MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể dùng ngân sách nhà nước tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu?

30-09-2021 - 16:48 PM | Tài chính - ngân hàng

Có thể dùng ngân sách nhà nước tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu?

"Trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là việc cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu...".

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tài liệu về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, phục vụ cho phiên họp toàn thể Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XV. Trong đó, một cấu phần quan trọng của Kế hoạch là hướng tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 – 2025.

CƠ CẤU LẠI CÁC TCTD YẾU KÉM ĐẠT KẾT QUẢ TÍCH CỰC NHƯNG CHƯA THỂ XỬ LÝ TRIỆT ĐỂ

Đánh giá lại kết quả cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được triển khai trong giai đoạn 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các biện pháp được được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, đảm bảo tính ổn định, an toàn hệ thống. Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng được hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Theo đó, đến nay, các ngân hàng cơ bản đã đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định áp dụng tiêu chuẩn Basel II tại Việt Nam với 78 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã áp dụng Thông tư 41.

Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý, tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát. Hệ thống các TCTD đã được củng cố một bước, nâng cao hơn năng lực quản trị, xử lý nợ xấu được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn.

Hiện nợ xấu nội bảng của các TCTD được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng duy trì ở mức an toàn, giảm từ mức 2,46% năm 2016 xuống còn 1,69% kết thúc năm 2020.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trung bình đã giảm, dòng vốn tín dụng chuyển dịch nhiều hơn vào các ngành sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm 1,5 - 2%/năm các mức lãi suất điều hành, giảm 0,8 – 1,25%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng, giảm 2%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5%/năm).

Dù vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đánh giá, dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của các doanh nghiệp trong nước, qua đó, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt của TCTD và khả năng hoàn thành mục tiêu đề ra tại Đề án cơ cấu lại, trong đó, có mục tiêu về kiểm soát và xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém đã đạt được kết quả tích cực nhưng chưa thể xử lý triệt để do thiếu nguồn lực và cơ chế đặc thù. Quy mô và năng lực tài chính, cạnh tranh của các TCTD còn hạn chế so với khu vực.

TIẾP TỤC CƠ CẤU LẠI CÁC TCTD YẾU KÉM

Về nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2021 -2025, hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại hệ thống các TCTD, nâng cao nội lực của hệ thống trên cơ sở hoạt động minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả, an toàn, dựa trên công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với chuẩn mực hoạt động theo thông lệ quốc tế, đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế, đảm bảo mọi người dân và doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận đầy đủ, thuận tiện với chi phí phù hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu các mục tiêu cụ thể bao gồm, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, hỗ trợ tiến trình cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu một cách thực chất.

Nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các TCTD, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; hiện đại hóa công nghệ ngân hàng và hệ thống thanh toán, đa dạng hóa và nâng cao tiện ích các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dựa trên công nghệ hiện đại, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong hệ thống các TCTD. Phát triển hệ thống các TCTD theo hướng các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.

Bên cạnh đó, tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các TCTD yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn hệ thống; hoạt động kinh doanh theo cơ chế thị trường, công khai, minh bạch, đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực về an toàn hoạt động ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật và tiệm cận với thông lệ quốc tế; ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối các TCTD có liên quan.

Đặc biệt, đẩy mạnh xử lý nợ xấu (đặc biệt là nợ xấu lĩnh vực bất động sản) của các TCTD nhằm tạo điều kiện cho TCTD lành mạnh hóa tình hình hoạt động, nâng cao chất lượng tín dụng, năng lực tài chính và đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, mở rộng tín dụng với lãi suất hợp lý, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô. Duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các TCTD ở mức dưới 3%.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn vốn tín dụng phục vụ yêu cầu cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển "tín dụng xanh", "ngân hàng xanh" để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng kinh tế xanh.

SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐỂ XỬ LÝ NỢ XẤU

Để thực hiện các mục tiêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra một số kiến nghị giải pháp.

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, đảm bảo an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống, tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới.

Cụ thể, xây dựng tiêu chí phân loại, xếp hạng các TCTD và hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát thích hợp đối với từng loại. Đồng thời, nghiên cứu hoàn thiện hành lang pháp lý về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện xử lý nợ xấu, nghiên cứu hoàn thiện khung khổ pháp lý về xử lý nợ xấu tiến tới thành lập thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp tại Việt Nam. Kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng và phát triển những sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại nâng cao sức cạnh tranh của ngành ngân hàng.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và trong hoạt động các TCTD.

Thứ tư, tăng cường năng lực tài chính và chất lượng tín dụng của các TCTD, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, chuyển dịch cơ cấu tín dụng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Nguồn lực để thực hiện kế hoạch tái cơ cấu các TCTD nói riêng và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025 nói chung nằm trong khuôn khổ các nguồn lực huy động chung của nền kinh tế.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, trong một số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, đặc biệt là việc cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu.

Việc dự kiến lợi ích và chi phí cụ thể của các nhiệm vụ cơ cấu lại như vậy sẽ được ước tính và đề xuất cụ thể tại các Đề án và kế hoạch cơ cấu lại của ngành và lĩnh vực, như tại Đề án cơ cấu lại các TCTD.

Trước đó, vấn đề nên hay không nên sử dụng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu ngân hàng từng là vấn đề vô cùng "nóng bỏng" được mang ra bàn luận, mổ xẻ trong suốt giai đoạn 2011 – 2015 và 2016 – 2020.

Số ý kiến ủng hộ thì cho rằng, nợ xấu của ngân hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định kinh tế vĩ mô và tình trạng lạm phát. Nếu xử lý được nợ xấu sẽ góp phần giảm được lãi suất cho vay, tác động tích cực đến nền kinh tế, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, biện pháp này là chưa cần thiết phải áp dụng và hơn nữa, ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp. Lúc ngân hàng kinh doanh lãi cao thì họ chia nhau hưởng với mức lương, thưởng cao ngất, nhưng lúc khó khăn thì lại muốn nhà nước hỗ trợ.

Bên cạnh đó, nhiều thành phần doanh nghiệp khác cần hơn sự hỗ trợ của Nhà nước, như doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là thành phần sản xuất, kinh doanh đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho nhiều lao động và tạo ra nhiều của cải vật chất cho xã hội.

Tại dự thảo Đề án Tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng đề nghị Chính phủ dùng ngân sách nhà nước xử lý nợ xấu ngân hàng, dù vậy kiến nghị này đã không được thông qua.


Theo Trần Thúy

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên