MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội nào cho năng lượng tái tạo?

Đã có hàng trăm dự án năng lượng tái tạo (NLTT) đăng ký đầu tư như: điện mặt trời, điện gió… nhưng thực tế triển khai còn quá ít.

Nguy cơ thiếu điện cao

Giải trình trước Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, dự kiến điện năng sản xuất năm 2019 sẽ đạt 240 tỉ kWh, tăng trên 10% so với 2018. Tuy nhiên, con số này chưa đủ để giải quyết vấn đề thiếu điện và cần giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Trong khi đó, tình trạng dự án chậm tiến độ đang trở nên trầm trọng khi trong khoảng 60 dự án đang đầu tư, có đến 35 dự án công suất 200MW trở lên chậm tiến độ từ 1 - 5 năm, thậm chí kéo dài hơn.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng cho biết, năm 2019, tập đoàn phải huy động khoảng 2,57 tỉ kWh điện từ chạy dầu với chi phí rất cao. Đến năm 2020, sản lượng huy động các nguồn điện chạy dầu có thể tăng tới mức 8,6 tỉ kWh. Sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỉ kWh, năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỉ kWh, năm 2023 là 15 tỉ kWh. Riêng năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện nên có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiên liệu than và khí cho phát điện thiếu hụt.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nguy cơ thiếu điện hiện nay đã được tích tụ từ nhiều năm trước. Bù đắp cho sự thiếu hụt này là sự phát triển trở lại các dự án nhiệt điện than, nhưng các dự án này không đạt tiến độ theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), dẫn đến không hoàn thành mục tiêu bổ sung 7.000MW điện mỗi năm.

Cơ hội nào cho năng lượng tái tạo? - Ảnh 1.

Năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần, có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống.

Hiện, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt vẫn đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng, tuy nhiên, nguồn nguyên liệu này đang dần cạn kiệt, gây ra biến đổi khí hậu và ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo là xu hướng tất yếu của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đường bờ biển dài 3.000km, gió biển quanh năm, số giờ nắng trong ngày lớn chính là điều kiện thuận lợi để khai thác và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, nhu cầu chuyển sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo là rất cấp bách, bởi năng lượng tăng cao trong khi nguồn nhiên liệu hoá thạch than và thuỷ điện đã hết.

Cần chính sách đồng bộ

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang tác động tiêu cực trên toàn thế giới, Việt Nam cũng phải tìm nguồn năng lượng mới để thay thế. Vì vậy, năng lượng tái tạo chính là nguồn năng lượng của tương lai gần, có thể dần thay thế các nguồn điện truyền thống.

Từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất và thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Chỉ trong thời gian 2 năm, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện quốc gia tăng nhanh từ không đáng kể lên hơn 9% với 2 nguồn chủ yếu là điện gió và điện mặt trời. Với kỷ lục về công suất điện mặt trời mới đưa vào vận hành, Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường năng lượng tái tạo sôi động và hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Đó là những thay đổi tích cực thể hiện sự nỗ lực cần được ghi nhận của người dân và Chính phủ để giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng truyền thống nhằm bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Tuy nhiên, nguồn điện tái tạo vốn nhận được kỳ vọng lớn thì hiện nay sản lượng mới chỉ đạt 2,5%.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: “6 tháng năm 2019, tốc độ tăng phụ tải rất lớn, vượt xa so với dự kiến. Từ nay đến cuối năm, chúng ta có điều kiện để  “trông chờ” 5.000MW của các dự án điện mặt trời bổ sung, chủ yếu ở miền Trung. Song, các dự án năng lượng tái tạo lại đang gặp vướng mắc về hệ thống hạ tầng để giải tỏa công suất”.

Theo các chuyên gia, quá trình thực hiện các dự án năng lượng tái tạo còn nhiều vướng mắc chưa được khai thông. Cụ thể, giá mua điện gió thấp (8,5 UScents/kWh), các nhà đầu tư chưa đáp ứng về năng lực quản lý, năng lực tài chính; việc đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn; tình hình hạ tầng lưới điện đấu nối, truyền tải hiện nay không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện...

Các công trình điện 110kV đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020; nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành dẫn đến không đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, gây ra hiện tượng quá tải. Các công trình này gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng vì đường dây dài, đi qua địa bàn nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thực tế trong quá trình thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý khai thác vận hành các công trình năng lượng tái tạo, nhất là các công trình điện gió, điện mặt trời còn thiếu. Tiêu chuẩn đấu nối còn thiếu các tiêu chuẩn kết nối thống nhất cho nguồn điện năng lượng tái tạo. Trách nhiệm của các đơn vị điện lực và chủ đầu tư nguồn điện tái tạo đối với các công trình đấu nối với hệ thống điện chưa được xác định rõ ràng. Yêu cầu cấp phép hoạt động điện lực nghiêm ngặt cũng có thể đặt ra một rào cản.

Điện sản xuất từ năng lượng tái tạo thường phải đối mặt với sự bất lợi cạnh tranh không lành mạnh do các chính sách hiện nay không quy định phải trả các chi phí môi trường và xã hội đối với công nghệ cung cấp điện từ nguồn nhiên liệu hóa thạch. Để phát triển được năng lượng tái tạo, theo các chuyên gia, cần có sự đồng bộ chính sách, không chỉ trong quy hoạch mà trong cả quá trình thực hiện ở các cấp khác nhau./.

Theo Ánh Phương

Báo tiếng nói Việt Nam/VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên