Cổ phiếu tăng hơn 1.200% trong gần 2 năm, phe bán khống vốn hung hăng nay lại 'bầm dập' vì Tesla
Theo S3 Partners - hãng cung cấp dữ liệu, các vị thế bán khống đối với Tesla hiện đã giảm từ 19,6% vào đầu năm ngoái xuống 3,3%.
Khi nhà đầu tư nhỏ lẻ không hề nao núng trước những cuộc thăm dò trên Twitter và lời bàn tán về quả bong bóng Tesla liên tục được "bơm thổi", phe bán khống đã bắt đầu có dấu hiệu "thấm mệt".
Theo S3 Partners - hãng cung cấp dữ liệu, các vị thế bán khống đối với Tesla - tỷ lệ/số cổ phiếu đang lưu hành, hiện đã giảm từ 19,6% vào đầu năm ngoái xuống 3,3%. Ngoài ra, số lượng cổ phiếu Tesla bị bán khống đã giảm gần 80% xuống 27 triệu cổ phiếu trong cùng khoảng thời gian.
Carson Block - nhà đầu tư bán khống, nhà sáng lập quỹ Muddy Waters Capital, cho biết ông hiểu lý do tại sao nhiều người lựa chọn bán khống cổ phiếu Tesla. Ông nói: "Về nguyên tắc, họ không sai. Nhưng phe bên kia là Elon Musk, một người giỏi ‘bày trò’ hơn bất kỳ người nào tôi từng thấy."
Trước đó, phong cách lãnh đạo "ngông cuồng" của Musk và việc Tesla không có lợi nhuận trong một thời gian dài, đã khiến công ty 18 năm tuổi trở thành mục tiêu ưa thích của nhóm nhà đầu tư bán khống. Tuy nhiên, nhiều trong số này đã đóng vị thế sau đà tăng thần tốc của cổ phiếu Tesla.
Tỷ lệ bán khống đối với cổ phiếu Tesla từ đầu năm ngoái đến nay.
Michael Burry - nhà đầu tư "The Big Short", đã đặt cược chống lại Tesla từ lâu. Ông cho biết trong một dòng tweet hiện đã bị xóa rằng công ty này được hưởng lợi từ những gói trợ cấp của chính phủ và lĩnh vực sản xuất điện. Song, tháng trước, công ty của ông - Scion Asset Management, đã đóng vị thế bán khống khi nắm giữ hơn 800.000 quyền chọn bán cổ phiếu Tesla từ hồi tháng 5.
Tuy nhiên, dù ghi nhận đà tăng mạnh mẽ nhưng Tesla vẫn là một trong những cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. Dù nhiều nhà đầu tư bán khống bỏ cuộc, nhưng thực tế là giá cổ phiếu Tesla tăng hơn 1.200% kể từ đầu năm ngoái đồng nghĩa với việc tỷ lệ bán khống tăng từ 11 tỷ USD lên 28 tỷ USD so với cùng kỳ.
Hơn nữa, một số nhà đầu tư bán khống vẫn kiên trì với khoản đặt cược này. Crispin Odey - giám đốc quỹ phòng hộ của Anh, vẫn tiếp tục đặt cược chống lại Tesla. Ông cho biết trong bức thư gửi nhà đầu tư gần đây rằng "nhiều cổ phiếu đang được định giá một cách kỳ lạ" và Tesla "đã trở thành kẻ bất tử".
Theo Odey, nếu thị trường trái phiếu không bị bán tháo, ít có khả năng cổ phiếu Tesla sẽ sớm sụt giá. Ông nói: "Cho đến khi chúng ta chứng kiến thị trường trái phiếu hoảng loạn, thì sức nóng của thị trường chứng khoán cũng chưa thực sự dịu bớt."
Neil Campling - trưởng bộ phận nghiên cứu công nghệ tại Mirabaud, tiếp tục đặt cược chống lại Tesla. Dẫu vậy, ông bày tỏ quan điểm "rất tiêu cực" khi nói đến quỹ ETF Ark Innovation của Cathie Wood. Quỹ này đã giảm 8% trong năm nay, dù nắm giữ cổ phiếu của hãng xe điện. Theo ông, nếu không có Tesla, hiệu suất của quỹ này thậm chí còn tệ hơn.
Elon Musk đã trải qua một tháng rất bận rộn. Chỉ 1 tuần sau khi thực hiện lời cam kết bán 10% cổ phần như 64,4 triệu người mong muốn, Tesla đã bị JPMorgan kiện đòi 162 triệu USD vì cáo buộc không trả nợ vào năm 2018. Song, trong 30 ngày qua, cổ phiếu Tesla vẫn tăng khoảng 30% và có những dấu hiệu cho thấy một số nhà đầu tư đã nhận được "trái ngọt" sau khi bình chọn trên Twitter.
Một bình luận trên r/wallstreetbets - nơi "tụ tập" của các day trader, của Reddit tóm tắt về tâm trạng khi đầu tư vào Tesla: "Những yếu tố rủi ro của Tesla là - sự cạnh tranh: 5, các vấn đề về chuỗi cung ứng/sản xuất: 5%, những dòng tweet ngớ ngẩn của Elon Musk: 90%."
Tham khảo Financial Times