MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cổ phiếu VIB giá 17.000 đồng đắt hay rẻ?

09-01-2017 - 16:44 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong khi giá cổ phiếu các ngân hàng lớn như Sacombank, Eximbank chỉ gần 9.000 đồng, thậm chí ngân hàng lớn như BIDV chi hơn 16.000 đồng chút xíu thì VIB - một ngân hàng có quy mô nhỏ hơn nhiều - vừa lên sàn đã ở mức 17.000 đồng.

Sáng nay 9/1/2017, hơn 564 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) mã chứng khoán VIB chính thức giao dịch trên sàn UPCoM. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 17.000 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa của VIB đạt gần 9.600 tỷ đồng.

Ngay sau khi vừa lên sàn, cổ phiếu VIB đã phủ sắc xanh, có lúc tăng trần lên 23.800 đồng nhưng mức giá phần lớn trong phiên là quanh 18.500 – 19.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng khoảng 10% so với giá mở cửa.

Mức giá của VIB ngày chào sàn cao hơn rất nhiều so với các cổ phiếu của ngân hàng lớn đang giao dịch trên thị trường, trong đó gấp đôi so với thị giá Sacombank và Eximbank (quanh 9.000 đồng/cổ phiếu), gấp hơn 3 lần giá SHB (giá chưa đến 5.000 đồng), cao hơn cả MB (hơn 13.000 đồng), thậm chí BIDV và VietinBank (16.200 – 17.300 đồng/cổ phiếu), và gần bằng giá của ACB (20.300 đồng).

Trao đổi với người viết về mức giá được cho là rất cao trên thị trường hiện nay, ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, mức 17.000 đồng không phải do ngân hàng tự đưa ra, cũng chưa phản ánh đắt hay rẻ, mà dựa trên những chỉ số tài chính và tín nhiệm của ngân hàng.

PV: Thưa ông, lý do nào khiến VIB quyết định niêm yết cổ phiếu trên sàn vào thời điểm này?

Ông Hàn Ngọc Vũ: Về bối cảnh chung, những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan, lãi suất và tỷ lệ lạm phát được duy trì ở mức thấp, tỷ giá của tiền đồng được giữ ổn định, ngày các nhiều các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn và mức độ minh bạch cao đăng ký giao dịch cổ phiếu của mình trên các sàn chứng khoán Việt nam.

Chốt năm 2016, chỉ số VN Index đứng ở mức 664,87 điểm, tăng 14,8% so với cuối năm 2015, HNX Index đạt 79,95 điểm, UPCoM cũng đạt 53,65 điểm, các chỉ số trên hàn thử biểu đang phản ánh đúng niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi, tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Hơn nữa, thị trường chứng khoán đang đóng vai trò là kênh dẫn vốn trung và dài hạn của nền kinh tế. Với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng như VIB, thị trường chứng khoán còn là nơi tiếp sức cho truyền thông uy tín và thương hiệu đến với cộng đồng các nhà đầu tư tài chính và khách hàng tiềm năng, từ đó góp phần gia tăng giá trị thị trường của VIB.

Về yếu tố tuân thủ, theo quy định của pháp luật, VIB là doanh nghiệp đại chúng và phải lên sàn vào năm 2017, nói cách khác là phải giao dịch tập trung. Chúng tôi có thể lựa chọn thời điểm cuối năm 2016, nhưng sau đó chúng tôi tính toán là đầu năm 2017 sẽ thuận lợi hơn. Và đúng như dự kiến, những ngày đầu năm 2017 thật sự rất lạc quan với nhóm ngân hàng.

Chúng tôi tin tưởng rằng, việc giao dịch tập trung sẽ giúp các nhà đầu tư có được thông tin đầy đủ hơn về ngân hàng, về giá cổ phiếu, giá trị vốn hoá thị trường cũng như mức độ thanh khoản của cổ phiếu VIB, giúp các nhà đầu tư dễ dàng hơn trong việc ra quyết định đầu tư. Việc này cũng giúp bên bán, bên mua cổ phiếu của ngân hàng dễ dàng gặp nhau hơn.

Còn lý do chọn sàn UPCoM mà không phải HNX hay HOSE lúc này thì sao thưa ông?

Các doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng càng ngày càng phải tuân thủ theo quy định của pháp luật để đưa cổ phiếu lên sàn.

Ra đời sau cùng, nhưng sau 7 năm hoạt động, sàn UPCoM đã có hơn 420 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với tổng vốn hóa của các doanh nghiệp trên sàn này đạt tới hơn 300 nghìn tỷ đồng. Sàn UPCoM cũng có sự tham gia của các doanh nghiệp rất lớn như Habeco, Vietnam Airlines, Vinatex...Vì thế nên tôi cho rằng không chỉ chúng tôi mà các ngân hàng khác cũng sẽ cảm thấy bình thường khi niêm yết trên sàn UPCoM thay vì cứ phải sàn HNX hay HOSE như trước.

Có ý kiến cho rằng, VIB là ngân hàng nhỏ hơn nhiều so với các ông lớn như BIDV, VietinBank hay nhóm ngân hàng hàng đầu như Sacombank, ACB, MBB, nhưng giá tham chiếu lại cao hơn nhiều so với giá cổ phiếu các ngân hàng đó. Cơ sở nào để các ông đưa ra mức giá 17.000 đồng trong ngày đầu giao dịch?

Chúng tôi không tự đặt ra mức giá 17.000 đồng mà ngân hàng đã thuê nhà phân tích độc lập, cụ thể là công ty chứng khoán chuyên nghiệp để đưa ra giá.

Các phân tích về giá mà họ đưa ra dựa trên các phương pháp truyền thống. Giá cổ phiếu của một đơn vị không đơn thuần dựa vào một vài yếu tố mà còn phải so sánh với các chỉ số tài chính của công ty. Ví dụ về giá trị sổ sách so với mệnh giá, vốn điều lệ của VIB là hơn 5.600 tỷ, nhưng vốn chủ sở hữu là gần 8.800 tỷ đồng, ngay đó đã có sự chênh lệch giữa giá trị sổ sách và mệnh giá. Nếu nói về B/P (giá cổ phiếu/giá trị sổ sách) thì cũng không thể nhìn vào con số 1.7 mà còn phải nhìn vào sổ sách của VIB là bao nhiêu nữa, chưa kể là các yếu tố tài chính khác.

Ông có tin rằng với mức giá như vậy sẽ hấp dẫn được nhà đầu tư?

Chúng tôi không phải là người dự báo nên không thể đưa ra được. Ngoài ra giá cả cổ phiếu còn phải phụ thuộc rất nhiều vào trạng thái thị trường. Nhưng chúng tôi tin vào tính hấp dẫn của ngân hàng với nhà đầu tư vì sự minh bạch cũng như những giá trị mà ngân hàng đã mang lại cho nhà đầu tư bấy lâu nay.

Nếu nhà đầu tư quan tâm đến giá trị bền vững, chẳng hạn như là được chia cổ tức tỷ lệ cao bằng cả tiền mặt lẫn cổ phiếu như VIB đã thực hiện các năm qua (năm 2014 là 23,5% và năm 2015 là 25%, bao gồm cả tiền mặt và cổ phiếu thưởng), thì họ sẽ thấy cổ phiếu VIB hấp dẫn hơn rất nhiều. Nhưng với nhà đầu tư lướt sóng thì chưa chắc.

Ông dự báo thế nào về bức tranh chung của cổ phiếu ngân hàng năm nay?

Tôi lạc quan cả về tình hình các ngân hàng và tình hình kinh tế vĩ mô tác động lên ngân hàng. Các ngân hàng giờ đây đã lành mạnh hơn sau giai đoạn tái cơ cấu, có đủ năng lực để vượt qua các khó khăn và ngày càng phát triển nên tôi cũng có niềm tin vào xu hướng đi lên của giá cổ phiếu nhóm ngành này.

VIB đang có 1 nhà đầu tư nước ngoài là CBA của Úc với tỷ lệ sở hữu 20% và nhóm nhà đầu tư tổ chức cũng chỉ chưa đến 5% vốn. Vậy ngân hàng có dự định tìm kiếm thêm nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài không thưa ông?

Thời gian qua có nhiều tổ chức quan tâm đến ngân hàng và muốn gia nhập VIB. Tuy nhiên VIB chưa nhận đối tác nào vì hiện tại hệ số an toàn vốn CAR của ngân hàng còn khá cao, nếu vốn đổ vào nhiều sẽ ảnh hưởng đến hệ số ROE (lợi nhuận trên vốn), vì thế chúng tôi đã đàm phán với các nhà đầu tư này rằng họ nên giữ lại vốn, khoảng 1-2 năm nữa chúng tôi sẽ mời hợp tác.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên