Tư gia đắt đỏ nhất Bắc Kinh: Tỉ phú Nga bỏ 15,8 triệu USD mua lại, bỏ tiền cải tạo, giờ giá tăng gấp 14 lần
Trong số 17 thứ được coi là đắt đỏ nhất Bắc Kinh mà nhiều đại gia chưa chắc mua được, có “Tứ hợp viện” – kiểu nhà bao quanh sân vườn truyền thống của vùng Hoa Bắc Trung Quốc.
- 01-03-2023Kinh tế Trung Quốc có ‘tín hiệu tích cực’, chỉ số PMI đạt mức ‘10 năm có 1’
- 28-02-2023Quận giàu nhất Trung Quốc: Không những bỏ xa nhiều tỉnh ở đất nước tỷ dân mà còn đủ sức lọt top 60 nền kinh tế lớn nhất toàn cầu
- 28-02-2023Trung Quốc có nguy cơ đi vào "vết xe đổ" của Nhật Bản cách đây 30 năm: Từng biến động đều trùng hợp tới khó tin
Nhắc đến tứ hợp viện, một số người sẽ nghĩ đến Ung Hòa Cung, Cung Vương Phủ - dinh thự của Hòa Thân, hoặc Tử Cấm Thành – tứ hợp viện lớn nhất Trung Quốc.
Tứ hợp viện có bao nhiêu loại?
Theo trang tin Baijiahao, tứ hợp viện được xây theo bố cục bao gồm: 1 sân vườn nằm ở trung tâm, 4 dãy nhà được xây ở 4 hướng Đông - Tây - Nam - Bắc bao quanh sân vườn.
Tứ hợp viện sớm nhất ở Trung Quốc có nguồn gốc từ kiến trúc cung điện của triều đại Tây Chu. Sau hơn 3.000 năm phát triển cho đến thời nhà Thanh, phong cách kiến trúc của tứ hợp viện về cơ bản đã được hoàn thiện. Ngày nay, chỉ còn lại hơn 3.000 tứ hợp viện được bảo tồn hoàn chỉnh.
Dù có tên gọi là “Tứ hợp viện” nhưng vẫn không hẳn thiết kế của nó chỉ có 1 sân vườn. Trên thực tế, những gia đình giàu có ngày xưa, có thể sở hữu các “đại hợp viện” lên đến 7 hay 9 sân vườn tùy theo khả năng tài chính và nhu cầu của chủ nhà.
Thiết kế tứ hợp viện 1 sân vườn hình chữ "Khẩu" (口) được gọi là “Nhị tiến viện”; tứ hợp viện 2 sân vườn hình chữ "Nhật" (日) được gọi là “Tam tiến viện”; tứ hợp viện 3 sân vườn hình chữ "Mục" (目) được gọi là “Tứ tiến viện”. Nói chung, trong một sân vườn, nhất tiến là dãy nhà có cửa ra vào, nhị tiến là sảnh, tam tiến hoặc sau tam tiến là phòng ngủ hoặc nhà trong. Tứ hợp viện tại mỗi địa phương của Trung Quốc lại có kiểu thiết kế khác nhau, nhưng tiêu biểu nhất là tứ hợp viện Bắc Kinh.
Tứ hợp viện Bắc Kinh có thiết kế vuông vắn, ngăn nắp nên còn được gọi là “Tứ hợp phòng”. Dãy nhà phía bắc là “Chính phòng”, nhằm khẳng định hướng chủ đạo của tứ hợp viện là nhìn từ bắc về nam, dãy nhà phía nam được gọi là “Đảo tọa”, hai bên đông tây gọi “Sương phòng”. Sương phòng là không gian hoạt động của phụ nữ và gia quyến, người khác không được tùy tiện bước vào.
Loại tứ hợp viện phổ biến nhất và được bảo tồn tốt nhất ở Bắc Kinh là “Nhị tiến viện” với diện tích khoảng 1000 m2.
Hiện trạng của tứ hợp viện Bắc Kinh
Theo trang tin Baijiahao, sau năm 2000, do công cuộc tái thiết đô thị, phần lớn tứ hợp viện ở Bắc Kinh đã bị phá hủy. Tính đến nay, chỉ còn không đến 300 tứ hợp viện thuộc sở hữu tư nhân có thể giao dịch, chiếm 10% tổng số tứ hợp viện. Trong số đó, những tứ hợp viện được bảo tồn tốt thậm chí còn ít hơn, hầu hết được tọa lạc trong khu vực vành đai 2 của Bắc Kinh như: Hậu Hải, Đông Tứ…
Hầu hết tứ hợp viện không phải là nhà ở đều được các đơn vị sự nghiệp như trường học quản lý, hoặc được coi như đất thương mại để phát triển thành khách sạn hoặc quán bar.
Một cụ già sống trong tứ hợp viện tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Flickr
Trong số những tứ hợp viện dùng làm nhà ở, ngoài một số tứ hợp viện có thể giao dịch trên thị trường, hầu hết tứ hợp viện còn lại đã bị đổ nát với quyền sở hữu phức tạp, rất khó để xác minh. Ngoài ra, quyền sử hữu đối với tứ hợp viện cũng có nhiều loại, từ 40 năm, 50 năm đến 70 năm, có đất ở tư nhân và đất thương mại, nên bất kỳ ai muốn mua đều phải tìm hiểu rõ ràng về quyền sở hữu.
Do sự hiếm có của tứ hợp viện ở Bắc Kinh và vị trí nằm trong khu vực vành đai 2, nên các “đại gia” khắp Trung Quốc, và thậm chí cả tỉ phú nước ngoài, đã không tiếc công săn lùng mua bằng được tứ hợp viện. Điều này cũng khiến giá trị của tứ hợp viện không ngừng tăng cao. Tuy không có thiết kế cao cấp và tiện nghi như những ngôi nhà hiện đại, nhưng trong suy nghĩ của nhiều người, tứ hợp viện mới thực sự là những ngôi nhà sang trọng kiểu Trung Quốc.
Tư gia đắt giá nhất Bắc Kinh
Theo trang tin Baijiahao, tứ hợp viện đắt nhất từng được bán ở Bắc Kinh tính đến nay là Hai Courtyard - một tứ hợp viện nằm ở ngõ Nha Nhi, gần hồ Hậu Hải. Năm 2007, một tỉ phú người Nga đã mua tứ hợp viện rộng 3.000 m2 này với giá 15,8 triệu USD, đồng thời chi thêm 43 triệu USD để thay đổi nội thất, biến nơi đây thành một dinh thự hiện đại tiện nghi. Hai Courtyard sử dụng các loại gỗ cao cấp của Thái Lan làm vật liệu xây dựng, bên trong có bể bơi và tầng hầm, hiện được định giá hơn 215 triệu USD.
Năm 2008, một nhà phát triển bất động sản đến từ Thượng Hải đã mua "Nam thư phòng" – một tứ hợp viện được xây bằng gỗ kim tơ nam mộc vô cùng quý hiếm ở ngõ Nha Nhi, với giá hơn 10 triệu USD. Tứ hợp viện này có diện tích 400 m2 từng là một tòa soạn báo trước khi được tư nhân hóa. Hiện tại, giá trị của tứ hợp viện này đã tăng 14,4 triệu USD.
Một tứ hợp viện được cải tạo thành khách sạn hạng sang. Ảnh: Tianya
Ngoài ra, nhiều người nổi tiếng trong và ngoài Trung Quốc cũng tìm mua tứ hợp viện ở ngõ Nha Nhi, hầu hết đều đang có giá khoảng 144 triệu USD.
Trang tin Baijiahao nhận định, di sản văn hóa lịch sử độc đáo hiếm thấy, cũng như cuộc sống gia đình gần gũi tự nhiên trong tứ hợp viện, là thứ mà những ngôi nhà sang trọng khác không thể thay thế, đó cũng là một trong những nguyên nhân cốt lõi khiến cho giá trị của tứ hợp viện tăng vọt và duy trì lợi tức đầu tư siêu cao.
Nhịp sống thị trường