Có hay không chánh thanh tra giao thông TP.HCM nhũng nhiễu?
Chiều 4-8, kỳ họp HĐND TP đã bước vào phần chất vấn. Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bùi Xuân Cường là người trả lời chất vấn đầu tiên.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm đặt vấn đề: “Nạn xe dù bến cóc, TP đã chỉ đạo rất nhiều nhưng không giải quyết dứt điểm được.
Những điểm đỗ xe như 391-397 Đinh Bộ Lĩnh gần bến xe Miền Đông, hay điểm đỗ số 1 Vĩnh Viễn (Q.10), người dân phản ánh thực chất đó là những bến xe lậu, không có giấy phép nhưng hoạt động rất ngang nhiên.
“Tại sao lại không giải quyết được tình trạng này? Phải chăng có sự dung túng của lực lượng chức năng? Vừa qua, doanh nghiệp Phương Trang gửi đơn tố giác Chánh Thanh tra GTVT TP nhũng nhiễu, Sở đã làm rõ việc này là có hay không chưa?”, đại biểu Trâm chất vấn.
Sẽ công khai kết quả xử lý vụ chánh thanh tra bị tố cáo
Bà Trâm cũng đề nghị giám đốc Sở Bùi Xuân Cường thông tin thêm về vụ chánh thanh tra sở bị Công ty Phương Trang tố cáo.
"Có hay không việc Chánh thanh tra GTVT TP nhũng nhiễu?” - bà Trâm hỏi.
Trả lời về tình trạng bến cóc xe dù, ông Cường cho rằng hiện đang có sự nhập nhèm giữa xe liên tỉnh và xe hợp đồng. Chế tài rất rõ ràng nhưng doanh nghiệp lách: ký hợp đồng du lịch trá hình, cho khách lên xe chạy một lúc rồi mới thu tiền vé.
Quan điểm xử lý ông Cường khẳng định: "Chúng tôi kiên quyết và không dung túng”. Cuối năm 2015 TP có 143 điểm bến cóc xe dù. Có 2.677 vụ được xử phạt. Đầu năm đến nay phạt trên 1.700 vụ. Ông Cường khẳng định là tình hình đã có giảm.
Số lượng xe vào bến, khách xuất bến đã tăng tại bến xe chính thức.
Về vụ Chánh thanh tra sở bị tố cáo, ông Cường nói rõ: “Chúng tôi nhận thức phải thay đổi hoạt động thanh tra để có động lực mới. Cụ thể là đã quyết định thay chánh thanh. Và ngay sau khi điều động chánh thanh tra sang nhiệm vụ khác thì có đơn tố cáo của Công ty Phương Trang”.
Tinh thần xử lý vụ việc này, theo ông Cường là “phải thượng tôn pháp luật. Doanh nghiệp đứng đơn tố cáo thì không thể xử lý. Hiện đơn tố cáo đã chuyển thành cá nhân đứng tên tố cáo và chúng tôi đã tiến hành xác minh”.
Ông Cường cũng cho hay đãv lập tổ công tác có mời 2 thanh tra viên của thanh tra TP tham gia. Theo luật quy định sau 45 ngày sẽ có kết quả, khi đó Sở GTVT sẽ công khai việc này.
Điều chỉnh cao độ đường Kinh Dương Vương
Đại biểu Trần Văn Thuận đề cập việc Chủ tịch UBND TP đã xuống kiểm tra đường Kinh Dương Vương, thấy rằng cao độ 2m là không hợp lý, yêu cầu Sở nghiên cứu giảm cao độ xuống.
“Cơ sở nào để Trung tâm chống ngập đề xuất cao độ là 2m? Cơ sở nào để Sở GTVT thẩm định phê duyệt thiết kế cao độ như vậy?” - ông Thuận hỏi
Nói chung về chống ngập, ông Cường thừa nhận có rất nhiều dự án triển khai, có cái hiệu quả, có cái chưa. Giải pháp chống ngập ta đưa ra đã hợp lý chưa? Tầm nhìn đến đâu? Đây là bài toán rất khó mà HĐND khóa trước cũng đã đặt ra.
TP.HCM triển khai chống ngập dựa trên 3 quy hoạch chính: Quy hoạch tổng thể thoát nước đến 2020; quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TP; quy hoạch chống ngập chung của TP.
Riêng tình trạng "nhà biến thành hầm ở Đường Kinh Dương Vương", ông Cường cho biết thiết kế Kinh Dương Vương từ khâu lập dự án, khảo sát, phản biện đều đã lấy ý kiến người dân, có hội đồng phản biện gồm 7 chuyên gia.
Dự án đường Kinh Dương Vương đã tuân thủ phương án quy hoạch, khảo sát thiết kế chặt chẽ, nhưng thực tế triển khai gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Nguyên nhân trước hết là triển khai chậm, quá trình từ lúc duyệt dự án từ 2013 đến nay là khoảng 3 năm. Hai là giữa lúc triển khai lấy ý kiến người dân khi lập dự án đến khi triển khai thực hiện chi tiết thì công tác lấy ý kiến người dân chưa được tuân thủ.
Công tác giám sát của cộng đồng, phải công bố rộng rãi cho người dân thông qua MTTQ Quận, phường, lập các tổ giám sát nhưng quá trình thực hiện chưa tới được đông đảo người dân biết và phối hợp.
Vừa qua, công tác triển khai, UBND đã chỉ đạo, tinh thần là triển khai sớm nhất. Các nhóm phương án thì phải thiết kế chi tiết cho từng hộ dân, lấy ý kiến các hộ dân.
Phương án 1 là giữ nguyên cao độ mặt đường hiện nay, nhưng chỉ hạ vỉa hè xuống 10cm, 35cm, 60cm. Nhóm 2 là đồng thời hạ cao độ mặt đường từ 25cm xuống, kết hợp hạ vỉa hè. Phương án 3 là hạ vỉa hè xuống 60cm. Phương án 4 là hạ cao độ mặt đường.
Khi gửi cho 539 hộ dân, 405 hộ đã có ý kiến, trong đó, phần lớn hộ dân chọn phương án 1. Từ kết quả khảo sát đó, Sở GTVT sẽ điều chỉnh cao độ đường Kinh Dương Vương. Đối với những đoạn đã thi công thảm bê tông nhựa thì tiếp tục triển khai, vỉa hè hạ xuống 10cm.
Đối với đoạn chưa chưa thi công, hạ cao độ xuống 25cm so với thiết kế được duyệt kết hợp điều chỉnh giảm độ dốc vỉa hè.
Tuổi trẻ