Cổ phiếu HTT mất giá 48% sau gần 2 tháng lên sàn, vì đâu nên nỗi?
Kể từ khi lên sàn, cổ phiếu HTT có khối lượng giao dịch khá tích cực nhưng liên tục mất giá, trong khi đó hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng tốt.
Sự chuyển động giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán rất khó lường, có nhiều điều không dễ dàng có thể lý giải. Cũng giống như trường hợp kết quả kinh doanh khả quan, liên tục tăng trưởng tốt nhưng giá cổ phiếu thì cứ “lầm lủi” đi xuống như hoàn cảnh của CTCP Thương mại Hà Tây (HoSE: HTT).
Một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Lên sàn HoSE vào ngày 05/07/2017 với giá tham chiếu 12.600 đồng/CP. Cổ phiếu HTT được chào đón khá nồng nhiệt, ngay phiên chào sàn giá đã tăng kịch trần lên 15.100 đồng/CP cùng khối lượng khớp hơn 1,9 triệu CP.
Trong 2 phiên sau đó, giá HTT vẫn tiếp tục kịch trần. Chốt phiên ngày 07/07, giá đứng ở 17.250 đồng/CP. Như vậy, sau 3 phiên giao dịch, giá cổ phiếu đã tăng 37% so với giá tham chiếu ngày chào sàn. Khối lượng giao dịch bình quân khá cao với hơn 1,8 triệu CP được trao tay mỗi ngày.
Thế nhưng có lẽ đây là chút kí ức tốt đẹp mà cổ đông HTT lưu giữ, bởi ngay sau đó, phải chứng kiến cảnh tượng giá cổ phiếu lao dốc “không phanh” với 4 phiên giảm sàn và 6 phiên giảm sâu liên tiếp. Đóng cửa phiên 21/07, giá đứng ở 10.350 đồng/CP, giảm đến 40% so với mức đỉnh ngày 07/07.
Mặc dù có nhích lên nhẹ trong vài phiên sau đó nhưng rồi cổ phiếu HTT lại tiếp tục rơi mãi không thấy điểm dừng. Giá từ từ về mệnh giá vào phiên 31/07 và rồi sau đó chạy thẳng về 7.860 đồng/CP vào cuối phiên 29/08.
Diễn biến giá cổ phiếu HTT từ ngày lên HoSE đến nay.
Như vậy, so với mức đỉnh 07/07, giá HTT đã giảm đến 54% cùng khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 triệu CP/ngày. Còn so với giá ngày lên sàn, cổ phiếu HTT đã bị thổi bay mất 48% giá trị.
Lãi tăng trưởng tốt, 41% tổng tài sản nằm ở tài sản dở dang dài hạn
Một nhà phân tích nào đó từng nói “cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá”, và nếu đúng như vậy thì có lẽ cổ phiếu HTT chưa phải là cổ phiếu tốt chăng?
Về hoạt động kinh doanh từ 2015 đến nay, HTT ghi nhận những kết quả khá tích cực. Cụ thể trong năm 2016, HTT báo cáo doanh thu thuần đạt 291 tỷ, tăng đến 689% so với 2015; lợi nhuận sau thuế đạt 12,9 tỷ gần gấp đôi năm ngoái. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân của Công ty đạt lần lượt 7,1% và 7,2% trong năm 2015 và 2016.
Còn trong 6 tháng đầu năm 2017, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 58 tỷ và lợi nhuận sau thuế 6,8 tỷ đồng lần lượt tăng trưởng 53% và 452% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên con số này mới chỉ hoàn thành được 23% kế hoạch lãi ròng cả năm.
Do là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐS, doanh thu chủ yếu của HTT đến từ hoạt động kinh doanh thương mại, chuyển nhượng bất động sản và dịch vụ bán hàng, kinh doanh vật liệu xây dựng.
Nổi bật là mảng doanh thu về chuyển nhượng bất động sản của Công ty, tăng 6,4 lần so với năm 2015 đạt 198 tỷ đồng trong năm 2016. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ghi nhận khoản doanh thu 69,2 tỷ từ việc bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng gần 11 lần so với năm trước. Còn trong nửa đầu năm 2017, doanh thu từ mảng bất động sản đạt đến 52,3 tỷ, chiếm 90% doanh thu toàn Công ty, trong khi cùng kỳ 2016 không ghi nhận doanh thu mảng này.
Trong cơ cấu tài sản đến cuối quý II/2017, tài sản dở dang dài hạn lên đến 181 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 41% tổng tài sản. Hàng tồn kho của Công ty từ đầu năm 2017 đã tăng mạnh từ 3,7 tỷ lên hơn 9,5 tỷ vào cuối quý II.
