MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có nên thay đổi trần lãi suất USD hiện nay?

11-05-2016 - 08:52 AM | Tài chính - ngân hàng

Các ngân hàng vẫn có động cơ để lách trần lãi suất 0% của NHNN với nhiều cách khác nhau để thu hút các nguồn USD giá rẻ từ trong nước mà NHNN rất khó để thanh, kiểm tra, trừ khi NHNN thực hiện thanh, kiểm tra tại chỗ và đột xuất.

Ngày 6/5/2016 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành các văn bản chấn chỉnh việc thực hiện quy định lãi suất huy động, nghiêm cấm việc thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động USD; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.

Có thể nói, chính sách huy động USD với trần lãi suất 0% trong thời gian qua đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, hiện nay các điều kiện của thị trường ngoại tệ đang dần thay đổi so với năm 2015, vậy chính sách trần lãi suất USD có nên thay đổi hay không?

Thành công của chính sách lãi suất USD 0%

Đầu tiên, chính sách này đã giúp NHNN giữ được ổn định tỷ giá từ tháng 10/2015 cho đến nay. Cùng với đó là ngay từ đầu năm 2016, NHNN đã nhanh chóng đưa ra cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm mới giúp cho tỷ giá USD/VND ổn định và dự kiến tiếp tục ổn định trong quý II này.

Thứ hai, tình trạng găm giữ và đầu cơ ngoại tệ đã giảm. Chính sách lãi suất USD 0% trong thời gian qua đã tác động tích cực đến hành vi của doanh nghiệp và người dân, buộc họ phải cân nhắc giữa việc giữ VND hay USD, nhằm tối ưu hóa trong việc sử dụng vốn.

Trong thời gian gần đây, lãi suất huy động VND tại nhiều ngân hàng trong nước đã tăng lên, có ngân hàng tăng lên trên mức 8% ở các kỳ hạn dài, tạo ra khoảng cách đáng kể giữa lãi suất USD và VND trong khi tỷ giá từ đầu năm 2016 đến nay rất ổn định và dự kiến sẽ còn tiếp tục ổn định trong quý II.

Cùng với đó, thị trường bất động sản đang trong giai đoạn hồi phục mạnh mẽ và thị trường chứng khoán trong mấy ngày gần đây đang chứng kiến sự bức phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả hay có mức chia cổ tức cao (chỉ số VN-Index đã tiến sát mức 613 điểm vào sáng ngày 9/5/2016), sự cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp của Chính phủ mới đang làm gia tăng cơ hội đầu tư của người dân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay. Từ đó, rõ ràng rằng động cơ găm giữ và đầu cơ ngoại tệ đang ngày càng không còn hiện hữu.

Ngoài ra, tiền gửi USD trong cả hệ thống đã giảm liên tục thời gian qua. Theo số liệu NHNN, tại thời điểm 10/3/2016, huy động vốn ngoại tệ bình quân của hệ thống ngân hàng giảm 3,5% so với thời điểm cuối năm 2015, trong đó huy động ngoại tệ từ dân cư giảm 3,76%, tổ chức kinh tế giảm 3,36%, điều đó chứng tỏ tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đang chuyển biến tích cực.

Điều kiện thị trường ngoại tệ đang thay đổi

Điều kiện thị trường ngoại tệ hiện nay đang khá thuận lợi với nguồn ngoại tệ trong nước dồi dào nhờ thành tích xuất siêu (theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại cả nước thực hiện tháng 4/2016 ước tính xuất siêu 100 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm xuất siêu 1,46 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 5,6 tỷ USD; khu vực FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 7,06 tỷ USD) và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khả quan (theo số liệu được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố gần đây, tính đến ngày 20/4/2016, cả nước đã thu hút được 697 dự án FDI mới, với tổng vốn đăng ký đạt 5,08 tỷ USD, như vậy, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, bao gồm cả vốn đăng ký mới và tăng thêm, đạt gần 6,89 tỷ USD, tăng 85% so với cùng kỳ năm trước. Cùng xu hướng tích cực đó, vốn FDI thực hiện 4 tháng đầu năm ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015).

Thêm vào đó, các yếu tố quốc tế có tác động mạnh tới tỷ giá USD/VND trong năm vừa qua, đang chuyển biến theo chiều hướng thuận lợi xét đến thời điểm hiện tại, đó là đồng USD đang mất giá tương đối sau nhiều lần do dự không tăng lãi suất cơ bản USD trong các cuộc họp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) vừa qua (chỉ số U.S. Dollar Index đến sáng ngày 9/5/2016 chỉ còn 93,85 khi số liệu cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I của Mỹ tăng trưởng ở mức thấp nhất 2 năm), trong khi đồng Nhân dân tệ có xu hướng lấy lại giá trị so với USD (trong tháng 3/2016, tỷ giá đồng nhân dân tệ tăng 1,5% so với đồng USD và ngày 29/4 vừa qua, NHTW Trung Quốc đã ấn định tỷ giá tham chiếu của đồng nhân dân tệ ở mức 6,4589 nhân dân tệ đổi 1 USD, tương ứng mức tăng giá 0,56% so với phiên trước. Đây là mức điều chỉnh tỷ giá tăng mạnh nhất kể từ tháng 7/2005) sau giai đoạn mất giá khá nhanh trong năm 2015, bất chấp những bất ổn trên thị trường tài chính và sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc vẫn tồn tại.

Cho nên, cân đối cung cầu ngoại tệ trong thời gian tới tiếp tục được cân bằng hoặc thặng dư nhờ sự thành công bước đầu trong việc làm suy yếu động cơ đầu cơ, găm giữ và nguồn cung ngoại tệ cũng đang gia tăng đáng kể khi triển vọng dòng vốn từ kiều hối, FDI và các dòng vốn đầu tư nước ngoài khác nhằm tận dụng các Hiệp định tự do thương mại (FTA) của Việt Nam với các nước tiếp tục khả quan cũng như tác động tiêu cực từ thị trường tài chính thế giới đang tạm lắng xuống sẽ khiến cho áp lực gây tăng tỷ giá USD/VND đang yếu đi, ít nhất phải đến hết quý 2 năm nay.

Ngoài ra, lãi suất vay vốn USD dài hạn nước ngoài hiện khoảng 2%/năm, trong khi lãi suất huy động USD trong nước chỉ có 0% và nhu cầu USD của các ngân hàng vẫn cao để cho vay các doanh nghiệp đủ điều kiện theo thông tư 24/2015/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 quy định về cho vay ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng là người cư trú như cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay; cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu được Bộ Công thương giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu hàng năm để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu xăng dầu khi khách hàng vay không có hoặc không có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay…

Do đó, các ngân hàng vẫn có động cơ để lách trần lãi suất 0% của NHNN với nhiều cách khác nhau để thu hút các nguồn USD giá rẻ từ trong nước mà NHNN rất khó để thanh, kiểm tra, trừ khi NHNN thực hiện thanh, kiểm tra tại chỗ và đột xuất.

Cùng với đó, tỷ giá USD/VND được NHNN điều hành ổn định trong quý 1, dự kiến sẽ còn tiếp tục ổn định trong quý 2 và tăng khoảng từ 2-3% trong 2 quý cuối năm nay, lãi suất để huy động USD từ trong nước sau khi lách trần lãi suất khoảng 0,5 – 1% và nếu vay từ nước ngoài khoảng 2% rất dễ khiến các ngân hàng trong nước huy động nguồn USD từ trong nước hay vay từ nước ngoài để bán ra VND và tiến hành cho vay ngắn hạn với lãi suất trung bình hiện nay khoảng 8% và dài hạn với lãi suất khoảng 10%. Từ đó, hoạt động này cũng có thể đem lại 1 khoảng lợi nhuận tương đối tốt cho các ngân hàng khi mà các nguồn thu của ngân hàng ngày càng hạn hẹp sau khi trừ đi trích lập dự phòng cho nợ xấu.

NHNN có nên thay đổi trần lãi suất USD hiện nay?

Với các phân tích như trên, rõ ràng rằng các điều kiện của thị trường ngoại tệ hiện nay tại Việt Nam đang thay đổi nhiều so với tình hình thị trường trong năm 2015. Trong đó, phải kể đến là NHNN đang điều hành tỷ giá USD/VND ổn định và linh hoạt theo diễn biến của thị trường trong và ngoài nước theo cơ chế tỷ giá trung tâm rất hiệu quả, thị trường vàng trong nước gần như không còn đầu cơ như trước, cung cầu ngoại tệ trong nước ổn định (thậm chí là thặng dư).

Do đó, theo quan điểm người viết, NHNN có thể nâng trần lãi suất huy động USD lên khoảng từ 0,5 – 1%, vì các lý do sau:

Khoảng cách giữa lãi suất USD trong và ngoài nước được rút ngắn sẽ giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) không còn động cơ để lách trần lãi suất huy động USD và các ngân hàng khi có nhu cầu về ngoại tệ sẽ đi vay nước ngoài hoặc huy động từ trong nước theo mức lãi suất trong trần mà NHNN quy định.

Khách hàng sẽ quay lại gửi USD tại ngân hàng với kỳ hạn dài hơn, từ đó giúp NHTM hạn chế được rủi ro kỳ hạn giữa huy động và cho vay USD và rủi ro thanh khoản như hiện nay.

NHNN vẫn tiếp tục được chính sách hạn chế đô la hoá như thời gian qua khi mà chênh lệch lãi suất giữa USD – VND khá hấp dẫn như hiện nay và tỷ giá USD/VND khó tăng đột biến như năm 2015 cũng như nhiều cơ hội để người dân và doanh nghiệp chuyển từ USD sang VND để đầu tư, kinh doanh và sản xuất.

Tăng được tính minh bạch và kỷ luật thị trường được đảm bảo do khi đó quyền lợi giữa người gửi tiền và ngân hàng được đảm bảo và hài hoà.

TS. Bùi Quang Tín

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên