MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ nhân dạy "Xây nhà hứng lệ, 3 năm khóc hai lần": Thâm ý của câu nói này là gì?

10-02-2022 - 19:03 PM | Sống

Cổ nhân rất coi trọng chuyện phong thủy nhà ở. Lời răn dạy này có nghĩa là gì?

Nhà cửa luôn là nền tảng để sinh sống của con người, dù nghèo hay giàu người ta cũng sẽ phấn đấu để sớm có ngôi nhà mà 'lạc nghiệp'. Thời nay, người thành phố sống nơi 'đất chật người đông' thường phần lớn chọn mua nhà cao tầng hoặc nhà chung cư, miễn là có đủ kinh phí.

Tuy nhiên, thời xa xưa (thậm chí là một số vùng nông thôn ngày nay) người ta vẫn tự tay xây nhà. Và để xây một ngôi nhà sinh sống truyền đời, người xưa rất chú trọng trong việc xem xét các yếu tố liên quan, dù là địa hình hay hình dáng ngôi nhà đều phải lựa chọn rất kỹ càng.

Xưa kia, cổ nhân có rất nhiều câu nói về kinh nghiệm xây nhà cửa, ví như có câu nói "Xây nhà hứng lệ, 3 năm khóc hai lần". Ý nghĩa thâm sâu của câu nói này nghĩa là gì?

PHÂN TÍCH CỤM TỪ 'NHÀ HỨNG LỆ'

Trước tiên là hiểu về "nhà hứng lệ" là gì.

Chúng ta đều biết rằng xây nhà ở thời xa xưa không giống như ở thời hiện đại - chỉ cần chuẩn bị nguyên vật liệu là có thể xây được. Người xưa làm nhà cần phải nghiên cứu rất nhiều thứ, không chỉ cần chuẩn bị nguyên vật liệu, tìm địa điểm tốt mà còn phải xem cả phong thủy bát trạch. Bởi đối với họ, ngôi nhà chuẩn bị xây cất nên đó không chỉ sống cho thế hệ họ, mà còn là nơi đại gia đình có thể sống qua nhiều thế hệ từ nay về sau, là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm cho đại gia đình.

Đối với họ, dù là cưới hỏi, chuyển nhà hay những việc khác, họ đều mong muốn tìm được ngày lành tháng tốt, để làm gì cũng không gặp xui xẻo.

Ngày nay, đất chật-người đông nên việc xây nhà thường có nhiều phòng 'gói gọn' trong một ngôi nhà cao tầng.

Nhưng vào thời cổ đại thì hoàn toàn ngược lại, không có nhà nhiều tầng, và các ngôi nhà/gian phòng được chia ra riêng rẽ và bao quanh nhà chính. Nhà chính thường rộng hơn, là nơi dành cho người lớn tuổi nhất trong nhà sinh sống. Các ngôi nhà nhỏ ngay sát cạnh, thấp hơn và lợp bằng ngói xếp chồng lên nhau (được người ít tuổi hơn trong gia đình sử dụng) gọi là nhà hứng lệ.

Cổ nhân dạy Xây nhà hứng lệ, 3 năm khóc hai lần: Thâm ý của câu nói này là gì? - Ảnh 1.

Vậy tại sao ngôi nhà kiểu này được gọi là nhà hứng lệ?

Đó là vì khi trời mưa, nước mưa từ mái của những căn nhà chính sẽ rơi xuống những căn nhỏ hơn. Nhìn từ xa trông giống như những giọt nước mắt đang rơi nên người xưa gọi là nhà hứng lệ. 

GIẢI THÍCH CẢ CÂU: XÂY NHÀ HỨNG LỆ, 3 NĂM KHÓC HAI LẦN

Câu nói "Xây nhà hứng lệ, 3 năm khóc 2 lần" có liên quan đến phong thủy thời xưa, đây là câu nói ý chỉ khuyên người ta không nên xây nhà hứng lệ. Trong trường hợp muốn xây thì phải tuân thủ những nguyên tắc phong thủy để phần nào tránh những điều xui xẻo cho gia chủ.

Vậy đâu là những kiêng kị trong xây nhà hứng lệ và đâu là cách hóa giải?

Người xưa rất tin vào phong thủy và sức mạnh siêu hình, họ tin rằng mưa thực sự là một điều may mắn, có thể gột sạch những thứ ô uế, xui xẻo. Và việc nước mưa vừa rơi xuống, liền thấm xuống đất mới có ý nghĩa phong thủy tốt: Điều đó có nghĩa là những điều xui xẻo và ô uế của nhà họ mới bị cuốn trôi.

Tuy nhiên, nếu để nước mưa lắng đọng thành vũng/không thoát đi được thì điều đó có nghĩa là những điều không may, ô uế sẽ bị ngưng tụ lại và gây hại cho gia chủ.

Trong trường hợp nhà hứng lệ ở đây là gì? Khi xây nhà hứng lệ ngay sát nhà chính, khi trời đổ mưa to, nước mưa từ mái nhà chính rơi xuống mái nhà hứng lệ nhiều và không thoát đi được, tạo thành tù đọng trên mái nhà. Trong phong thủy cổ xưa, đây là điều kiêng kị.

Cổ nhân dạy Xây nhà hứng lệ, 3 năm khóc hai lần: Thâm ý của câu nói này là gì? - Ảnh 2.

Ngoài hiểu biết về khía cạnh phong thủy, chúng ta cũng có thể hiểu từ các khía cạnh khác, thực tế hơn. Do thời xưa chưa có xi măng nên người ta thường xây nhà bằng cỏ và tro củi trộn với một ít đất nên những ngôi nhà này tương đối không an toàn.

Nếu thời tiết tốt, ngôi nhà có thể sinh sống bình thường. Nhưng nếu có mưa lớn, mưa lâu ngày sẽ khiến ngôi nhà làm bằng bùn có thể không chống chọi được với những cơn mưa bão dai dẳng này. Chưa kể, nếu nhà chính quá gần nhà hứng lệ sẽ khiến lượng nước mưa từ nhà cao trút xuống nhà thấp nhiều hơn, khiến nước đọng lâu ngày dễ bị ẩm, đổ sập, không an toàn.

Đó là lý do, nếu xây nhà hứng lệ quá gần với nhà chính (nhà to) thì đó là điều tối kỵ trong xây nhà thời xưa.

Cách hóa giải một phần đó là xây nhà hứng lệ cách nhà chính một khoảng cách phù hợp để không hứng trọn nước mưa từ mái nhà chính đổ xuống. Cũng như thay đổi vật liệu xây nhà cho chắc chắn hơn, tránh được thời tiết khắc nghiệt.

Cụm từ "3 năm khóc hai lần", ý chỉ cứ 3 năm qua đi, nếu thời tiết không thuận hòa và khoảng cách giữa nhà hứng lệ và nhà chính không đảm bảo thì nhà hứng lệ sẽ sập 2 đến 3 lần khiến gia chủ vất vả, đau khổ gây dựng lại từ đầu.

Còn có một thâm ý khác trong câu nói "Xây nhà hứng lệ, 3 năm khóc hai lần" ở khía cạnh đón ánh sáng Mặt Trời.

Vì nhà hứng lệ thường thấp hơn và nhỏ hơn nhà chính nên lượng ánh sáng Mặt trời chiếu vào nhà hứng lệ không nhiều bằng nhà chính (bị tối hơn). Việc sống trong một ngôi nhà tương đối u ám sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của người ở.

Không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng, một ngôi nhà thiếu ánh nắng Mặt trời và thiếu khí có thể sinh bệnh cho người ở. Bệnh tật là một trong những điều xui xẻo mà không ai muốn, từ đó có thể khiến gia chủ khổ sở liên tục.

Để nói thêm, cụm từ '3 năm khóc 2 lần' cũng chỉ mang tính tương đối. Ý chỉ, nếu một hộ gia đình có nhà hứng lệ - nếu không đảm bảo được các nguyên tắc phong thủy, khoảng cách, ánh sáng - thì họ sẽ gặp phải nhiều điều xui xẻo, đau buồn liên tiếp.

Lời dạy "Xây nhà hứng lệ, 3 năm khóc hai lần" có lẽ đúng nhiều hơn vào thời cổ đại (khi con người chưa có vật liệu xây dựng chắc chắn hơn). Tuy nhiên, xét về yếu tố ánh sáng và không khí thoáng cho một ngôi nhà thì lời dạy này vẫn còn hiệu nghiệm.

https://soha.vn/co-nhan-day-xay-nha-hung-le-3-nam-khoc-hai-lan-tham-y-cua-cau-noi-nay-la-gi-20220209090246604.htm

Theo Trang Ly

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên