Cổ phiếu nhiều ngân hàng niêm yết tăng giá 50 - 100%, nhưng chưa là gì nếu so với “bão giá” trên OTC
Lâu lắm rồi thị trường chứng khoán mới lại tìm được cảm giác hưng phấn như hiện nay. Chỉ số VNIndex đã tăng hơn 50% kể từ đầu năm và vượt 960 điểm lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ. Cổ phiếu ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng ấy, có nhiều ngân hàng chứng kiến giá cổ phiếu tăng 50%, 70% thậm chí là gấp đôi.
- 02-12-201715 ngân hàng Việt lọt top các ngân hàng mạnh nhất châu Á
- 29-11-2017Cuộc rượt đuổi của các cổ phiếu ngân hàng
Nhưng đó là chuyện trên sàn chứng khoán tập trung. Còn ở sàn OTC thì sao?
Nhiều cổ phiếu ngân hàng trên OTC tăng giá gấp 2-4 lần trong năm nay
Quan sát cho thấy, dòng cổ phiếu ngân hàng vẫn thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Dù vẫn có rất nhiều ngân hàng chật vật mà giá cổ phiếu chưa qua nổi vùng mệnh giá, có vài ngân hàng vượt qua vùng 10.000 đồng nhưng cũng chỉ được đôi ba chục phần trăm tăng giá so với đầu năm song lại có những ngân hàng có cổ phiếu tăng giá ầm ầm, thậm chí gấp 2 – 4 lần so với đầu năm.
Đầu tiên phải kể đến là Techcombank (TCB) của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam. Hồi đầu năm nay, giá TCB trên OTC chỉ được chào mua, chào bán khá lẻ tẻ với giá hơn chục nghìn đồng/cổ phiếu, rồi lên đến 20.000 đồng. Mức giá này tại thời điểm đó được đánh giá là rất cao, vì suốt vài năm qua TCB chỉ giao dịch quanh vùng trên dưới 10.000 đồng. Nhưng các mức giá ấy để mua một cổ phiếu của ngân hàng này nhanh chóng trở thành quá quá khứ rất khó tìm lại, vì thời điểm này muốn đặt mua TCB giá 50.000 đồng cũng còn khó khăn lắm. Thậm chí những ngày đầu tháng 12, mỗi cổ phiếu TCB đã được các nhà đầu tư đẩy lên tới 57.000 đồng – 60.000 đồng, tăng gấp 4 lần so với đầu năm. Nếu tính trên thị trường hiện nay thì Techcomabang đang có giá đắt đỏ nhất.
HDBank của Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh cũng là một hiện tượng đáng chú ý. Nếu như đầu năm, HDBank được giới đầu tư giao dịch chỉ quanh vùng 9.000 – 10.000 đồng, rồi đẩy lên 11.000 đồng thì vài tháng gần đây, giá cổ phiếu ngân hàng này tăng vọt, hiện đã lên đến 30.000 – 32.000 đồng, tức cũng tăng giá gấp hơn 3 lần chỉ trong vòng 11 tháng, và đang tương đương giá của ACB trên sàn.
TPBank cũng là một trường hợp đáng lưu ý trên OTC. Giá cổ phiếu ngân hàng này hiện đã được đẩy lên quanh 25.000 – 26.000 đồng, ngang với giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn niêm yết trên sàn chứng khoán như MB, VietinBank, VIB, BIDV. So với đầu năm, TPBank cũng đã tăng giá gấp hơn 2 lần.
OCB của Ngân hàng TMCP Phương Đông đầu năm nay mới chỉ giao dịch cách xa mệnh giá, hồi tháng 7 tăng lên nhưng cũng mới đạt 8.000 – 9.000 đồng song đến thời điểm này cũng đã tăng giá gấp hơn 2 lần, giao dịch phổ biến ở 15.000 – 16.000 đồng. Nếu so với thời điểm cuối tháng 9 năm ngoái thì giá cổ phiếu OCB cũng đã tăng giá gấp 3 lần.
Cổ phiếu như thế nào dễ rơi vào “tầm ngắm” của nhà đầu tư?
Giá tăng nhưng để mua được các lô lớn cổ phiếu ngân hàng cũng không dễ nếu như không thông qua các nhà môi giới để nhờ họ “gom”. Anh Minh, một nhà đầu tư lâu năm và chuyên “săn” cổ phiếu OTC ngân hàng cho biết, cổ phiếu ngân hàng vẫn được ưa chuộng từ trước tới nay nhưng thường nhắm vào các ngân hàng sắp có “game”. Còn với các ngân hàng hoạt động bình thường, không có gì biến động lắm thì người ta sẽ quan tâm ít hơn và chỉ giao dịch như một hình thức đầu tư thông thường.
“Tức là người ta dự đoán ngân hàng đó kinh doanh chắc chắn đi lên, hoặc là ông chủ của ngân hàng có mong muốn đẩy giá cổ phiếu lên, cũng có thể xuất hiện dự báo về khả năng sáp nhập, hoặc có tin sẽ bán cho nhà đầu tư nước ngoài, hoặc là lên sàn trong tương lai gần…” – anh giải thích kỹ hơn về thuật ngữ mà giới đầu tư các anh vẫn gọi là “game”.
Anh lấy ví dụ về cổ phiếu OCB. Trong 9 tháng đầu năm, OCB đã đạt lợi nhuận trước thuế gần 800 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra cho cả năm. Tại đại hội cổ đông năm nay ngân hàng đã thông qua việc niêm yết thẳng trên HOSE, và hiện Hội đồng quản trị cũng đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục, hồ sơ cần thiết để chuẩn bị niêm yết.
Hay như trường hợp của HDBank, ngân hàng này năm nay cũng bất ngờ làm ăn đạt kết quả ấn tượng với lợi nhuận cao kỷ lục là hơn 1.900 tỷ đồng trong 9 tháng, chỉ kém MB, Techcombank, VPBank trong nhóm tư nhân. Ngân hàng này cũng phát tín hiệu chuẩn bị lên sàn và bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian từ nay đến cuối năm.
“Những thông tin như vậy khiến người ta muốn săn lùng cổ phiếu. Họ kỳ vọng sau khi lên sàn nếu bán ngay thì cũng kiếm được khoản lời kha khá” – anh nói.
Kỳ vọng niêm yết
Một chuyên gia khác theo dõi sát thị trường OTC cũng đánh giá kế hoạch niêm yết của các ngân hàng đã tác động lớn tới giá cổ phiếu ngân hàng thời gian qua.
"Nếu như trước đây việc các ngân hàng thông báo sẽ niêm yết sẽ khó có tác động lên thị trường vì người ta không tin sau bao nhiêu ngân hàng khất hết lần này đến lần khác rồi lý do chưa phù hợp, thị trường chưa được như kỳ vọng. Còn năm nay nhiều ngân hàng đã nói đi đôi với làm nên nhà đầu tư có niềm tin vững hơn và muốn bỏ tiền đầu tư nghiêm túc hơn" - vị chuyên gia nói.
Đồng tình với nhận định này, nhiều nhà quan sát khác cũng nhận xét việc kinh doanh tốt hơn và kỳ vọng cổ phiếu sẽ sớm lên sàn đã thôi thúc nhà đầu tư tìm đến cổ phiếu ngân hàng trên OTC nhiều hơn trong những tháng gần đây.
Thực tế cũng chứng minh cho thấy cả 4 ngân hàng kể trên với mức tăng giá gấp đôi cho đến gần 4 lần kể từ đầu năm đều là những ngân hàng có kết quả kinh doanh rất ấn tượng, trong đó Techcombank đang đứng thứ 2 về lợi nhuận nhóm tư nhân sau VPBank (nếu không tính công ty con thì đứng số 1), HDBank đang vươn lên như một hiện tượng mới khi lợi nhuận đứng trong top 4 nhóm tư nhân và OCB cùng TPBank cũng là những ngôi sao của nhóm ngân hàng nhỏ và vừa. Và cả 4 ngân hàng này cũng đang rục rịch niêm yết trên thị trường chứng khoán vào những ngày cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Trí Thức Trẻ