MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có đúng là Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới?

21-06-2021 - 19:03 PM | Tài chính quốc tế

Có đúng là Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới?

Xuất khẩu của Trung Quốc cao hơn khoảng 20% ​​so với trước đại dịch, và các nhà máy đã phải vật lộn để kịp hoàn thành các đơn đặt hàng. Sự gián đoạn đối với nguồn cung cấp hàng hóa toàn cầu, chẳng hạn như phong toả đã hạn chế khai thác đồng ở Chile và Peru, cũng đã đẩy giá lên cao.

Eric Zhu, giám đốc kinh doanh quốc tế của một hãng sản xuất xe nâng Trung Quốc, vừa gửi bức thư thứ hai trong năm cho khách hàng, giải thích rằng giá cả lại một lần nữa phải tăng. "Chúng tôi cần chia sẻ một phần khoản tăng giá với các đối tác của chúng mình. Chúng tôi không đủ khả năng gánh hết toàn bộ phần chi phí gia tăng đó." 

Lạm phát ở Mỹ đang tăng nhanh nhất kể từ năm 2008. Giá năng lượng và hàng hóa đã tăng vọt. Và giống như ông Zhu, các nhà đầu tư và chủ công ty đang lo lắng rằng Trung Quốc, công xưởng của thế giới, đang bắt đầu xuất khẩu lạm phát.

Có thể dễ dàng hiểu tại sao mọi người lại đặc biệt lo lắng như vậy. Vào tuần trước, Trung Quốc cho biết giá xuất xưởng từ các nhà máy đã tăng với tốc độ hàng năm là 9% trong tháng 5, mức cao nhất trong hơn một thập kỷ. Điều đó, cùng với chi phí vận chuyển tăng cao và đồng nhân dân tệ mạnh hơn, có thể sẽ đẩy giá hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc, từ điện thoại đến các tấm nệm. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã đắt hơn 2,1% trong tháng 4 so với một năm trước, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2012.

Có đúng là Trung Quốc đang xuất khẩu lạm phát ra toàn thế giới? - Ảnh 1.

Giá hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc đang chứng kiến sự tăng vọt (Nguồn: The Economist)

Tuy nhiên, nguy cơ lạm phát do Trung Quốc xuất khẩu có thể đang bị đánh giá quá cao. Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của đất nước được dẫn dắt bởi đầu tư vào nhà cửa và cơ sở hạ tầng,và điều này đã đẩy giá thép lên. Để đáp ứng các mục tiêu xanh, chính phủ đã hạn chế cả sản xuất than và thép. Các quan chức cũng đã tuyên bố sẽ trấn áp "đầu cơ quá mức" đối với hợp đồng tương lai hàng hoá trong nước vì cho rằng rằng điều này là một nguyên nhân của tình trạng tăng giá.

Thay vào đó, hầu hết các áp lực về giá đều phản ánh đặc thù của nền kinh tế thời Covid. Nhu cầu toàn cầu về hàng tiêu dùng - những thứ mọi người có thể mua trực tuyến trong khi ở nhà cách ly - đã tăng vọt. Xuất khẩu của Trung Quốc cao hơn khoảng 20% ​​so với trước đại dịch, và các nhà máy đã phải vật lộn để kịp hoàn thành các đơn đặt hàng. Sự gián đoạn đối với nguồn cung cấp hàng hóa toàn cầu, chẳng hạn như phong toả đã hạn chế khai thác đồng ở Chile và Peru, cũng đã đẩy giá lên cao.

Thay vì truyền đi "cú sốc" này, các công ty Trung Quốc đã "hấp thụ" phần lớn. So với cuối năm 2019 là thời điểm trước khi Covid-19 lan rộng thế giới, giá xuất xưởng ở Trung Quốc đã tăng gần 6%. Nhưng một chỉ số đo lường chi phí sản xuất ở Trung Quốc ghi nhận chỉ tăng 0,6%. Các công ty đã phải chấp nhận mức tỷ suất lợi nhuận thấp hơn, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi ông Zhu muốn chia sẻ "nỗi đau" này sang khách hàng.

Hơn nữa, môi trường chính sách ở Trung Quốc và Mỹ rất khác nhau. Trong khi Cục Dự trữ Liên bang nới lỏng chính sách tiền tệ một cách đáng kể, thì Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tỏ ra thận trọng hơn nhiều. Họ bắt đầu giảm bớt hỗ trợ của mình một cách thận trọng. Điều này có thể giúp giải thích sự khác biệt giữa quỹ đạo lạm phát của hai quốc gia. 

Tại Mỹ, thước đo ưu tiên của Fed về giá tiêu dùng "cốt lõi", không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 4, mức cao nhất kể từ năm 1992. Ở Trung Quốc, CPI lõi tháng 5 chỉ tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nông dân Trung Quốc cũng đã giúp giảm áp lực lạm phát. Sự phục hồi của đàn lợn sau khi bùng phát dịch tả lợn châu Phi đã khiến giá thịt lợn giảm gần một phần tư so với năm ngoái).

Nhìn xa hơn, một số nhà phân tích cho rằng dân số già của Trung Quốc sẽ biến nước này thành một "yếu tố tạo ra lạm phát". Vào đầu những năm 2000, mức lương thấp của Trung Quốc đã giúp hàng tiêu dùng rẻ của nước này xuất hiện ở mọi ngõ ngách trên khắp thế giới. 

Điều đó cho thấy rằng nguồn cung lao động bị thu hẹp và tiền lương tăng sẽ có tác động ngược lại. Tuy nhiên, điều này không quá rõ ràng. Ngành sản xuất cấp thấp đã chuyển sang những nơi rẻ hơn như Việt Nam và Bangladesh, trong khi sự gia tăng nhanh chóng của tự động hóa ở Trung Quốc cũng đã giúp kiềm chế giá cả.

Tuy nhiên, hiện tại, câu hỏi cấp bách là liệu lạm phát giá đầu vào của Trung Quốc sẽ là tạm thời hay lâu dài. Câu trả thật sự nằm ngoài phạm vi đất nước Trung Quốc. Khi việc triển khai vắc-xin đạt được một tỷ lệ nhất định và cuộc sống bình thường tiếp tục ở Mỹ và châu Âu, mọi người có khả năng chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ như du lịch và ăn uống mà không chỉ cho hàng hóa mua trực tuyến. Điều này sẽ giảm bớt áp lực lên hàng hóa, mà rộng ra là đối với các nhà máy của Trung Quốc.

Theo The Economist

Mỹ Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên