MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ đông thép tiếp tục hân hoan cùng sắc tím, nhóm bất động sản cũng quay ngoắt phi từ sàn lên trần, ngày "về bờ" có còn xa?

Cổ đông thép tiếp tục hân hoan cùng sắc tím, nhóm bất động sản cũng quay ngoắt phi từ sàn lên trần, ngày "về bờ" có còn xa?

Ngoài nhóm thép, sắc tím trên thị trường hôm nay cũng xuất hiện tại nhóm cổ phiếu đầu cơ dòng bất động sản khi nhiều mã quay ngoắt 180 độ từ gam màu đỏ và "xanh sàn" lúc đầu phiên sang xanh lá và tím khi đóng cửa.

Phiên giao dịch hôm nay 9/2 tiếp tục ghi nhận sức tăng ấn tượng của nhóm ngành thép. Sức kéo này giúp thị trường có thêm một phiên tăng điểm, VN-Index vẫn đang "bảo toàn" thành quả vượt ngưỡng 1.500 điểm.

Thống kê cuối ngày cho thấy, rất nhiều cổ phiếu thép đã tăng kịch trần kèm theo "trắng bên bán". Nổi bật là HSG khi nhanh chóng tăng hết biên độ ngay từ phiên sáng, đồng thời giữ vững sắc tím khi đóng cửa, đạt 36.450 đồng/ cổ phiếu, NKG cũng tăng trần 7% lên 37.500 đồng/cp, dư mua giá trần tại hai mã này lên tới hàng triệu đơn vị, khối lượng khớp lệnh lên tới chục triệu cổ phiếu. Hai cổ phiếu này trong phiên 8/2 liền trước đã trở thành điểm sáng khi đồng loạt vượt đường ngắn hạn MA20 cùng dấu hiệu mua chủ động.

Cổ đông thép tiếp tục hân hoan cùng sắc tím, nhóm bất động sản cũng quay ngoắt phi từ sàn lên trần, ngày về bờ có còn xa? - Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu thép bứt phá phiên thứ hai liên tiếp

Cũng tại sàn HoSE, SMC, VIS, POM hôm nay bứt phá khi tăng kịch biên độ; TLH thì khiêm tốn hơn, lần lượt tăng 3,8% lên 47.300 đồng/cp và 3,9% lên 19.800 đồng/cp. Hay tại UPCoM, TIS tăng mạnh 9,8% lên mức 13.500 đồng/cp còn TVN cũng leo lên mức 15.800 đồng/cp với biên độ tăng 8,2%.

"Ông lớn" HPG có phiên thứ hai liên tiếp trở thành công thần lớn nhất giúp Vn-Index tăng gần 2 điểm và giữ được sắc xanh trong toàn bộ khoảng thời gian giao dịch. Nếu so với mức giá trước khi nghỉ Tết Âm lịch, cổ phiếu HPG đã tăng 12%. Việc một doanh nghiệp có hơn 4,47 tỷ cổ phiếu đang niêm yết trên thị trường chứng khoán, mức tăng 12% có nghĩa là vốn hóa của HPG đã tăng thêm 22.800 tỷ đồng.

Sắc tím trên thị trường hôm nay cũng xuất hiện tại nhóm cổ phiếu đầu cơ dòng bất động sản. Không như đà tăng từ trước đó của cổ phiếu thép, nhóm cổ phiếu này hôm này quay ngoắt 180 độ từ gam màu đỏ và "xanh sàn" lúc đầu phiên sang xanh lá và tím khi đóng cửa.

Cụ thể, sau những nhịp điều chỉnh mạnh, "nằm sàn" hai phiên liền trước, cổ phiếu L14 hôm nay bất ngờ leo nhanh từ mức giá đỏ 280.000 đồng lên giá trần 338.500 đồng khi kết phiên. Ấn tượng hơn. CEO, DRH và DIG bất chấp khoảng đầu phiên sáng chịu áp lực bán mạnh, thị giá sau đó đã đảo chiều, tăng từ mức giá sàn lên trần khiến nhiều nhà đầu tư bất ngờ. Những mã khác như QCG, HDC, SCR, CII cũng hồi phục nhanh từ vùng giá thấp để tăng hết biên độ, trước khi thu hẹp đà tăng lúc kết phiên.

Cổ đông thép tiếp tục hân hoan cùng sắc tím, nhóm bất động sản cũng quay ngoắt phi từ sàn lên trần, ngày về bờ có còn xa? - Ảnh 2.

