Cơn bão khủng hoảng mọi thứ tại Mỹ: Hết sạch từ sữa bột cho băng vệ sinh, bạn bè mời đám cưới cũng phải từ chối khéo vì quá tốn kém
Theo dự báo của giới chuyên gia, có hơn 40% khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trong năm 2023.
- 23-06-2022Vì sao gần 30 năm nước Mỹ chưa từng giảm thuế xăng để hạ nhiệt thị trường?
- 23-06-2022Thiếu không chịu nổi, Mỹ âm thầm khuyến khích doanh nghiệp mua thêm một mặt hàng của Nga
- 23-06-2022Mỹ đau đầu vì thuế xăng dầu
Do những ảnh hưởng tiêu cực từ chiến tranh, dịch bệnh, chuỗi cung ứng toàn cầu đang khiến cho chi phí thực phẩm, năng lượng, thuê nhà tại Mỹ đều đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần 40 năm trở lại đây. Khiến cuộc sống của người dân quốc gia này lâm vào cảnh khó khăn.
Nhiều mặt hàng thiếu hụt trầm trọng
"Tôi chuẩn bị sinh con nhưng không có cả sữa công thức và băng vệ sinh? Tôi phải làm gì bây giờ", tài khoản Twitter Zarida viết trên Twitter.
Kể từ 2 tháng trở lại đây, không chỉ Zarida mà hầu hết người dân Mỹ đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc mua những mặt hàng thiết yếu cho gia đình, điển hình như sữa bột trẻ em và băng vệ sinh. Mức độ thiếu hụt của hai mặt hàng này lớn đến nỗi các kệ hàng tại siêu thị và điểm bán lẻ lớn tại nước này đều ở mức trống trơn hoặc chỉ còn lại khoảng 10%.
Các kệ hàng trống trơn tại điểm bán lẻ
Bên cạnh đó, việc mua sắm các mặt hàng này trên trang trực tuyến cũng khó khăn hơn rất nhiều khi số lượng hàng cũng có tình trạng y hệt như các điểm bán lẻ. Các nhà bán lẻ như CVS, Target và Walgreens đều xác nhận tình trạng nguồn cung hạn chế ở một số cửa hàng và cho biết sẽ cố gắng điều chỉnh và đảm bảo nguồn cung cho người dân.
Để đối phó với tình trạng này, trên các trang mạng xã hội của Mỹ, nhiều hội nhóm của các bà nội chợ đã xuất hiện nhằm mục đích cùng nhau "đi săn" các mặt hàng kể trên và thông báo cho các thành viên trong nhóm về địa điểm có thể mua được những hàng hóa này.
Nhiều hội nhóm được lập ra để "đi săn" hàng
Giá cả hàng hóa tăng chóng mặt
Bên cạnh việc các mặt hàng trở nên khan hiếm, giá cả hàng hóa tăng cao do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng và lạm phát cũng khiến người dân Mỹ phải lao đao. Theo chỉ số giá tiêu dùng được Bộ Lao động Mỹ đưa ra, người Mỹ đang phải đối mặt với những đợt tăng giá chưa từng thấy trong hơn 40 năm trở lại đây, kể từ năm 1979.
Theo Economist, lạm phát khiến giá lương thực phẩm cao gấp gần ba lần so với dự báo trước đại dịch. Trong đó các mặt hàng như thịt, chế phẩm từ sữa như bơ, kem,...đều có mức tăng trung bình lên tới hơn 15%.
Lạm phát và ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng khiến giá hàng hóa tăng vọt
Việc tăng giá này khiến cho chỉ số tiêu dùng của người dân Mỹ cũng tăng hơn 8%, theo đó mỗi người dân Mỹ dự kiến sẽ phải bỏ thêm khoảng 460 USD/tháng (tương đương 10,5 triệu đồng) cho việc chi tiêu hàng tháng, trong đó bao gồm cả giá thực phẩm, nơi ở và năng lượng.
Lời mời dự đám cưới là gánh nặng lớn
Theo Bloomberg, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong suốt 2 năm trở lại đây, các bữa tiệc quan trọng như cưới hỏi đều phải tạm hoãn lại. Sau khi tình hình dịch được kiểm soát trở lại, những đám cưới đang "tồn đọng" lại ồ ạt được tổ chức. Đáng buồn thay, nó lại rơi vào đúng thời điểm lạm phát tại Mỹ ở mức kỷ lục khiến cho nhiều người phải đau đầu vì chuyện tham dự đám cưới bạn bè và người thân.
Đi dự đám cưới là gánh nặng lớn với nhiều người
Issy Berkey (27 tuổi), một cô gái đến từ bang New York, Mỹ, đã nhận được 10 lời mời tham dự đám cưới, trong đó có 8 đám tổ chức ở những khu vực ngoài tiểu bang. Do những chi phí cho đám cưới như vé máy bay, khách sạn, đồ dự tiệc và quà mừng cưới là quá lớn nên cô đành từ chối bớt và chỉ đồng ý dự 8 đám cưới. Tuy nhiên, tổng chi phí phải chi trả cho những dịp này tính "sương sương" cũng đã ngốn của cô nàng tới 20.000 USD (tương đương khoảng 460 triệu đồng).
Bên cạnh đó, theo dữ liệu khảo sát mới đây của Credit Karma, lạm phát đang ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng tham dự đám cưới của 73% số người tham gia cuộc khảo sát. Theo đó, giá cả tăng cao buộc một số người phải vay nợ, sử dụng tiền tiết kiệm hoặc thậm chí là từ chối tham gia luôn đám cưới để đảm bảo chi tiêu hàng ngày.
Nguồn: Bloomberg, CNN, The Guardian
Trí thức trẻ