MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên lo ngại thái quá và phải can thiệp ổn định tỷ giá USD?

24-03-2020 - 07:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Tỷ giá đã tăng 2% trong những ngày qua...

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Tối ngày 23/3, có chút thời gian, tôi tò mò kiểm tra tỷ giá USD/SGD trên mạng xe.com và thực sự là sững sờ khi thấy tỷ giá đã tăng dựng đứng kể từ mức đáy của tháng 3 vào ngày 9/3 (ở mức 1,37) chạm mức 1,46 đô la Singapore (SGD) đổi lấy 1 USD. Mức này là mức cao kỷ lục trong 10 năm qua (tiếc là đồ thị chỉ hiển thị tối đa 10 năm nên không biết là kỷ lục này thiết lập trong vòng bao nhiêu năm cho đến nay, 15 năm hay 20 năm...?). Vào ngày đầu tiên của năm 2020, tỷ giá mới chỉ ở mức 1,34.

Như vậy, chỉ trong khoảng nửa tháng, đồng SGD đã mất giá tới 6-7% so với USD. Và nếu so với đầu năm nay thì đồng tiền này còn mất giá mạnh hơn, tới 9%. Còn nhớ mới cách đây gần tháng, một người quen từ Việt Nam sang đã cảm thấy may mắn khi đổi được 1 USD lấy 1,39 SGD. Nay nhìn lại mức của ngày hôm nay chắc sẽ cảm thấy "buốt ruột" khi tỷ giá tăng vọt như vậy.

Với những người sinh sống ở Singapore như tôi, thực sự tỷ giá tăng này tuy có hơi sốc và bất ngờ nhưng không phải là điều bận tâm lắm. Bởi điều quan trọng nhất là giá cả sinh hoạt ở đây vẫn tương đối ổn định. Lưu ý rằng Singapore là nước phụ thuộc nhập khẩu hầu như tất cả mọi thứ nhưng tỷ giá tăng vẫn chưa thể hiện dấu hiệu đáng kể gì lên giá cả nước này, theo cái mà nhiều người vẫn gọi, vẫn e ngại là "nhập khẩu lạm phát". Và cũng lưu ý thêm là Singapore chẳng hề có cái gọi là "điểm bán bình ổn giá" như ở Việt Nam. Bởi vậy, dư luận ở Singapore dường như khá yên ắng trước việc SGD mất giá.

Tất nhiên là giá cả chưa tăng ở Singapore thì do nhiều lý do, ví dụ như giá cả hàng hóa, vật tư thế giới, chẳng hạn như xăng dầu, đã và vẫn đang giảm mạnh ít nhiều là do hậu quả của đại dịch Covid-19. Nhưng mục đích của bài viết này không phải là bàn đến những lý do này, mà chỉ muốn liên hệ đến chuyện tỷ giá ở Việt Nam.

Cũng giống như nhiều đồng tiền khác trên thế giới, tiền đồng cũng chịu áp lực mất giá so với USD. Nhưng khác với những đồng tiền như SGD, tiền đồng chỉ mất giá khoảng 2% so với đầu năm. Tuy nhiên dư luận xem ra đã rất nóng và ngày càng nóng hơn với "hiện tượng" này. Đến mức mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như thường lệ lại phải lên tiếng trấn an, rằng cung cầu ngoại tệ vẫn ổn, NHNN đã mua được lượng lớn ngoại tệ trước đây và sẵn sàng can thiệp thị trường khi cần để bình ổn thị trường.

Nếu xem xét tỉnh táo và lạnh lùng hơn một chút thì chuyện tiền đồng mất giá sẽ chẳng đáng thành chuyện như vậy. Lạm phát của Việt Nam không rõ trong tháng này và tháng sau sẽ ra sao, nhưng chắc chắn một điều là nhóm xăng dầu, vốn có sức nặng đáng kể trong rổ hàng hóa, cũng như nhiều hàng hóa nhập khẩu khác đang xuống giá trên thế giới sẽ giúp kéo giảm lạm phát ở Việt Nam.

Nhưng dù lạm phát Việt Nam có chịu áp lực tăng bởi, ví dụ, giá thịt lợn vẫn tăng thì đây chủ yếu là bởi lý do trong nước (thịt lợn trong nước khan hiếm), chứ tỷ giá tăng cũng chẳng gây ảnh hưởng gì trên phương diện này. Có nghĩa là dù tỷ giá vẫn ổn định (không tăng) thì giá thịt lợn, và do đó, lạm phát vẫn cứ có khả năng tăng như thường.

Ngược lại, nếu cho nhập khẩu thịt lợn quy mô lớn thì đà tăng lạm phát bởi giá thịt lợn trong nước sẽ bị chặn đứng ngay lập tức, bởi thịt lợn cung cấp từ nhiều thị trường nước ngoài có giá rẻ hơn Việt Nam, đặc biệt là khi đồng bản tệ của các nước này cũng mất giá mạnh so với USD (và do đó so với tiền đồng).

Lẽ dĩ nhiên là khi khủng hoảng hay khó khăn kinh tế nổ ra, người ta thường có xu hướng lo sợ, co cụm, đề phòng, tìm mọi cách để bảo vệ tài sản của mình, nhất là ở một thị trường mới nổi như Việt Nam vốn đã trải qua quá nhiều thăng trầm. Tài sản an toàn trong những tình huống này thường là USD nên sẽ có một số các nhà đầu tư và tổ chức mua gom USD, trước là để phòng vệ, sau là đầu cơ kiếm lời.

Trước mục đích mua gom USD như vậy, tôi cho rằng rõ ràng NHNN chẳng cần, chẳng có lý do gì để xuất quỹ dự trữ ngoại hối vốn không dư thừa gì để bán USD với mục đích bình ổn thị trường! Thậm chí, tình trạng thường xảy ra hơn sẽ là càng bán can thiệp thì người ta lại càng mua cho đến lúc không thể bình ổn được nữa.

Trên hết, cần hiểu rằng tỷ giá đóng vai trò như một đệm giảm sốc cho nền kinh tế. Việc các nước thi nhau hạ lãi suất bản tệ trên danh nghĩa là cứu trợ thanh khoản, cứu trợ doanh nghiệp nhưng sâu xa trong đó cũng là mục đích làm yếu đồng tiền của mình để tăng cường sức cạnh tranh. Trong những lúc khủng hoảng như hiện nay, chẳng thấy có mấy nước "quan ngại" về chuyện bản tệ của mình bị mất giá so với USD, và tìm cách can thiệp, ổn định.

Ngay cả Fed chắc chắn trong thời gian tới sẽ phải tìm cách kiềm chế đà tăng hoặc làm giảm giá USD vì rõ ràng sự lên giá không mong muốn này sẽ ảnh hưởng nặng nề đến xuất khẩu của Mỹ (dù không còn nhiều dư địa để làm yếu USD bởi lãi suất đã hạ về sát 0% rồi).

Và rõ ràng tối 23/3 theo giờ Việt Nam, Fed đã tung ra gói nới lỏng định lượng không giới hạn để quyết cứu nguy nền kinh tế Mỹ đang rơi vào suy thoái. Tình hình lại càng trở nên bất định. Việc giá vàng ngay lập tức tăng lên sau khi động thái này được tuyên bố cho thấy thị trường có xu hướng ly khai USD hơn so với thời điểm trước đó. Điều này có nghĩa là áp lực lên tỷ giá sẽ suy yếu đi ở toàn cầu cũng như Việt Nam.

Nhưng vẫn còn nhiều khả năng rằng một bộ phận khác của thị trường lại nhìn nhận quyết tâm của Fed qua việc nới lỏng định lượng này là một chỉ dấu chắc chắn hơn cho sự thoát hiểm và phục hồi của kinh tế Mỹ trong những quý sau. Theo đó sẽ là khả năng USD tiếp tục trụ vững trên những đỉnh cao mới đã (và sẽ) xác lập, đồng nghĩa là áp lực lên tỷ giá đây đó sẽ không suy giảm.

Dù khả năng nào xảy ra đi nữa thì có một điều tỏ ra rõ ràng rằng cuộc chơi tỷ giá thực sự không nằm trong tay chúng ta (và cũng không thực sự nằm trong tay Mỹ hay bất cứ nước nào khác), và phụ thuộc nhiều yếu tố bất định, khách quan, kể cả diễn biến dịch bệnh. Việc cố gắng ổn định tỷ giá (giữ không cho lên) với nguồn lực mong manh là điều không hợp lý, ít nhất là so với việc để nó tự động điều chỉnh theo những cân đối trên thị trường.

Tóm lại, tỷ giá USD tăng một vài phần trăm trong tháng này và tháng tới (nếu có) nên được coi, được chấp nhận là việc bình thường, thậm chí là điều cần thiết trong những hoàn cảnh bất thường đang diễn ra. NHNN vì thế cũng không cần thiết phải bán USD can thiệp, bình ổn thị trường. Thay vào đó, NHNN nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung cần khẩn trương triển khai hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp cho doanh nghiệp sau động thái cắt giảm lãi suất mới đây. Thực hiện hiệu quả được việc này sẽ giúp vực dậy khu vực doanh nghiệp và toàn nền kinh tế, từ đó sẽ dần ổn định được tỷ giá.

TS. Phan Minh Ngọc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên