MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu công nghệ: Tội đồ gây ra cú bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ, Nasdaq chạm đáy 52 tuần

27-04-2022 - 07:24 AM | Tài chính quốc tế

Cổ phiếu công nghệ: Tội đồ gây ra cú bán tháo trên thị trường chứng khoán Mỹ, Nasdaq chạm đáy 52 tuần

Lo ngại suy thoái kinh tế cùng lạm phát đã khiến các nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu công nghệ cuối phiên, dẫn tới việc chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, trong đó Nasdaq giảm gần 4%.

Nasdaq Composite, vốn chủ yếu là các cổ phiếu công nghệ, đã giảm 3,95% trong phiên giao dịch 26/4 xuống còn 12.490,74 điểm. Đây là mức đóng cửa thấp nhất trong 52 tuần qua. Hiện tại, nó đã chìm sâu vào cái gọi là "thị trường gấu", giảm tới 23% so với đỉnh cao nhất mọi thời đại.

Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu cú "sập" của ngày hôm nay. Cú bán tháo với cổ phiếu Netflix vài ngày trước khiến các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ báo cáo kết quả kinh doanh của 2 gã khổng lồ công nghệ Microsoft và Alphabet. Tâm lý lo ngại bao trùm thị trường và việc các công ty công nghệ không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư sẽ kích hoạt đà bán tháo.

Cả Microsoft và Alphabet mẹ của Google đều giảm mạnh trong phiên giao dịch 26/4, trước thời điểm họ công bố báo cáo kết quả kinh doanh. Meta, Amazon và Apple cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi các nhà đầu tư chờ đợi những gã khổng lồ công bố kết quả kinh doanh quý 1, dự kiến được công khai đầu tuần này.

Riêng Netflix tiếp tục giảm gần 5,5% và tiệm cận mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Tuần trước, cổ phiếu Netflix đã giảm 35% chỉ trong 1 ngày sau khi báo cáo cho thấy lượng người dùng mới của nó bị sụt giảm một cách đáng ngạc nhiên trong quý đầu tiên.

Chris Senyek của Wolfe Research cho biết: "Đà tăng của cổ phiếu Big Tech những năm gần đây chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố như đại dịch (mọi người ở nhà nhiều) và các gói kích thích kinh tế (người dân có thêm tiền). Tuy nhiên, các yếu tố đó đã không còn. Nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm lại trong khi lạm phát tiếp tục duy trì ở mức kỷ lục".

Trong khi đó, những nỗi lo toàn cầu tiếp tục giao rắc ám ảnh. Các nhà đầu tư lo sợ đại dịch bùng phát ở Trung Quốc sẽ khiến nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tiếp tục gia tăng các biện pháp phong tỏa tại các trung tâm kinh tế. Trong khi đó, một giới chức ngoại giao hàng đầu của Nga đã cảnh báo nguy cơ tiềm ẩn từ chiến tranh hạt nhân không phải điều viễn tưởng. Ngoài ra, lạm phát cao ở Mỹ đang làm giảm nhu cầu của mọi người.

Không chỉ có những gã khổng lồ công nghệ, cổ phiếu doanh nghiệp chip nằm trong số mất mát nhiều nhất trên Nasdaq. Nvidia mất 5,6% và AMD giảm 6,1%. Những cái tên mang tính chu kỳ gắn liền với tăng trưởng kinh tế cũng bị ảnh hưởng ngay cả khi kết quả kinh doanh quý 1 tốt hơn dự kiến.

Alphabet ra báo cáo kém hơn mong đợi

Hôm 26/4, Alphabet đã chính thức đưa ra báo cáo kết quả kinh doanh. Theo đó, doanh thu Google đạt 68,01 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đó là sự tăng trưởng chậm lại so với mức tăng trưởng 34% trong quý đầu tiên năm 2021, khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch. Công ty cũng đã báo cáo 54,66 tỷ USD doanh thu quảng cáo trong quý, tăng từ 44,68% của năm trước.

Tuy nhiên, doanh thu quảng cáo của YouTube không đạt kỳ vọng của các nhà phân tích. Nền tảng này cũng từng hưởng lợi trong đại dịch, khi phần lớn người dùng phải ở nhà và gia tăng sử dụng thiết bị công nghệ. Bây giờ, cuộc sống đang trở lại bình thường trong khi sự cạnh tranh của TikTok ngày càng mạnh mẽ.

Hoạt động kinh doanh Cloud của Google tốt với mức tăng 44%, vượt ngoài mọi dự báo. Tuy nhiên, bộ phận này vẫn thua lỗ tới 931 triệu USD, giảm nhẹ so với 974 triệu USD của 1 năm trước đó.

Xung đột ở Ukraine khiến Google ngừng hoạt động tại Nga, dẫn tới tăng trưởng doanh thu châu Âu chỉ còn 19% so với mức 33% của một năm trước đó.

Với cú giảm hơn 5% hôm 26/4, cổ phiếu Alphabet đã giảm 18% kể từ đầu năm. Nó tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngoài giờ.

https://cafef.vn/co-phieu-cong-nghe-toi-do-gay-ra-cu-ban-thao-tren-thi-truong-chung-khoan-my-nasdaq-cham-day-52-tuan-20220427072437625.chn

Linh Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên