MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có sự “đạo diễn” trong động thái “rủ nhau” hạ lãi suất?

28-09-2016 - 08:35 AM | Tài chính - ngân hàng

Bất ngờ là từ thích hợp để miêu tả phản ứng của dư luận trước động thái hạ lãi suất cùng một lúc tại 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước lớn nhất là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Nhiều ý kiến cho rằng, việc các ngân hàng lớn hạ lãi suất kể từ ngày 26/9 sẽ kéo theo hành động tương tự từ các nhà băng nhỏ, và cuối cùng cơ hội giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm sẽ trở thành hiện thực. Chia sẻ với chúng tôi về động thái này của các ngân hàng, TS. Phan Minh Ngọc cho biết ông và dư luận khá bất ngờ.

PV: Thưa ông, vì sao ông lại cho rằng dư luận bất ngờ về việc các ngân hàng hạ lãi suất huy động?

TS. Phan Minh Ngọc: Như đã được nói đến nhiều, hành động đồng loạt hạ lãi suất này diễn ra trong bối cảnh không thuận cho việc hạ lãi suất.

Mới trước đó, hàng loạt ngân hàng vẫn chạy đua tăng lãi suất huy động do dư thừa thanh khoản chỉ là tạm thời. Trong khi đó, hiện đã là thời điểm gần đến những tháng cao điểm về nhu cầu tín dụng đáp ứng vốn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh dịp lễ tết cuối năm. Chưa kể đến những yếu tố pháp lý sẽ có ảnh hưởng đến biến động lãi suất theo hướng tăng cao, như quy định về tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn khắt khe hơn sẽ có hiệu lực bắt đầu từ đầu năm 2017, buộc các ngân hàng phải tích cực cơ cấu lại nguồn vốn huy động để đáp ứng quy định này. Rồi thì giải quyết nợ xấu vẫn còn bế tắc, vẫn tiếp tục “làm khó” ngân hàng trong việc giảm lãi suất v.v...

Vậy tại sao các ngân hàng thương mại lớn lại không hẹn mà nên, cùng nhau hạ lãi suất?

Nếu không có hành động công bố của NHNN thì người ta dễ dàng liên tưởng đến hành động bắt tay nhau, phối hợp để thao túng thị trường của một số ngân hàng lớn.

Nhưng việc hạ lãi suất đồng loạt này dường như được công bố trước tiên bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chứ không phải bản thân những ngân hàng hạ lãi suất lần này, thì người ta có thể nghi ngờ rằng dường như NHNN đã đứng sau hành động đồng loạt hạ lãi suất của các ngân hàng nói trên, chứ khó có chuyện các ngân hàng thương mại này chủ động bắt tay nhau để cùng hạ lãi suất huy động.

Theo ông tại sao NHNN lại "đạo diễn" một “pha phối hợp” như vậy?

Lý do thì có thể đơn giản chỉ là NHNN đã quá sốt ruột với tình hình khó/không thể hạ lãi suất cho vay suốt từ đầu năm đến nay, bất chấp việc họ đã bơm mạnh thanh khoản vào hệ thống, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng đã không ít lần tụt xuống mức thấp kỷ lục trong thời gian qua.

Nếu cứ để các ngân hàng tự xoay sở, cạnh tranh với nhau thì lãi suất huy động sẽ chỉ có xu hướng đi lên bởi những yếu tố như nói ở trên, chứ khó có khả năng hạ thấp đi, làm cho lãi suất cho vay cũng không thể hạ đi được. Điều này cũng có nghĩa là mục tiêu hạ lãi suất cho vay mà Chính phủ giao không thực hiện được.

Cũng có thể có lý do nữa là NHNN đã thấy có một sự vô lý về mặt bằng lãi suất huy động hiện nay. Với thanh khoản dư thừa trên thị trường liên ngân hàng thì chí ít lãi suất huy động ngắn hạn của các ngân hàng thương mại cũng phải bị chịu áp lực giảm đi (do các khoản vay mượn trên thị trường liên ngân hàng chủ yếu là kỳ hạn ngắn), chứ không thể neo cao một cách bất hợp lý như hiện tại. Quả thật, xem xét kỹ hơn vào cơ cấu kỳ hạn của biểu lãi suất huy động mới của 4 ngân hàng thương mại nói trên thì dường như đã có sự thống nhất giảm mạnh lãi suất cho tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn ngắn, giảm ít hơn ở những kỳ hạn dài hơn.

Ví dụ, tại Vietcombank, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 2 tháng bị giảm xuống mức 4,3%/năm (giảm 0,5 điểm phần trăm so với trước). Trong khi đó, lãi suất cho kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 5 tháng chỉ giảm 0,3 điểm phần trăm xuống mức 4,8%/năm. Với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng thì mức giảm chỉ còn 0,2 điểm phần trăm.

Nói cách khác, tuy có thể có sự đạo diễn trong việc đồng loạt giảm lãi suất nhưng sự giảm này vẫn mang tính lựa chọn khi tập trung vào những kỳ hạn ngắn mà nguồn vốn có thể được cung cấp đầy đủ từ thị trường liên ngân hàng và cuối cùng, một cách trực tiếp hay gián tiếp, là từ NHNN. Với những kỳ hạn huy động dài hơn, NHNN vẫn để cánh cửa hẹp cho các ngân hàng lớn này lọt qua mà không bị “sứt mẻ” nhiều khi mức giảm lãi suất huy động khá chừng mực, ảnh hưởng không đáng kể đến tính cạnh tranh của chúng so với các ngân hàng thương mại khác.

Và theo ông sự điều chỉnh giảm lãi suất như vậy có bền vững không?

Câu trả lời một phần phụ thuộc vào sự bền vững của lãi suất thị trường liên ngân hàng được duy trì ở mức thấp như hiện nay, mà kết cục là sự bền vững của hành động nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ thanh khoản của NHNN. Nếu trong những tháng tới vì một lý do nào đó mà NHNN phải xiết bớt thanh khoản để, ví dụ, giảm áp lực lên lạm phát, hay ổn định tỷ giá, thì lãi suất trên thị trường liên ngân hàng sẽ có xu hướng tăng lên trở lại, làm hẹp lại nguồn cung vốn với lãi suất thấp cho các ngân hàng trong đó có 4 ngân hàng thương mại lớn nói trên.

Kết quả đương nhiên sẽ là các ngân hàng thương mại lớn này sẽ bị áp lực gia điều chỉnh tăng lãi suất huy động để bù đắp phần vốn bị sụt giảm trên thị trường liên ngân hàng. Nếu bị trói buộc bởi những cam kết duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp thì lúc này các ngân hàng thương mại nói trên buộc phải sử dụng phương cách bấy lâu nay để lách, như tặng quà khuyến mãi, bốc thăm (chắc chắn) trúng thưởng v.v... Rốt cuộc, mặt bằng lãi suất sẽ trở lại như cũ hoặc thậm chí là cao hơn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên