Cô gái tiết kiệm gần 700 triệu đồng/năm nhờ theo đuổi một lối sống của người Nhật: Đặc biệt phù hợp trong thời kỳ bão giá, Steve Jobs cũng là 'tín đồ'
Lựa chọn lối sống này không chỉ giúp cô gái này tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ mà còn giúp tiết kiệm thời gian và cảm thấy hạnh phúc hơn.
- 19-02-2023Vì sao nhiều tỷ phú có tiền tiêu 4.000 năm không hết nhưng vẫn buồn phiền, thậm chí trầm cảm? Tâm lý học có câu trả lời gây ngỡ ngàng
- 19-02-20234 triết lý đầu tư của 'thần đồng chứng khoán' phố Wall: Chọn cổ phiếu giống như chăn cừu, lợi nhuận lớn, thua lỗ nhỏ nhờ ‘tiến 3 lùi 1’
- 15-02-2023Cách giới siêu giàu tiêu tiền: Nhà tài phiệt chi gần 5.000 tỷ đồng cải tạo cả 1 hòn đảo vì đam mê nghệ thuật, 'vung tiền’ không tiếc tay để sở hữu loạt kiệt tác của Picasso, Leonardo da Vinci
Trong thời kỳ bão giá hiện nay, chi phí sinh hoạt tại các thành phố tăng cao trong khi nhiều người mất việc do “bão sa thải”, lối sống tối giản của người Nhật đang được ưa chuộng trở lại. Phong cách sống tối giản không chỉ giúp những "tín đồ" tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể nhờ việc cắt giảm chi tiêu, tập trung mua những món đồ cần thay vì mua vì muốn mà còn mang lại nhiều lợi ích bất ngờ khác.
Kel Galavan, một chuyên gia huấn luyện tài chính cá nhân đã cắt giảm 27.000 Euro/ năm (gần 700 triệu đồng) nhờ theo đuổi lối sống tối giản này. “Mọi người thường coi chủ nghĩa tối giản là xu hướng nhất thời nhưng với tôi đó là lựa chọn cách sống. Sống với ít đồ hơn và chỉ giữa lại những thứ mang lại cho bạn niềm vui hoặc có chủ đích”, Galavan viết.
Theo chuyên gia này, lối sống tối giản không thể rập khuôn như trong sách báo mà mỗi người sẽ có những điều chỉnh phù hợp với bản thân. Điều quan trọng là căn nhà của bạn sẽ ít bừa bộn hơn và bạn cảm thấy bình yên mỗi khi trở về. Việc tập trung vào những thứ thiết yếu và loại bỏ đồ vật thừa thãi giúp cô đạt được số tiền tiết kiệm mơ ước bấy lâu, từ việc cắt giảm mua hàng tạp hóa, quần áo, giải trí và du lịch nhưng vẫn rất hài lòng với thực tại.
Kel Galavan đã chia sẻ những cách cô kiếm tiền và tiết kiệm từ lối sống tối giản.
1. Bán những thứ bạn không cần
Bạn hoàn toàn có thể bán lại những thứ mình không cần, không dùng nữa và nó sẽ mang lại khoản thu nhập đáng kể mà trước đây bạn không ngờ tới. Theo Galavan, hầu hết chúng ta đều có quá nhiều đồ vật hơn mức cần thiết và hay có tâm lý giữ đồ để “đề phòng”.
Hoặc món đồ đó có giá trị tình cảm, nhưng bạn không bao giờ động tới và chúng chỉ chiếm mất nhiều không gian. Nếu bạn không thể nhớ lần cuối cùng chạm vào nó, và không nghĩ được lần tiếp theo sử dụng thì đã đến lúc món đồ đó cần “ra đi”.
2. Mua có chủ đích
Để duy trì lối sống tối giản, bạn phải có chủ ý về việc mua hàng của mình. Galavan cho biết cô không mua đồ vì mình thích mà phải cân nhắc xem mình có cần thứ đó không trước khi mang chúng vào nhà. Không mua sắm bốc đồng, không mua đồ chỉ vì chúng được giảm giá và không chi tiêu lãng phí là chìa khóa của tiết kiệm.
Nhờ việc cân nhắc trong mua sắm sẽ giúp bạn hiểu rõ những gì mình đang coi trọng, phân biệt được giữa “muốn” và “cần”. Ví dụ nếu trước kia bạn chi 2 triệu đồng cho tiền cà phê và đồ ăn vặt mỗi tháng nhưng ưu tiên hiện giờ là trả nợ và tiết kiệm, bạn sẽ phải cắt giảm 1 nửa ngân sách cho khoản này. Bạn cũng tránh được việc mua trùng lặp đồ mình đã có rồi vì nhớ được từng món đồ mình đã mua.
3. Thần chú “Chất lượng hơn số lượng”
Theo Kel Galavan, mọi người đều bị thu hút bởi những món đồ rẻ và nghĩ nếu chúng hỏng, bỏ đi cũng không tiếc tiền. Nhưng việc chi tiêu cho những thứ có độ bền cao, không bao giờ lỗi mốt sẽ giúp bạn tiết kiệm nhiều hơn. Có thể món đồ đó đắt vào thời điểm bạn mua, nhưng nếu sử dụng hàng ngày trong thời gian dài, bạn sẽ cảm thấy quyết định đó là đúng đắn.
4. Tiết kiệm
Một trong những lợi ích lớn nhất của chủ nghĩa tối giản là nó giải phóng nhiều thời gian và không gian hơn trong cuộc sống của bạn. Bạn không cần không gian quá rộng lớn với tiền thuê nhà đắt đỏ để ở với khối lượng đồ đạc cồng kềnh mỗi lần chuyển nhà.
Đồng thời tiết kiệm được thời gian dọn dẹp, sắp xếp những món đồ trong nhà, điều này giúp bạn có nhiều thời gian nghỉ ngơi và làm việc khác. Khi bạn bắt đầu sắp xếp lại cuộc sống của mình, bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ dễ dàng và thú vị của lối sống này.
Những món đồ có tác dụng chứa, trưng bày nhưng thùng, hộp, tủ cũng được giảm đi đáng kể. Bạn cũng không cần thuê người dọn dẹp trong mỗi dịp đặc biệt và cũng không tốn nhiều chi phí nếu những món đồ điện tử hỏng hóc. Thu nhỏ tủ quần áo của mình là một trong những cách Galavan để tiết kiệm tiền mua sắm và thời gian chọn đồ mỗi tháng.
5. Lập ngân sách hiệu quả
Khi bạn chú ý đến chi tiêu, việc đặt ưu tiên và sử dụng tiền sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, chủ nghĩa tối giản giúp bạn nhìn ra những điểm cần thay đổi trong thói quen tài chính của mình. Ví dụ bạn liên tục tiêu tiền vào những thứ không mang lại giá trị cho cuộc sống của mình, khi theo đuổi chủ nghĩa tối giản bạn sẽ dễ dàng xác định được và thay đổi nó.
6. Tập trung vào trải nghiệm thay vì vật chất
“Lối sống tối giản không phải một trải nghiệm buồn tẻ mà nó khiến tôi cảm thấy hài lòng và hạnh phúc hơn. Đó là bởi người theo chủ nghĩa tối giản có xu hướng tập trung vào trải nghiệm hơn là sở hữu. Họ có khả năng chi tiền để tạo ra kỷ niệm thay vì tích tiền để mua nhiều thứ. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trải nghiệm mang lại hạnh phúc dài lâu hơn của cải vật chất”, Kel Galavan viết.
Cựu CEO Apple Steve Jobs là người theo đuổi lối sống tối giản. Ngôi nhà của ông không có nhiều đồ đạc, vật dụng. Ông chỉ treo 1 bức ảnh của Eistein, một cây đèn Tiffany, một chiếc ghế và một chiếc giường. “Jobs không cần nhiều thứ quanh mình, nhưng đó đều là những gì ông lựa chọn kỹ càng”, John Sculley, cựu CEO của Apple Computer nói.
Ngoài Steve Jobs, tỷ phú Michael Bloomberg, diễn viên Robert Pattinson và nghệ sĩ Agnes Martin cũng nổi tiếng với lối sống tối giản.
Theo The Fool, Mrssmartmoney
Nhịp sống thị trường