MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cố gắng cân bằng cung - cầu thịt lợn trong 2-3 tháng nữa

05-05-2017 - 08:18 AM | Thị trường

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng giá thịt lợn hơi về cơ bản đã tương đương giá thành sản xuất.

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 tổ chức chiều ngày 4/5, phóng viên đã hỏi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về số liệu tồn đọng thịt lợn trong dân và các doanh nghiệp hiện nay là bao nhiêu? Ngoài các giải pháp mà Bộ đã công bố mang tính chất vận động thì trước mắt biện pháp cụ thể và thực chất để tiêu thụ thịt lợn trong và ngoài nước như thế nào? Trong chỉ đạo mới đây của Thủ tướng yêu cầu tạm ngừng tạm nhập tái xuất thịt lợn, xin hỏi quan điểm của Bộ và Chính phủ là tại sao lại có yêu cầu này?

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết hiện đã công khai rất nhiều giải pháp trước mắt, vì vậy những ngày qua giá thịt lợn hơi đã tăng lên và có mức tăng bình quân so với thời điểm thấp nhất khoảng trên 5.000 đ/kg thịt lợn hơi. Ở các siêu thị so với cách đây 10 ngày thì giá bán thịt lợn cũng đã giảm, rất nhiều doanh nghiệp cung ứng cho các siêu thị lớn như Big C, Saigon Co.op… đã giảm giá bán 10-20%.

"Do những cố gắng của tất cả chúng ta trong thời gian qua, thậm chí ngay trong dịp nghỉ lễ 30/4 vừa qua, hầu hết chúng ta đều có tiêu thụ thịt lợn tại các vùng quê. Điều này cũng góp phần làm giá thịt lợn hơi về cơ bản tương đương giá thành sản xuất.

Về số liệu tồn đọng thịt lợn hiện nay, Bộ sẽ cung cấp số liệu chi tiết sau. Chúng ta sẽ cố gắng giải quyết trong thời gian tới để cân bằng lại cung-cầu trong khoảng 2-3 tháng nữa."- ông Tuấn trả lời.

Còn những giải pháp sắp tới, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tập trung vào 3 giải pháp:

Thứ nhất là phải giải quyết tốt quan hệ cung-cầu, đồng thời rà soát để bảo đảm tổng đàn lợn, quy mô đàn có cơ cấu hợp lý. Trước mắt, Bộ đang có các giải pháp để kiểm soát lợn nái, đồng thời nâng cao vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thứ hai là tổ chức liên kết chuỗi. Như vậy sẽ có một số cơ chế chính sách Bộ sẽ đề xuất với Chính phủ thay đổi. Tuy nhiên, quan điểm chung là không có việc hỗ trợ trực tiếp mà hỗ trợ thông qua chuỗi và theo tín hiệu của thị trường.

Thứ ba là giải quyết vấn đề mở thị trường, ở đây là thị trường Trung Quốc. Những năm trước, thị trường Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu theo tiểu ngạch rất lớn với thịt lợn của chúng ta. Năm nay, trong 4 tháng đầu năm, lượng này chỉ còn khoảng dưới 10% so với năm ngoái, vì vậy cũng ảnh hưởng đến tiêu thụ lợn.

Hiện nay việc tạm nhập tái xuất qua Việt Nam để sang các nước khác, trong đó có Trung Quốc, thịt gia súc, gia cầm bằng khoảng 52-55% sản lượng sản xuất.

Chính phủ đã chỉ đạo, không phải cấm tạm nhập tái xuất mà kiểm soát chặt chẽ tạm nhập tái xuất theo quy định để không có việc luân chuyển tạm nhập tái xuất thẩm thấu vào thị trường nội địa một cách không hợp pháp. Đồng thời, chúng ta cũng thấy nếu như tạm nhập tái xuất tăng mãi thì có thể ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ gia súc, gia cầm của chúng ta. Tất nhiên chúng ta sẽ thực hiện kiểm soát này theo đúng quy định của Việt Nam và theo các hiệp định thương mại, nhất là của WTO.

Minh Phương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên