Cơ hội xuất khẩu cực lớn khi thực thi Hiệp định EVFTA
Lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 7 năm, với mức xóa bỏ dần hàng năm, điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu.
- 03-07-2020Hiệp định EVFTA: Không phải chỉ toàn màu hồng
- 29-06-2020Doanh nghiệp quan tâm hiệp định EVFTA còn ít hơn cả sinh viên
- 10-06-2020Hiệp định EVFTA: Ngành thép nắm bắt thời cơ
Vào tháng 8/2020, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi. Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy gia tăng thương mại hai chiều, đồng thời cũng sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu lớn cho Việt Nam vào thị trường EU.
Từ khoảng những năm 90 đến nay, nước ta đã thực hiện hàng loạt FTA với độ mở của nền kinh tế rất lớn. Với EVFTA, EU là thị trường rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo lộ trình, EU sẽ xóa bỏ đến hơn 85% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài chính đánh giá, chưa có một đối tác nào cam kết ở mức cao như vậy, hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như da giày, dệt may... lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 7 năm với mức xóa bỏ dần hàng năm. Điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu.
Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như da giày, dệt may... có nhiều cơ hội với Hiệp định EVFTA.
“Nếu so sánh với mức cam kết mà đối tác xuất khẩu sang ví dụ như Hoa Kỳ, nhìn lại cam kết của TPTPP, Hoa Kỳ cam kết một lộ trình rất dài, thậm chí lên đến 12 năm. Lộ trình như vậy không có mức giảm thuế hàng năm, không tạo ra động lực cho doanh nghiệp. Với mức EU giảm trong vòng 7 năm và theo hàng năm, từ đó sẽ tạo động lực để chúng ta có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu. Mức độ cam kết của EU rất sòng phẳng, rất minh bạch tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp” - ông Hà Duy Tùng nêu ý kiến.
Còn theo ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá còn hạn chế.
Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định này chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường tiền năng này. Từ đó sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, đồng thời mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Đánh giá định lượng đến 2025 xuất khẩu tăng trưởng khoảng 43%, năm 2030 tăng trưởng khoảng 45%; đây là cú hích rất tốt cho xuất khẩu, còn một số mặt hàng gạo tăng trưởng khoảng hơn 60%, mặt hàng da dày tăng 91%, dệt may tăng 80%. Qua đây chúng ta có thể thấy cơ hội rất rõ ràng về tăng trưởng xuất khẩu” - ông Ngô Chung Khanh nói.
Theo một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA khi đi vào thực thi sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (giai đoạn 2019 - 2023); 4,57 - 5,3% (giai đoạn 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (giai đoạn 2029 - 2033)./.
VOV