MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn sốt khai thác niken để sản xuất pin xe điện bùng nổ: Người dân Indonesia cầm mã tấu giữ đất

14-03-2023 - 20:35 PM | Thị trường

Cơn sốt khai thác niken để sản xuất pin xe điện bùng nổ: Người dân Indonesia cầm mã tấu giữ đất

Ba phụ nữ đứng gác trên đỉnh đồi trang trại trên đảo Wawonii, Indonesia, hướng mã tấu về phía thợ khai thác niken đang làm việc ở khu đất bên dưới.

Người dân chiến đấu bảo vệ đất

Cô Royani, một dân làng 42 tuổi, cho biết, họ sẽ bảo vệ vùng đất của mình đến chết, bởi đất nhà cô nằm gần khu mỏ khai thác niken - kim loại đang gây sốt ở Indonesia.

Với tư cách là quốc gia sản xuất niken lớn nhất thế giới, các doanh nghiệp trong và ngoài Indonesia đang đổ xô về đây để khai thác thành phần quan trọng được sử dụng trong pin xe điện.

Tuy nhiên, theo AFP, cơn sốt niken có thể đe dọa quyền sử dụng đất của nông dân và gây hại cho môi trường thiên nhiên ở Wawonii.

Đối mặt với viễn cảnh mất đất và kế sinh nhai, khoảng chục dân làng Wawonii thay phiên nhau canh gác trong một túp lều được bao quanh bởi những cây đinh hương trên đỉnh đổi. Phía dưới là máy móc gầm rú.

Royani nỗ lực bảo vệ vùng đất sau khi một công ty khai thác khoáng sản chặt bỏ hàng trăm cây trồng của gia đình cô hồi đầu năm.

"Khi chúng tôi phát hiện ra thì không còn gì nữa, chúng đã bị phá hủy", cô nói.

Cơn sốt khai thác niken để sản xuất pin xe điện bùng nổ: Người dân Indonesia cầm mã tấu giữ đất - Ảnh 1.

Cơn sốt niken đang bùng phát ở Indonesia. Ảnh: AFP

Nhu cầu toàn cầu tăng vọt đối với kim loại sản xuất pin lithium-ion và thép không gỉ đã đẩy các công ty tới Indonesia. Hàng chục nhà máy chế biến niken hiện đang xây dựng Sulawesi - một trong những hòn đảo lớn nhất thế giới và nhiều dự án khác đã được công bố.

"Ngay cả với giá 1 tỷ rupiah (65.537 USD), tôi cũng không muốn bán [đất]", nông dân trồng điều Hastati, 42 tuổi, cho biết về các kế hoạch đàm phán liên quan.

Nhiều vùng nước bị ô nhiễm

Theo AFP, bờ biển phía đông nam đảo Sulawesi hiện đang bị tác động môi trường nghiêm trọng do các mỏ khai thác khoảng sản gây ra.

Tại một ngôi làng trên đảo, những ngôi nhà nằm trên lớp bùn đỏ, trẻ em thì bơi lội trong làn nước đục ngầu.

Người dân địa phương cho biết, những trận mưa cuốn đất ô nhiễm từ các mỏ niken từ các ngọn đồi rồi đổ vào vùng nước ven biển Thái Bình Dương, nhuộm đỏ vùng nước.

"Khi chưa có mỏ, nước không như thế này. Nó rất sạch", Guntur, 33 tuổi, cho biết.

Antam là một trong những công ty được nhượng quyền khai thác trong khu vực nhưng đại diện công ty nói với AFP rằng "không có hoạt động khai thác nào" ở đó.

Ngư dân cũng phải chịu tác động của ô nhiễm niken. Asep Solihin cho biết, ông phải đi xa hơn nhiều so với trước đây để đánh bắt.

"Trên là mỏ, dưới là bùn. Thế hệ sau sẽ ra sao?", ông đặt câu hỏi.

Tuy nhiên, không phải tất cả người dân địa phương đều phản đối các dự án. Nhiều người kiếm được công việc ổn định từ khu mỏ.

Sasto Utomo, 56 tuổi, dựng một quán cơm gần nhà máy luyện kim ở Morosi.

"Tôi hoàn toàn ủng hộ các nhà máy. Trước đây chúng tôi không bán được gì nhưng giờ đây thu nhập của tôi đã tăng lên", ông cho biết, ông đã mua thêm một ngôi nhà và đất nông nghiệp bằng số tiền kiếm được.

Theo An An

Thể thao & Văn hóa

Trở lên trên