Nhiều cổ phiếu bất động sản phi từ sàn lên trần

Việc những nhóm cổ phiếu tăng nóng rồi điều chỉnh mạnh giờ lại có những nhịp hồi phục khiến nhiều nhà đầu tư đang nắm giữ các mã này đặt ra nhiều nghi ngại, liệu đà tăng có thể kéo dài bao lâu và có thể duy trì tăng đến mức nào? Những nhà đầu tư chẳng may kẹp hàng khi đu nhầm đỉnh giá có cơ hội thu hồi được vốn?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Agriseco cho rằng đối với nhóm cổ phiếu bất động sản, nhà đầu tư nên gạt bỏ trạng thái đang thua lỗ hoặc đang có lãi để nhìn nhận rõ các vấn đề.

Thứ nhất, các doanh trên có quỹ đất sạch như thế nào? Trước đó, nhiều doanh nghiệp đã được hưởng lợi theo hướng "tát nước theo mua", cách thức định giá đơn giản chỉ là nhân quỹ đất với giá thị trường để ra vốn hóa doanh nghiệp, trong khi quỹ đất đó còn nhiều vấn đề về mặt pháp lý.

Thứ hai là cần xem xét lại năng lực triển khai dự án của doanh nghiệp như thế nào? Quỹ đất lớn là một phần nhưng để tạo ra dòng tiền thì nó lại là xoay quanh vấn đề triển khai dự án. Nếu năng lực triển khai dự án không tốt, dự án tồn đọng nhiều năm và không tạo ra giá trị thặng dư cho cổ đông thì sẽ không phải là khoản đầu tư tốt.

Cuối cùng là cần xem khả năng bán hàng, hấp thụ của thị trường như thế nào. Nếu không bám vào nhu cầu thực mà chỉ đơn giản mua đi bán lại hưởng chênh lệch giá thì sẽ khó bền vững.

Sau khi trả lời được 3 câu hỏi trên, nếu doanh nghiệp chưa có vấn đề gì ở các khâu trên thì nhà đầu tư hoàn toàn có thể tiếp tục nắm giữ. Ngược lại, nếu không đáp ứng thì ông Khoa khuyên nhà đầu tư nên tranh thủ các nhịp hồi phục để bán, tránh bị kẹp vốn lâu dài, có khi tới hàng năm và vài năm.

Đối với nhóm cổ phiếu thép, ông Khoa đánh giá giá cổ phiếu thép tăng được hỗ trợ tích cực từ thông tin giá thép thế giới sau dịp Tết Nguyên đán. Giá thép ngày 09/02 đã tăng 15% vượt mức 4.800 NDT/tấn từ mức đáy tại tháng 11 năm ngoái.

Ngoài ra giá cổ phiếu thép đã chiết khấu trên 20% về mức định giá tương đối hấp dẫn so với mặt bằng chung của thị trường. Việc cổ phiếu thép tăng giá phiên thứ 2 liên tiếp cho thấy sự kì vọng trở lại của nhà đầu tư với các doanh nghiệp thép trước tín hiệu phục hồi nhu cầu của thị trường nội địa và tiềm năng đến từ các thị trường xuất khẩu mới. Trong đó, việc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng có giá trị lên tới 100 nghìn tỷ đồng sẽ kéo theo phát triển đầu tư và xây dựng tư nhân giúp nhu cầu thép trong nước tăng trưởng trong các năm tới.

Về giá thép thế giới trong năm 2022, tôi duy trì quan điểm rằng giá thép sẽ duy trì ở mặt bằng thấp hơn so với 2021 khi cung cầu thế giới dần trở về mức cân bằng. Mặc dù vậy, sản lượng được kỳ vọng sẽ tăng tốt và tạo động lực tăng trưởng lợi nhuận cũng như mặt bằng giá cổ phiếu nhóm này. Do vậy ông Khoa cho rằng đây là thời điểm thích hợp để tích lũy và tiếp tục nắm giữ, kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội tăng giá tốt trong giai đoạn sắp tới.

Theo FiinTrade, sau một thời gian giảm giá, P/E, P/B của những cổ phiếu thép như HSG hay NKG thấp hơn đáng kể so với trung bình 3 năm và thấp hơn trung bình ngành. Xét về triển vọng, năm 2022 vẫn khả quan với ngành thép khi dịch bệnh được kiểm soát, nhu cầu xây dựng hồi phục mạnh trở lại sẽ khiến mức tiêu thụ thép tiếp tục tăng mạnh hơn. Trừ Trung Quốc, nhu cầu thép của toàn cầu cũng dự kiến tăng. Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là năm 2022 được coi là thời điểm cuối chu kỳ nên giá thép có nhiều khả năng giảm xuống.

https://cafef.vn/co-dong-thep-tiep-tuc-han-hoan-cung-sac-tim-nhom-bat-dong-san-cung-quay-ngoat-phi-tu-san-len-tran-ngay-ve-bo-co-con-xa-20220209154911691.chn

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên