MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con được xét tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương, bà mẹ chỉ ra điểm mấu chốt giúp học sinh đặt chân vào ngôi trường danh giá này

18-10-2020 - 14:59 PM | Sống

Một điều mà nhiều người đang hiểu nhầm, đó là cứ có IELTS là được tuyển thẳng. Sai! Nó thực chất chỉ là 1 điều kiện cần và ngoài ra còn một mớ điều kiện khác.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn. 

Chị Nguyễn Thị Thanh Hải là tác giả cuốn sách Cùng con bước qua các kỳ thi. Chị có con từng học chuyên Anh, trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội và mới đây được tuyển thẳng vào trường Đại học Ngoại thương.

Dựa trên những kinh nghiệm của bản thân, chị Hải đã đưa ra những lời chia sẻ đến đối tượng là học sinh chuyên cách để được xét tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương (Foreign Trade University - FTU).

Con được xét tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương, bà mẹ chỉ ra điểm mấu chốt giúp học sinh đặt chân vào ngôi trường danh giá này - Ảnh 1.

Đại học Ngoại thương - Ngôi trường mơ ước của nhiều học sinh, sinh viên.

Theo chị Hải: FTU cũng như ngành giáo dục, mỗi năm có một chính sách tuyển sinh nên không thể nghĩ năm sau chính sách "bê y nguyên" năm trước. Tuyển sinh năm sau thường kế thừa những cái hợp lý gần giống như năm trước nên thông tin chị chia sẻ về năm nay chỉ mang tính tham khảo, không phải đúng 100% cho năm tới.

Tuy nhiên để đồng hành cùng con vào các trường ĐH top đầu trong nước thì nhiệm vụ của bố mẹ là phải theo sát các thông tin về giáo dục nói chung và tuyển sinh đại học nói riêng. Nhiều khi phụ huynh phải tham gia các hội thảo, tìm hiểu thông tin còn nhiều hơn cả con.

Dưới đây là chia sẻ của chị Hải:

Có 3 đối tượng được xét tuyển thẳng với Đại học Ngoại thương với các điều kiện: Học sinh được giải quốc gia, Học sinh trường chuyên điểm cao + IELTS 6.5++; và học sinh trường không chuyên. Nhưng đối tượng xét tuyển nhiều nhất là học sinh trường chuyên với điểm trung bình môn 5 kỳ học cao và học sinh chuyên có IELTS.

Con gái mình là học sinh chuyên Anh trường chuyên Nguyễn Huệ. Vừa qua cháu được xét tuyển thẳng hệ tiên tiến FTU nhờ đủ điều kiện học sinh chuyên + điểm trung bình môn cao + IELTS 7.5. Trong bài viết này mình tập trung phân tích cho đối tượng là học sinh trường chuyên.

Con được xét tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương, bà mẹ chỉ ra điểm mấu chốt giúp học sinh đặt chân vào ngôi trường danh giá này - Ảnh 2.

+ Đối tượng học sinh chuyên: Học sinh các trường chuyên cả nước: Chuyên ngoại ngữ, chuyên Toán, Văn, Lý, Hóa với điểm trung bình môn trên 8,5; 9,0 và chứng chỉ IELTS trên 6.5++.

- Nếu là học sinh giỏi các khối chuyên trên nhưng không có chứng chỉ IELTS thì phải có điểm trung bình 5 kỳ học từ lớp 10 - 12 của 3 môn: Toán + 2 trong 3 môn Văn, Lý, Hóa phải trên 9,0.

- Nếu là học sinh giỏi các khối chuyên có IELTS thì điểm phẩy thấp hơn 1 chút. Đó là có thể đạt vòng nộp hồ sơ ở mức điểm trung bình môn 8,5. Vì vậy học sinh cần cố đạt điểm phẩy càng cao càng tốt bởi FTU xét tuyển từ trên xuống đến khi đủ chỉ tiêu. Ngoài ra nên có IELTS 6.5++ để "chắc chân" xét tuyển mọi phương thức khác nhau, nhằm tăng cơ hội đỗ.