Còn tổng tài sản của HTT lại suy giảm từ 503 tỷ vào 2015 xuống 470 tỷ năm 2016 và chỉ còn 442 tỷ đến cuối quý II/2017; tuy nhiên khoản suy giảm này chủ yếu đến từ giảm nợ phải trả, trong khi vốn chủ sở hữu vẫn tăng.
Về kế hoạch trong 2 năm tới, HTT đặt chỉ tiêu năm 2017 với 315 tỷ doanh thu và 29,4 tỷ lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng trưởng 8% và 128% so với năm 2016; vốn chủ sở hữu nâng lên 250 tỷ đồng và cổ tức 14%.
Trong năm 2018, Công ty có kế hoạch doanh thu tăng nhẹ lên 322 tỷ; lợi nhuận sau thuế đi ngang với 29,4 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu 279,5 tỷ và cổ tức cũng ở mức 14%. Đáng chú ý trong năm 2018, Công ty không đặt chỉ tiêu doanh thu từ mảng chuyển nhượng bất động sản.
Các dự án mới và hành động khác thường của lãnh đạo có “chặn” được đà mất giá?
Các dự án của HTT nằm ở phía Tây Nam thủ đô Hà Nội, có vị trí nằm gần các trục giao thông trọng điểm của thành phố thuận lợi cho giao thương và đi lại của người dân. Một số công trình tiêu biểu của HTT phải kể đến như HTT TOWER 1 và HTT TOWER 2 được xây dựng trên 1.490 m2 mặt bằng, bao gồm 170 căn hộ và 5 tầng kinh doanh thương mại.
Dự án đang xây dựng Khu đô thị mới Trung Văn mở rộng, khu vực Nam Từ Liêm với tổng mức đầu tư hơn 2.174 tỷ đồng có quy mô 23.464 m2 giáp với tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài. Đây là dự án hợp tác giữa HTT, CTCP Đầu tư Xây dựng Hà Nội và CTCP Đầu tư Xây dựng Phúc Hưng; trong đó HTT góp vốn 126 tỷ và Đầu tư Xây dựng Phúc Hưng góp 300 tỷ đồng. HTT và Xây dựng Phúc Hưng sẽ được phân chia công trình A4, với diện tích khối đế là 1.579 m2, tỷ lệ phân bổ trong dự án là 12,87%.
Hay dự án Khu nhà ở thương mại và dịch vụ tại phường Hiến Nam, tỉnh Hưng Yên trên cơ sở hợp tác kinh doanh giữa HTT và CTCP Đầu tư Xây dựng Phúc Hưng. Trong đó, HTT góp vốn bằng tiền 53,8 tỷ đồng và chịu trách nhiệm thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên còn lại góp vốn bằng quyền sử dụng hợp pháp cơ sở hạ tầng với tổng diện tích 39.325 m2 và chịu trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất. Sau khi hoàn thành, HTT sẽ được hưởng 80% lợi nhuận, bên còn lại được hưởng 20% lợi nhuận.
Dự án “Tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại và nhà ở” tại số 89 đường Phùng Hưng, Hà Nội do HTT là chủ đầu tư với tổng diện tích xây dựng 32.774 m2. Dự án này đang trong giai đoạn bàn giao và đã đưa vào sử dụng dần từ năm 2016. Trong cuối năm 2016, nhờ doanh thu và lợi nhuận lớn từ dự án này mà HTT đã ghi nhận lãi lớn trong nửa cuối năm 2016.
Không chỉ ở mảng bất động sản, HTT còn muốn đầu tư vào mảng du lịch khi đã nhận chuyển nhượng hơn 3,3 triệu CP (tương đương với 30,3% vốn điều lệ) của Tổng CTCP Linh Dương từ bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty. Theo đó, mục đích chuyển nhượng là nhằm hợp tác đầu tư xây dựng dự án “Khu du lịch văn hóa trà và nông nghiệp công nghệ cao Linh Dương”.
Ngoài ra, trong bối cảnh giá liên tục sụt giảm thì ông Nguyễn Đức Đỉnh - Ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ trong thời gian qua khi từ 17/07 – 27/07 đã thực hiện lệnh mua bán liên tục cổ phiếu HTT.
Theo đó, trong ngày 4 ngày từ 17 – 20/07, ông Đỉnh đã mua thành công tổng cộng 711.990 cổ phiếu HTT. Trong ngày 24/07, ông Đỉnh lại mua 229.500 CP và bán ra 257.150 CP. Còn ngày 27/07, ông tiếp tục vừa mua 418.340 CP và bán ra 415.000 CP.
Như vậy, chỉ trong 11 ngày, ông Đỉnh đã mua tổng cộng 1.357.790 CP và bán ra 672.150 CP bằng phương thức khớp lệnh. Sau giao dịch, Phó TGĐ Nguyễn Đức Đỉnh nắm giữ 686.640 CP HTT.
Người đồng hành