MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Có thể kìm cương giá vàng?

10-04-2024 - 09:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Câu hỏi không dễ tìm lời đáp trong bối cảnh hiện nay, nếu cơ quan quản lý thị trường vàng không có giải pháp cụ thể để bình ổn giá.

Cuối ngày 9-4, giá vàng trong nước tiếp tục lập những đỉnh cao mới. Giá vàng miếng SJC hướng tới mốc 85 triệu đồng/lượng trong khi giá vàng nhẫn cũng vượt 77 triệu đồng/lượng.

Đua nhau tăng sốc

Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào 82,8 triệu đồng/lượng, bán ra 84,8 triệu đồng/lượng, tăng 2,4 triệu đồng so với hôm trước. Chỉ trong 2 ngày qua, giá vàng miếng SJC tăng tới 3 triệu đồng/lượng.

Không chỉ sốc vì giá vàng SJC nhảy vọt, nhiều người bất ngờ khi vàng nhẫn, vàng trang sức 24K các loại cũng tăng nhiều. Công ty SJC niêm yết mua vào 74,3 triệu đồng/lượng, bán ra 75,7 triệu đồng/lượng, tăng 1,4 triệu đồng/lượng so hôm trước. Công ty Bảo Tín Minh Châu còn giao dịch vàng nhẫn trơn lên tới 75,58 triệu đồng/lượng mua vào, 77,08 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 1,9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước liên tục lập những đỉnh mới và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt do ảnh hưởng từ giá thế giới và nhu cầu mua vàng. Một số công ty vàng cho hay lực cầu mua vàng SJC lẫn vàng nhẫn đều tăng so những ngày trước, trong khi vắng bóng người bán.

Giám đốc một công ty vàng xác nhận không có nguồn cung vàng nhưng lực cầu thì duy trì hoặc tăng, đồng thời cho biết biên độ chênh lệch giá mua - bán vàng nhẫn khoảng hơn 1 triệu đồng và vàng SJC khoảng hơn 2 triệu đồng, không đổi so với những ngày trước khi doanh nghiệp (DN) cũng muốn nâng giá mua vào để kích thích người dân bán. Dù vậy, có thể mọi người kỳ vọng giá còn tăng tiếp theo thế giới nên chưa vội bán ra.

Ông Trần Hữu Đang, Tổng Giám đốc Công ty CP Vàng bạc - Đá quý ASEAN (AJC, Hà Nội), cho biết thị trường gần như không có người bán vàng. Tuy người dân không đổ xô như các đợt tăng giá trước nhưng lần này, những người mua lại thu gom số lượng nhiều.

Ông Huỳnh Trung Khánh - Cố vấn cấp cao Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam, phân tích giá vàng trong nước tăng do ảnh hưởng chính từ giá thế giới, khi trên thị trường quốc tế giá vàng đã lập đỉnh mới vượt 2.360 USD/ounce, tăng khoảng 20 USD mỗi ounce so với phiên trước và là mốc cao nhất từ trước tới nay.

"Tâm lý của người dân là cứ thấy giá vàng tăng hoặc khan hiếm thì nghĩ còn tăng tiếp nên ít người bán. Về nguồn cung, từ nhiều năm nay các DN không được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nhẫn; Ngân hàng Nhà nước cũng không nhập khẩu vàng về để sản xuất, gia công vàng miếng SJC nên khan hiếm" - ông Khánh nói.

Tuy người dân không đổ xô như các đợt tăng giá trước nhưng những người mua lại thu gom số lượng nhiều Ảnh: TẤN THẠNH

Tuy người dân không đổ xô như các đợt tăng giá trước nhưng những người mua lại thu gom số lượng nhiều Ảnh: TẤN THẠNH

Dòng tiền dịch chuyển sang vàng?

Giá vàng thế giới đã tăng liên tục trong 7 phiên liên tiếp, dù đã tăng "nóng" thời gian qua.

Chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cho rằng đang có nhiều yếu tố hỗ trợ giá vàng tăng mạnh. Không chỉ là các kênh đầu tư khác đang rủi ro như chứng khoán quốc tế giảm nhiều phiên liên tiếp, còn xung đột căng thẳng ở khu vực Trung Đông hay nhu cầu mua vào của ngân hàng trung ương các nước, trong đó có Trung Quốc, cũng gia tăng.

"Ngay việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ bắt đầu điều chỉnh giảm lãi suất điều hành từ giữa năm nay, dù đã được phản ánh vào giá và thị trường điều biết nhưng vẫn hỗ trợ giá vàng tăng. Có lẽ phải đến khi FED chính thức hạ lãi suất, giá vàng mới hạ nhiệt" - ông Phan Dũng Khánh dự báo.

Ở thị trường trong nước, thông tin đề xuất liên quan việc Ngân hàng Nhà nước có thể sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng trao quyền nhập khẩu vàng cho một số DN vẫn chưa cụ thể. Cơ quan chức năng siết chặt việc nhập lậu vàng để kiểm soát tỉ giá, dẫn đến nguồn cung nguyên liệu trong nước khan hiếm, trong khi sức mua vàng của dân không giảm. Kết quả, giá vàng trong nước vào các ngày gần đây liên tục "nóng" lên. GS-TS Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia, nhận định các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, trái phiếu tiềm ẩn nhiều rủi ro, khiến một phần của dòng tiền chuyển sang thị trường vàng. Lãi suất VNĐ sụt giảm xuống mức thấp hơn nhiều so với lãi suất đồng USD trên thị trường quốc tế, tỉ giá VNĐ/USD có chiều hướng tăng mạnh đã thúc đẩy người dân tích trữ vàng.

Hết sức khó đoán

Đề cập xu hướng giá vàng thế giới, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), cho biết từ nay đến cuối năm, giới đầu tư tài chính đang kỳ vọng Mỹ giảm lãi suất. Nếu vậy, đồng USD có thể giảm giá, tạo điều kiện cho giá vàng thế giới đi lên. Mặt khác, các quỹ đầu tư chứng khoán đang phòng thủ rủi ro theo hướng giảm nắm giữ cổ phiếu để mua vàng. Nếu tình hình địa chính trị quốc tế còn căng thẳng, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu thì nhà đầu tư cũng có tâm lý nắm giữ vàng để bảo toàn vốn. Vì vậy, giá vàng sẽ tăng lên đến mức đỉnh nào là hết sức khó đoán.

Thông tin của Hội đồng Vàng thế giới chỉ ra Việt Nam đứng thứ 10 về nhu cầu mua - bán và đầu tư. Do đó, theo ông Nguyễn Thế Hùng, nếu trong thời gian tới nước ta không có thêm nguồn cung vàng thì giá vàng SJC, vàng nhẫn có thể sẽ tiếp tục đi lên theo thế giới.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP HCM) dự báo giá vàng trong nước sẽ vẫn tiếp tục tăng theo xu hướng của giá vàng thế giới nếu cơ quan quản lý thị trường vàng không có động thái cụ thể để bình ổn giá. Còn việc siết nhập lậu vàng sẽ góp phần làm giá vàng tăng, các mức giá kỷ lục mới có thể được thiết lập.

Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết khoảng 71,4 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn trơn tới 5,6 triệu đồng/lượng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 13,3 triệu đồng/lượng. Biến động tăng nhanh hơn thế giới lại khiến khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế giãn rộng. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng mức chênh lệch này của giá vàng SJC và thế giới đã thu hẹp đáng kể so với mốc kỷ lục 17-19 triệu đồng/lượng những tháng trước. 

Vàng thế giới phá đỉnh

Giá vàng thế giới liên tục duy trì đà tăng và được giao dịch quanh ngưỡng 2.357 USD/ounce, hôm 9-4.

Một quan chức Trung Quốc hôm 7-4 cho biết tính đến tháng 3, ngân hàng trung ương Trung Quốc đã mua vàng dự trữ trong tháng thứ 17 liên tiếp. Theo hãng tin Reuters, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Kazakhstan và một số nước Đông Âu cũng liên tục mua vàng trong năm nay. Nhu cầu vàng của các ngân hàng trung ương giúp kéo dài đà tăng kỷ lục của kim loại quý này. Ông Ole Hansen, người đứng đầu chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Đầu tư Saxo Bank AS (Đan Mạch), nhận định tín hiệu vàng tăng giá trong lúc lãi suất neo cao cho thấy khả năng lạm phát còn dai dẳng và nền kinh tế có thể hạ cánh cứng, kèm theo nhiều bất ổn địa chính trị và xu hướng phi toàn cầu hóa thúc đẩy nhu cầu của ngân hàng trung ương.

Dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy vào tháng 1-2024, lượng vàng dự trữ trên toàn cầu đã tăng 39 tấn. Ông Wang Lixin, giám đốc điều hành Hội đồng Vàng thế giới tại Trung Quốc, cho biết mục đích của việc nhiều ngân hàng trung ương tăng dự trữ vàng là nhằm đa dạng hóa danh mục dự trữ và giảm tỉ trọng đồng USD. Giữa lúc bất ổn kinh tế và chính trị còn kéo dài, giá vàng thế giới có thể tiếp tục tăng cao. Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo tốc độ tăng giá của kim loại quý này có thể hạ nhiệt một khi FED hạ lãi suất.

X.Mai


Theo Thái Phương - Thỵ Thơ

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên