Cổ phiếu ngân hàng "rực lửa" tuần qua: MSB, NVB giảm mạnh nhất, khối ngoại bán ròng 6 triệu cp CTG
Tuần qua (16-20/8), cổ phiếu ngân hàng đồng loạt bốc hơi mạnh. Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán thì 25 mã giảm giá, chỉ 2 mã tăng nhưng cũng chỉ tăng nhẹ: MBB (+1%), VCB (+0,5%).
Các cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua có thể kể đến MSB (-7,3%), NVB (-7,2%), PGB (-6,6%), EIB (-5,3%), BVB (-5,1%),…
Đa số cổ phiếu tăng nhẹ hoặc đi ngang trong những phiên đầu tuần rồi bất ngờ lao dốc vào phiên 20/8.
Trong phiên hôm qua (20/8), thị trường chứng khoán giảm sâu nhất kể từ ngày 6/7 khi VNIndex giảm hơn 45 điểm. Cổ phiếu ngân hàng là nguyên nhân chính dẫn tới cú lao dốc này. Hàng loạt mã ngân hàng giảm trên dưới 5%, trong đó ABB giảm 5,48%, PGB giảm 5,06%, LPB giảm 5,88%, MSB giảm 5,65%,…là những cổ phiếu giảm mạnh nhất.
Các cổ phiếu lớn cũng giảm mạnh như VCB giảm 2,63%, CTG giảm 4,66%, BID giảm 4,71%, TCB giảm 4,63%,…
Theo đó, vốn hoá toàn ngành ngân hàng trong phiên 20/8 "bốc hơi" hơn 71.300 tỷ đồng.
STB, SHB, MBB và TCB là những cổ phiếu ngân hàng có thanh khoản cao nhất tuần qua, lần lượt đạt 125 triệu cp, 122 triệu cp, 116 triệu cp, 109 triệu cp.
Khối ngoại bán ròng hơn 6,7 triệu cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua. Trong đó, CTG bị bán mạnh tới hơn 6,1 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, MBB tiếp tục hút nhà đầu tư nước ngoài, khối lượng mua ròng đạt hơn 2,1 triệu cp. Ngoài ra, STB cũng tiếp tục được khối ngoại mua ròng trong tuần này, với khối lượng mua ròng đạt gần 1,8 triệu cp.
Thông tin đáng chú ý nhất với ngân hàng tuần qua là Dự thảo sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư được sửa đổi theo hướng kéo dài thời gian cơ cấu nợ thêm 6 tháng và mở rộng phạm vi hỗ trợ, tạm hoãn trả nợ cho vùng phong tỏa. Tuy nhiên, đáng chú ý, Dự thảo Thông tư không đề cập đến việc giãn thời gian trích lập dự phòng rủi ro ra 5 năm và giữ như quy định cũ là 3 năm.
Theo đánh giá nhanh của một số chuyên gia, nội dung sửa đổi có ý nghĩa tích cực với các ngân hàng, giúp giảm thiểu rủi ro cho hệ thống, tránh nợ xấu tăng mạnh trong thời gian ngắn dưới tác động của dịch Covid-19.