông cũng là cổ đông, cũng rất muốn được chia cổ tức. Tuy nhiên, sau sáp nhập với Habubank, ngân hàng phải gánh khoản nợ liên quan đến Vinashin, nên ngân hàng phải bán cho VAMC và trích lập dự phòng trong 8 năm. Theo yêu cầu của NHNN, ngân hàng cần phải đưa dự phòng xuống dưới 5 năm mới được chia cổ tức, do vậy ban lãnh đạo ngân hàng sẽ cố gắng xử lý xong sớm để thực hiện chia cổ tức trong năm nay. Ngoài ra, SHB cần tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II, và phục vụ cho sự phát triển của các công ty con nên phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu là khả thi nhất.

Chia cổ phiếu bằng tiền mặt, MBBank có lẽ là ngân hàng hiếm hoi duy trì được điều này nhiều năm liền, với tỷ lệ 6%. Ngoài chia cổ tức bằng tiền mặt, ngân hàng này còn trả cổ tức bằng cổ phiếu 8% và muốn duy trì mức cổ tức tối thiếu 12-13%/năm trong 5 năm tới.

Một ngân hàng khác có chia cổ tức tiền mặt trong năm nay là VIB. ĐHĐCĐ thường niên của nhà băng này đã thông qua tỷ lệ cổ tức 5,5% bằng tiền mặt trong năm nay, cao hơn so với mức cổ tức tiền mặt mà cổ đông nhận được trong các năm từ 2016 - 2018 (tỷ lệ 5%). Cùng với việc nhận cổ phiếu quỹ, cổ tức bằng tiền mặt, cổ đông VIB còn được nhận thêm cổ phiếu thưởng tỷ lệ 18% theo phương án tăng vốn điều lệ 2019.

Ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, trong bối cảnh nhu cầu tăng vốn điều lệ ngày càng cấp thiết, Vietcombank, VietinBank và BIDV đều đã bày tỏ mong muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu, dù vậy phương án này vẫn cần được các cơ quan liên quan chính thức phê duyệt.

Năm nay, VietinBank đã trình cổ đông thông qua chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỷ đồng) hoặc để lại toàn bộ lợi nhuận (gần 2.997 tỷ đồng) để tăng vốn điều lệ. HĐQT được ĐHĐCĐ ủy quyền quyết định phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 sau khi có phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Tại đại hội, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank chia sẻ ngân hàng cũng đã trình NHNN phương án được giữ lại toàn bộ lợi nhuận 3 năm 2017-2019 để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đây đang là phương án khả thi nhất để tăng vốn đối với VietinBank hiện nay, khi các phương án khác đã được khai thác tới hạn.

Còn tại Vietcombank, năm nay ĐHĐCĐ đã thông qua việc chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2018 với tỷ lệ 8% vốn điều lệ tương đương với hơn 2.900 tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng này cũng muốn dùng 70% lợi nhuận còn lại sau thuế và trích quỹ (tương đương 6.700 tỷ) để chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc để lại. Tuy nhiên, việc thực hiện phân phối vẫn phải chờ phê duyệt của các cơ quan có thẩm quyền.

Trong khi đó, ở BIDV, hình thức chi trả cổ tức đang được BIDV báo cáo và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.


Ngọc Bích

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên