Cổ phiếu giảm sàn la liệt, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” hơn 8 tỷ USD trong phiên 23/3
Phiên giảm mạnh 23/3 cũng khiến vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam "bay hơi" thêm 193.000 tỷ đồng, tương ứng 8,2 tỷ USD. Trong đó, riêng vốn hóa HoSE mất đi hơn 150.000 tỷ đồng, gần bằng tổng vốn hóa sàn Hà Nội.
- 23-03-2020Phiên 23/3: Khối ngoại bán ròng hơn 400 tỷ đồng, đánh dấu chuỗi 30 phiên bán ròng liên tiếp
- 23-03-2020Ảnh hưởng của dịch Covid-19, lợi nhuận PNJ vẫn tăng trưởng trong tháng 2 và hoàn thành 25,3% kế hoạch năm
- 23-03-2020VN-Index mất hơn 43 điểm, thị trường phái sinh giảm sàn “trắng bên mua” trong phiên đầu tuần
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên toàn Thế giới đã tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Trong phiên giao dịch 23/3, chỉ số VN-Index giảm mạnh 43,14 điểm (6,08%) và đóng cửa tại 666,59 điểm, suýt chút nữa phá kỷ lục giảm sâu được thiết lập cách đây đúng 2 tuần nếu như không có lực kéo từ MSN, NVL trong ít phút cuối.
Dù vậy, với mức đóng cửa tại 666,59 điểm, VN-Index cũng đánh dấu cột mốc thấp nhất kể từ tháng 12/2016 tới nay. Tại mức điểm này, định giá P/E VN-Index hiện chỉ còn 9,87 lần, con số thấp nhất trong gần 10 năm qua.
Phiên giảm mạnh 23/3 cũng khiến vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam "bay hơi" thêm 193.000 tỷ đồng, tương ứng 8,2 tỷ USD. Trong đó, riêng vốn hóa HoSE mất đi hơn 150.000 tỷ đồng, gần bằng tổng vốn hóa sàn Hà Nội.
Tính từ đầu tháng 3 tới nay, vốn hóa toàn thị trường mất đi tổng cộng 890.000 tỷ đồng, tương ứng gần 38 tỷ USD và sẽ không quá khi nói rằng đây là tháng "đau thương" nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thống kê 15 cổ phiếu VIC, VCB, VHM, VNM, BID, GAS, SAB, CTG, TCB, VJC, HPG, VPB, PLX, VRE, MBB đều giảm sàn, qua đó khiến VN-Index mất đi tổng cộng 32,24 điểm trên tổng số 43,14 điểm.
Không những vậy, phiên 23/2 còn chứng kiến số mã giảm áp đảo hoàn toàn với 675 mã giảm điểm (bao gồm 310 mã giảm sàn), trong khi số mã tăng vỏn vẹn 129.
Trên TTCK Phái sinh, cả 4 HĐTL đều đóng cửa giảm sàn "trắng bên mua", thậm chí các HĐTL vẫn đang duy trì basis âm từ 7,76 điểm đến 12,06 điểm cho thấy tâm lý giới đầu tư lúc này khá bi quan về thị trường.
Diễn biến thị trường hiện chịu ảnh hưởng lớn từ thông tin phòng chống dịch Covid-19 trên toàn cầu. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, thị trường chỉ có thể ổn định trở lại khi dịch Covid-19 có dấu hiệu tạo đỉnh số ca lây nhiễm mới. Dựa trên dữ liệu lịch sử của dịch SARS, nhiều dự báo cho rằng dịch Covid-19 có thể tạo đỉnh vào tháng 5 hoặc tháng 6.
Hiện Trung Quốc, Hàn Quốc cơ bản đã khống chế được dịch khi số ca lây nhiễm mới đã tạo đỉnh tại 2 quốc gia này. Tuy vậy, các nước Châu Âu, Mỹ, Châu Á khác vẫn đang gia tăng đáng kể số ca lây nhiễm. Thống kê ngày 22/3, số ca lây nhiễm Covid-19 mới bên ngoài Trung Quốc lên tới 32.394 ca, con số cao nhất kể từ đầu dịch tới nay.