MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Cỗ máy" 2.000 tỉ USD bị đe dọa: Trung Quốc muốn chặn đường doanh nghiệp IPO tại Mỹ

19-07-2021 - 19:08 PM | Tài chính quốc tế

"Cỗ máy" 2.000 tỉ USD bị đe dọa: Trung Quốc muốn chặn đường doanh nghiệp IPO tại Mỹ

Nguyên nhân của vụ việc được cho là xuất phát từ quyết định theo đuổi đến cùng vụ IPO trên sàn NYSE của Didi Global bất chấp sự phản đối từ các cơ quan quản lý.

Suốt 2 thập kỷ qua, các công ty công nghệ Trung Quốc đã ồ ạt tìm tới TTCK Mỹ, bị thu hút bởi môi trường pháp lý thân thiện và dòng vốn dồi dào cũng đang háo hức tìm kiếm cơ hội đầu tư vào một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên giờ đây "cỗ máy" trị giá 2.000 tỷ USD đằng sau hàng trăm công ty đang có nguy cơ bị phá hủy.

Hết đường niêm yết tại Mỹ

Hôm 10/7 Bắc Kinh đã ra thông báo gần như mọi công ty muốn niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài đều sẽ phải được phê duyệt bởi 1 ủy ban chuyên trách về an ninh mạng. Động thái này được những người trong ngành coi là đặt dấu chấm hết cho các vụ IPO tại Mỹ của các doanh nghiệp Trung Quốc.

"Trong 5 đến 10 năm tới sẽ khó có thể có vụ IPO nào, ngoại trừ một số công ty lớn lựa chọn niêm yết thứ cấp", Paul Gillis, giáo sư ĐH Peking nhận xét.

Nguyên nhân của vụ việc được cho là xuất phát từ quyết định theo đuổi đến cùng vụ IPO trên sàn NYSE của Didi Global bất chấp sự phản đối từ các cơ quan quản lý. Hiện quyết định mới đang gây ra những cú sốc trên TTCK. Chỉ số theo dõi cổ phiếu của các công ty Trung Quốc đang giao dịch tại TTCK Mỹ đã giảm gần 30% so với đỉnh gần nhất.

Đối với các nhà đầu tư đã rót vốn vào những công ty chưa kịp niêm yết, câu hỏi khi nào lấy lại được tiền ngày càng khó trả lời. Còn đối với các ngân hàng của phố Wall, cơ hội thu được những khoản phí bảo lãnh béo bở đang dần tan biến. Bên duy nhất được hưởng lợi là thị trường tài chính Hong Kong, nơi sẽ trở thành lựa chọn thay thế của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Kể từ năm 1999, khi bắt đầu xuất hiện làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc bán chứng chỉ tiền gửi Mỹ (loại giấy tờ có giá cho phép nhà đầu tư Mỹ nắm giữ cổ phần tại các công ty nước ngoài), thị trường chứng khoán Mỹ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn. Đã có hơn 400 công ty Trung Quốc (mà chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ) chọn niêm yết ở Mỹ, huy động tổng cộng hơn 100 tỷ USD. Các cổ phiếu này được hưởng lợi lớn từ một trong những đợt tăng giá dài nhất trong lịch sử TTCK Mỹ.

China.com Corp, 1 công ty internet có trụ sở tại Hong Kong, là người khởi xướng phong trào sau khi IPO trên sàn Nasdaq năm 1999, thời điểm bong bóng dot-com lên đến đỉnh cao. Có mã CHINA, cổ phiếu này đã tăng 236% trong phiên giao dịch đầu tiên, giúp nhà sáng lập công ty cũng như những người ủng hộ giàu lên nhanh chóng và mở ra con đường hoàn toàn mới để các công ty internet Trung Quốc có thể tiếp cận với dòng vốn nước ngoài.

Không giống như các công ty ở Hong Kong, nơi có ít luật lệ ràng buộc chuyện huy động vốn hơn, các doanh nghiệp tư nhân của đại lục phải đối mặt với rất nhiều rào cản. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều ngành, đặc biệt là ngành nhạy cảm như internet, bị hạn chế nghiêm ngặt. Để niêm yết cổ phiếu ở nước ngoài, thậm chí doanh nghiệp phải được Hội đồng nhà nước chấp thuận.

Để loại bỏ những rào cản này, 1 loại hình cấu trúc doanh nghiệp mới đã ra đời và được các công ty như Didi và Alibaba tận dụng triệt để. Dưới dạng "thực thể đặc biệt" (variable interest entity – VIE), mô hình mà Sina tiên phong áp dụng khi niêm yết tại Mỹ năm 2000, các công ty Trung Quốc được biến thành những công ty nước ngoài mà các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phiếu. Cấu trúc phức tạp này đã được các nhà đầu tư Mỹ, phố Wall và cả chính phủ Trung Quốc chấp nhận.

Nỗ lực mở cửa thị trường tài chính của Trung Quốc

Về phần mình, Trung Quốc cũng đang nỗ lực hiện đại hóa và mở cửa TTCK. Năm 2009, Trung Quốc khai trường sàn giao dịch ChiNext ở Thâm Quyến, lấy Nasdaq làm khuôn mẫu. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, cánh cửa bước ra nước ngoài cũng được mở rộng với các mối liên kết giao dịch với Hong Kong, cho phép nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp mua cổ phiếu đại lục. Năm 2018, Trung Quốc thử nghiệm sản phẩm cạnh tranh với chứng chỉ tiền gửi Mỹ nhưng không thành công.

Nỗ lực mới nhất và đáng kể nhất là vào năm 2019, khi Thượng Hải khai trương sàn Star với những quy định thông thoáng chưa từng có tiền lệ như bỏ giới hạn biên độ trong ngày giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên các sàn ở đại lục vẫn chưa cho phép niêm yết cổ phiếu kép – mô hình được nhiều công ty công nghệ áp dụng vì đem đến cho nhà sáng lập nhiều quyền biểu quyết hơn.

Mục tiêu quan trọng nhất là để các doanh nghiệp lựa chọn niêm yết tại quê nhà và giảm phụ thuộc vào dòng vốn Mỹ. Điều này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington gia tăng. Cựu Tổng thống Trump từng dọa sẽ hủy niêm yết các cổ phiếu Trung Quốc nếu họ không chịu cung cấp thông tin tài chính cho cơ quan quản lý Mỹ.

Mặc dù số vụ niêm yết thứ cấp ở Hong Kong đã tăng lên, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn thích New York hơn, nơi quá trình nộp hồ sơ IPO chỉ mất vài tuần thay vì vài tháng. Quy định kiểm soát vốn ngặt nghèo của Trung Quốc khiến các sàn giao dịch không thể cạnh tranh với sàn Mỹ về mức độ thanh khoản và cả mức định giá cao chót vót dành cho các công ty công nghệ.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên