Cơn bĩ cực của đàn ông 'ế' Trung Quốc: Không lấy được vợ vì chẳng mua nổi nhà
Tại Trung Quốc, tỷ lệ kết hôn đang tỷ lệ nghịch với giá nhà đất.
- 22-12-2020Thôn "ế vợ" Trung Quốc: Con gái giống như "nữ hoàng", mỗi ngày xem mắt hơn 30 người đàn ông vẫn chẳng ưng một ai
- 16-12-2020Mãi mới thoát ế, mà cưới vợ xong lại lâm vào cảnh nghèo khó, nhiều đàn ông độc thân Trung Quốc lao đao vì quá khan hiếm phụ nữ
Theo tờ The Guardian, câu chuyện lấy vợ tại Trung Quốc đang ngày càng khó khăn hơn chỉ vì bong bóng nhà đất. Những chính sách bất cập thổi phồng thị trường bất động sản đang gián tiếp khiến hàng triệu thanh niên Trung Quốc ế vợ.
Cơn bĩ cực của người "ế"
Trên thực tế, vấn đề kết hôn đã trở thành thách thức với chính quyền Bắc Kinh khi tỷ lệ sinh đang ngày càng giảm. Báo cáo chính thức năm 2021 cho thấy tỷ lệ sinh năm 2020 tại Trung Quốc chỉ vào khoảng 8,52 trẻ trên mỗi 1.000 người, thấp hơn mức 10,41 trẻ/1.000 người của năm 2019.
Đây là lần đầu tiên tỷ lệ sinh của Trung Quốc xuống dưới mức 10 trẻ/1.000 người kể từ năm 1978.
Tỷ lệ kết hôn tại Trung Quốc đang tỷ lệ nghịch với giá nhà
Số liệu này khiến nhiều quan chức Trung Quốc phải ngạc nhiên khi chính quyền Bắc Kinh đã dỡ bỏ quy định chỉ được sinh 1 con từ năm 2016. Tuy nhiên với những chuyên gia phân tích, câu chuyện chẳng có gì khó hiểu khi giá nhà đất tăng khiến giới đại gia bất động sản làm giàu trong khi chính những bạn trẻ là nạn nhân.
Với giá nhà cao chót vót, giới trẻ Trung Quốc chẳng có cơ hội mua bất động sản để có thể kết hôn hay sinh con. Họ chỉ có thể sống tạm bợ trong các căn hộ thuê hoặc dạt về các vùng quê hẻo lánh. Trong khi đó giới đầu cơ lại tạo nên hàng loạt thành phố ma với những căn hộ chẳng ai ở.
Đáng lẽ chuyện xây nhiều nhà chẳng phải là vấn đề bởi Trung Quốc có đến 1,4 tỷ dân và hàng trăm triệu người rồi cũng sẽ phải di rời lên thành phố sinh sống trong 30-40 năm tới trước tốc độ đô thị hóa nhanh.
Vậy nhưng chính sự đầu cơ và cuồng mua nhà đang khiến mọi chuyện trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi giá nhà quá cao so với thu nhập khả dụng.
Nghiên cứu của hãng BCA Research cho thấy tỷ lệ giá nhà trên thu nhập hộ gia đình tại các thành phố lớn của Trung Quốc (House price-to-household Income Ratio) đang là 19, cao hơn rất nhiều so với 10 ở Anh và 4 ở Mỹ.
Tờ The Diplomat lấy ví dụ giá nhà tại 70 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã tăng 9,7% tính đến cuối tháng 12/2018, mức tăng tháng thứ 44 liên tiếp và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ kết hôn giảm tới 30% trong 5 năm qua.
Trong khi đó, chỉ số giá nhà thứ 2 tại Thượng Hải (Second Hand House Price Index) đã tăng hơn 4 lần trong 20 năm qua. Công thức chung của các nhà đầu cơ luôn là mua thêm bất động sản chờ giá lên bất chấp chẳng có ai sử dụng, qua đó khiến nhu cầu tăng giả tạo và đẩy giá thị trường lên cao hơn.
Đồng quan điểm, báo cáo của Trung tâm nghiên cứu tài chính bất động sản Trung Quốc (SRCCHF) cho thấy tỷ lệ người mua nhà lần đầu đạt tới 70% trong khoảng 2008-2010 nhưng đã suy giảm nhanh chóng chỉ còn 11,5% năm 2018.
Chính sự phát triển chệch hướng của thị trường bất động sản cho 1,4 tỷ dân này đã khiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phải thốt lên rằng nhà là để ở chứ không phải đầu cơ.
70% tài sản đổ vào nhà
Theo SRCCHF, khoảng hơn 20% số hộ gia đình Trung Quốc sở hữu nhiều hơn 1 căn nhà và 70% tài sản của người dân cũng được tích lũy dưới dạng bất động sản. Đó là chưa kể những căn hộ tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải... không hề rẻ.
Trong một nền kinh tế bị kiểm soát về dòng vốn chặt chẽ như Trung Quốc, người dân không có nhiều kênh đầu tư và bất động sản trở thành hầm trú ẩn cũng như thị trường đầu cơ an toàn nhất. Với người Trung Quốc, cho dù mất giá thế nào thì ít ra họ vẫn có một căn nhà để cho thuê hay kinh doanh.
Tờ The Guardian cho biết tổng đầu tư của thị trường bất động sản Trung Quốc chiếm tới 12-15% GDP của nước này trong giai đoạn 2011-2018. Con số này cao hơn rất nhiều so với 7% GDP giai đoạn đỉnh cao năm 2005 tại Mỹ trước khi khủng hoảng xảy ra.
Tồi tệ hơn, nếu tính cả các hoạt động đầu cơ làm giá thì con số trên có thể lên đến 30% GDP.
Với lượng tiền đổ vào bất động sản quá lớn như vậy, chẳng có gì khó hiểu khi Trung Quốc vượt Mỹ về tổng giá trị tài sản nắm giữ khi giá nhà lên cao.
Theo The Guardian, Trung Quốc đang có ít nhất 65 triệu căn hộ trống vì tình trạng đầu cơ và mô hình mua để cho thuê (Buy to Let) như ở Phương Tây khó áp dụng tại đây. Lợi suất cho thuê thường vào khoảng 2% giá nhà tại Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với lãi suất mua nhà thế chấp (Mortage) 5,4%.
Nói một cách đơn giản là tiền thuê nhà không đủ để thanh toán lãi suất vay ngân hàng để mua bất động sản. Như vậy nhà đầu cơ Trung Quốc thuần túy chỉ mua để chờ giá lên rồi bán, qua đó tạo nên những "thành phố ma" không người ở.
Thế nhưng nếu găm quá nhiều tiền vào những "thành phố ma" chẳng có ai ở như vậy, Trung Quốc liệu còn bao nhiêu tiền để đầu tư phát triển các mảng khác? Và rồi khi bóng bóng đổ vỡ, họ sẽ lấy tiền đâu để bù đắp khủng hoảng?
*Nguồn: The Guardian
Doanh nghiệp và tiếp thị