MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có phải cứ hết Giao thừa là Tết qua đi rồi không?

04-02-2019 - 20:21 PM | Sống

Với nhiều người, đầu năm mới chỉ như một cuối tuần dài, để nghỉ ngơi và xả hơi sau một tuần chuẩn bị chu toàn cho Tết.

Người ta không tính Tết bằng ngày, bằng giờ mà ước chừng Tết bằng cả khoảng thời gian: Tết ập đến trong tâm trí mọi người từ đầu tháng Chạp, khi người ta bắt đầu lẩm bẩm “Tết này không biết nên gói bánh chưng không nhỉ?”, kéo dài ra tới tận hết Giêng vẫn chơi xuân chơi Tết dông dài. Năm rộng tháng dài như vậy, mỗi người sẽ chọn một thời điểm để kết thúc Tết của mình.

Nhưng giữa vô vàn điểm dừng ngày Tết, nhiều người chọn một nốt trầm lắng để khép lại ngày Tết của mình: Đêm Giao thừa. Hết Giao thừa, nhiều người coi Tết đã qua đi, những ngày còn lại chỉ còn là một cuối tuần dài nghỉ ngơi, xem phim, đi chơi với bạn bè. Họ coi đó không còn là Tết khi mọi sinh hoạt như trở lại bình thường.

Có phải cứ hết Giao thừa là Tết qua đi rồi không? - Ảnh 1.

Hết Giao thừa là hết Tết; vậy Tết thực sự trong mắt họ là gì?

Là cảm giác chờ mong

Phải ở xa quê, xa gia đình thì người ta mới cảm nhận được cái Tết trong nỗi chờ mong, khắc khoải. Khi tờ lịch xé qua mùng một tháng Chạp cũng là lúc nỗi nhớ gia đình dâng lên, vừa bồn chồn vừa háo hức. Có những người ngồi trong văn phòng làm việc nhưng tâm trí đã bay về gia đình, ngồi nhẩm tính xem năm nay được nghỉ bao ngày, mang cho ba mẹ những món ngon gì, thằng bé nhà anh hai đã lớn hơn chưa, năm nay nhà còn gói bánh chưng không… Tất cả những cảm xúc ấp ủ ấy, tựu chung thành một cái Tết trong lòng mỗi người, náo nức và êm đềm.

Nếu muốn tìm đâu chút chộn rộn ngày Tết, những bến tàu, sân bay, nhà xe là nơi khắc khoải cảm giác chờ mong được đoàn tụ gia đình. Ai ai cũng xem giờ liên tục, không biết khi nào máy bay cất cánh, tàu khởi hành, xe lăn bánh đi khắp mọi miền. Người ở nhà chờ mong đón con về, người phương xa nôn nao được sum họp - Tết như hai mảnh ghép tinh thần được khớp lại, vẹn nguyên như chưa xa cách. Chỉ có vài ngày bên nhau, nhưng người ta phải chờ cả năm, cả tháng để được gặp gỡ.

Có lẽ vì thế, cảm giác chờ mong Tết đến là một thứ “Tết” hơn cả.

Có phải cứ hết Giao thừa là Tết qua đi rồi không? - Ảnh 2.

Là được cùng nhau chuẩn bị mọi thứ

Nếu bạn hỏi thử 10 người xem họ thấy Tết nhất là khi nào, có lẽ 9/10 sẽ có câu trả lời như: khi đi chợ Tết, khi chuẩn bị dọn nhà, khi trông bánh chưng, khi ngồi xem Táo Quân… Đó cũng là những điều đúng với cái tinh thần đoàn viên, sum tụ nhất trong ngày Tết.

Những ngày gần cuối năm, người ta nói nhiều về “ngày hội dọn nhà” - một thứ được ví von như cơn “ác mộng” ngày Tết. Trong niềm bực dọc bâng quơ ngày giáp Tết ấy có cả chút thân thuộc khi cả năm mới có ngày được bưng hết chậu hoa thật đẹp ra đánh sạch sẽ với mẹ hay ngồi hì hục đảo nồi mứt trong khi mẹ đang ngâm măng. Đến chiều, ba lại gọi đèo đi chợ Tết, vòng vòng xem mấy khóm quất cành đào có khi cũng chẳng mua gì. Ba thích đi xe Chali vào ngày Tết, về gần nhà thì chết máy, hai cha con lại phải dắt bộ. Rồi cả những đứa em quỷ sứ, mới sáng ra đã lăng xăng khắp phòng đòi anh hai dẫn đi mua quần áo mới. Chúng ta trân quý sự rộn ràng, đôi khi có phần ồn ào của ngày Tết vì biết rằng, hiện hữu trong căn nhà là đông đủ thành viên đã trở về.

Dù mọi thứ có trở đi trở lại như một thói quen; ngày bé ta gói bánh chưng và bây giờ bếp vẫn đỏ lửa, cả nhà đã cùng nhau xem Táo Quân suốt mười mấy năm trời thì những điều đó vẫn không thay đổi vì đó chính là Tết trong mắt nhiều người.

Có phải cứ hết Giao thừa là Tết qua đi rồi không? - Ảnh 3.

Là đường phố náo nhiệt trước ngày 30

Tết sẽ chẳng là Tết nếu những con phố không tự nhiên đông đúc, đâu đó mọc lên những chợ cây cảnh hay các siêu thị bắt đầu đầy ắp người (tất nhiên điều gì cũng có mặt không vui nhưng hãy chỉ nhìn vào những thứ tích cực một chút thôi). Không khí rộn ràng theo chân mỗi người ra khỏi cửa, bon bon trên xe máy, lao nhanh xuống phố rồi hòa vào tiếng người tiếng xe đón Xuân về.

Bỗng dưng từ đâu, những gánh hoa được “chở” đi chơi khắp phố, một chút sắc hồng của đào, sắc vàng của mai làm bừng sáng góc phố. Ở đây và ở kia, ở tất cả mọi nơi bỗng ngân lên những lời ca chúc mừng năm mới. Như vậy thực sự rất Tết phải không? Khi lòng chúng ta đã đầy ắp sự háo hức, những tiểu tiết bên ngoài đó càng làm ta thêm nôn nao, để lòng mình đong đầy Tết.

Tất nhiên, có những người yêu Tết của sáng mùng một - của Hà Nội và Sài Gòn thanh vắng khi mọi người đã đổ về quê. Một chút tĩnh lặng đầu năm khiến tâm hồn thư thái, nhưng khi Tết đã quá in sâu trong tâm trí mọi người những màu sắc hay thanh âm rộn ràng, nhiều người yêu Tết của buổi chiều 30 hơn.

Có phải cứ hết Giao thừa là Tết qua đi rồi không? - Ảnh 4.

Là viết lại năm cũ, chuẩn bị mở ra năm mới

Với tôi, và cả những chàng trai cô gái của thế hệ Y, có lẽ Tết thực sự ý nghĩa khi ngồi nhìn lại năm cũ, trong một buổi chiều 30 Tết. Đó là lúc chúng ta viết lại những điều đã thực hiện trong năm qua, cả niềm vui và nỗi buồn, không quên nhắc mình về những dự định trong năm mới.

Người ta biết yêu thương bản thân hơn khi Tết đến, trân trọng những thành quả của chính mình trong năm cũ và khích lệ bản thân bước tiếp. Tết gói trọn một năm để mở ra những hy vọng mới, để những dòng dự định cá nhân sẽ đầy ắp “Cố lên tôi ơi”, “năm mới nhất định thành công”, “năm cũ qua rồi, năm sau lại cố”... Trên Facebook, ai ai cũng nhìn lại một năm đã qua của mình, tri ân tới bạn bè và người thân vì đã đồng hành cùng nhau trong suốt năm qua, trao nhau những lời tốt đẹp, chọn ra bức ảnh đẹp nhất, nói câu gì ý nghĩa nhất hay đăng một bài hát giúp họ có động lực suốt năm qua.

Vì Tết nằm ở những điều bình dị tốt đẹp, ở tình yêu cho gia đình, cho mọi người xung quanh và bản thân. Chúng ta yêu quý Tết nhưng cũng yêu quý thời gian còn lại trong năm; dù trong mắt nhiều người, hết Giao thừa là Tết qua đi thì mọi điều tốt đẹp vẫn còn đọng lại trong nhân gian và trong mỗi cuộc đời.

Có phải cứ hết Giao thừa là Tết qua đi rồi không? - Ảnh 5.

Theo Skye

Trí thức trẻ

Trở lên trên