Cách đây 3 năm (2018), khi con đỗ chuyên Anh - của trường THPT chuyên Nguyễn Huệ, mình đã tìm hiểu chính sách tuyển sinh. Lúc đó mình chỉ biết khối ngành kinh tế có ĐH Ngân hàng và Học viện Tài chính ưu tiên xét tuyển thẳng với học sinh chuyên + 3 năm học sinh giỏi. Còn FTU chưa tuyển thẳng đối tượng này.

Sang năm 2019, lần đầu tiên trước kỳ thi đại học, khoảng tháng 3,4 thì FTU ra thông báo: Ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh được giải quốc gia và học sinh các trường chuyên trong cả nước. Ngay lập tức mình bàn với con và cả nhà về điều này. Còn mình có vẻ thờ ơ nhưng mình nhấn mạnh: "Đây là cơ hội đó. Vì FTU năm nào điểm chuẩn cũng cao ngất, thi thì may rủi. Chắc gì Văn được 9 điểm để mà tổng 3 môn đạt 27-28 điểm?".

- Năm 2019, lần đầu tiên xét tuyển thẳng của FTU nên tiêu chuẩn "vòng hồ sơ + xét tuyển" dễ thở hơn một chút. Cụ thể như sau: Học sinh chuyên Ngoại ngữ, Toán, Văn, Lý Hóa (FTU không tính chuyên Sử, Địa) + học sinh giỏi 3 năm + môn Toán và 2 trong số các môn Văn, Lý, Hóa phải có điểm tổng kết trên 8,5 trong các năm THPT.

Con được xét tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương, bà mẹ chỉ ra điểm mấu chốt giúp học sinh đặt chân vào ngôi trường danh giá này - Ảnh 3.

Năm 2019, FTU ra thông báo: Ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh được giải quốc gia và học sinh các trường chuyên trong cả nước.

Mình có tìm mọi mối liên hệ, điện thoại, tra web để xem năm 2019 xét tuyển như thế nào thì được biết 100% học sinh đạt hồ sơ, nghĩa là qua "vòng hồ sơ" là được xét tuyển thẳng vào trường. Các cán bộ, giáo viên trường FTU mình hỏi đều nói thế.

Năm đó con mình bắt đầu vào lớp 11. Nhìn lại điểm phẩy trung bình lớp 10 con được 8,9 với môn Toán gần 9,0; Văn 8,4, Hóa 8,9 mình thấy có chút hy vọng. Mình nói con phải cố đạt điểm trung bình GPA lớp 11, 12 thật cao để có hy vọng xét tuyển FTU trong 2 năm tới, nghĩa là năm học 2020.

- Năm 2020 là năm học mà dịch Covid-19 xảy ra và mọi sự khó khăn bắt đầu. Do nghỉ học tránh dịch nên năm học kết thúc muộn. Mình chờ mãi quyết định tuyển sinh của FTU thì mãi tháng 5 mới thấy. Mừng quá, quyết định gần giống năm 2019, nghĩa là học sinh chuyên + IELTS 6.5++ có nhiều cơ hội xét tuyển các hệ: Tiêu chuẩn, Chất lượng cao, Tiên tiến.

FTU năng động, quyết định chỉ tính GPA - điểm trung bình 5 kỳ của 3 năm học, bỏ qua kỳ 6 lớp 12 do nghỉ vì dịch Covid-19, thi muộn, trường không chờ. Nhưng lúc đó, FTU còn tính đến cả phương án cho học sinh thi đánh giá năng lực của ĐHQG.

Con được xét tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương, bà mẹ chỉ ra điểm mấu chốt giúp học sinh đặt chân vào ngôi trường danh giá này - Ảnh 4.

Tuy mừng nhưng mình có nhiều nỗi lo. Bởi mình dự đoán nhiều học sinh Chuyên Hà Nội Amsterdam, Chuyên Ngoại ngữ và các trường chuyên cả nước có ý định du học và đã nhận học bổng sẽ hoãn đi bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các em này vì thế sẽ ở lại nước, tham gia xét tuyển đại học top đầu như FTU. Quả như dự đoán, hồ sơ xét tuyển FTU nhiều vô kể: Toàn học sinh được giải quốc gia, học sinh chuyên + học sinh chuyên có IELTS.

Vì vậy, kết quả xét tuyển không dễ như năm 2019. Nhiều học sinh chuyên + IELTS vẫn trượt do điểm tổng kết và điểm IELTS không cao. Nghĩa là muốn chắc chân đỗ, học sinh phải có điểm trung bình 3 môn xét 9,0 trở lên dù "điều kiện đủ" chỉ là 8,5. IELTS nói là 6.5, nhưng kỳ thực phải là 7.0 mà tốt nhất là 7.5 trở lên mới chắc đỗ các ngành kinh tế, tài chính, logistic,... của FTU năm học 2020.

Với kinh nghiệm theo sát chính sách tuyển thẳng FTU trong 2 năm qua, mình đúc rút ra:

Muốn vào ĐH Ngoại thương một cách "an toàn, nhàn hạ" một chút, không phải lo thi 3 môn điểm toàn 9, 10 như năm nay thì học sinh trường chuyên phải chuẩn bị những yếu tố sau:

- Điểm trung bình từng môn học chính là 8,0 tốt nhất đạt 9,0 trở lên.

- IELTS 6.5 nhưng tốt nhất phải đạt 7.0 - 7.5+++.

Còn học sinh không thuộc trường chuyên thì điểm trung bình môn Toán, Văn, Lý, Hóa... phải trên 9,0 + IELTS càng cao càng tốt. Như vậy mới có cơ hội đặt chân vào FTU.

Một điều mà nhiều người đang hiểu nhầm, đó là cứ có IELTS là được tuyển thẳng. Sai! Nó thực chất chỉ là 1 điều kiện cần và ngoài ra còn một mớ điều kiện khác như mình đã nói ở trên. Tiếng Anh quy đổi chỉ thay được 1 môn tiếng Anh mà thôi.

Con mình may mắn được tuyển thẳng hệ tiên tiến FTU. Nhưng khi đăng ký ngành xét tuyển cũng phải cân não, chọn đúng ngành vừa điểm. Chỉ đến khi được trường chọn gọi nhập học mới thực sự là an tâm trúng tuyển. Thực chất, chỉ thiếu mỗi bài luận tiếng Anh thôi chứ các điều kiện chứng minh hồ sơ của FTU khó chẳng kém nộp hồ sơ du học.

Con được xét tuyển thẳng vào Đại học Ngoại thương, bà mẹ chỉ ra điểm mấu chốt giúp học sinh đặt chân vào ngôi trường danh giá này - Ảnh 6.

Năm nay xét tuyển thẳng FTU khó hơn hẳn năm trước do nhiều học sinh không du học mà chọn ở lại học. Chính vì vậy các đại học top đầu như FTU, Bách Khoa có điểm xét tuyển cao hơn. Mỗi năm học sinh cần có một chiến thuật học hành, thi cử. Năm tới các em có khi vẫn phải ra "lò" luyện thi 3 môn vì nhỡ đâu năm tới FTU lại tổ chức thi đánh giá năng lực, tư duy như Đại học Quốc gia, Đại học Bách Khoa.

Xin nói lại, đây là kinh nghiệm đúc rút từ 2 năm 2019 và 2020 của mình, không phải năm 2021 FTU sẽ ra quyết định y như thế. Vậy nên phụ huynh và học sinh cứ tham khảo và hãy học hết mình + luyện IELTS hết sức sao cho điểm càng cao càng tốt. Và điều quan trọng nhất là phụ huynh không nên chủ quan, có cơ hội là phải nắm bắt.

Theo Thanh Hương

Pháp luật và Bạn đọc

Trở lên trên