MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con gái không bao giờ có mặt trong bức ảnh lớp, mẹ nhẹ nhàng nói 1 câu với cô giáo mà được nhận xét: EQ cao quá!

04-11-2023 - 08:05 AM | Sống

Phương pháp giao tiếp của bà mẹ này thực sự rất đáng học hỏi.

Nhiều người hay nói đùa, giáo viên mẫu giáo sẽ kiêm luôn cả "nhiếp ảnh gia". Các cô thường xuyên chụp ảnh cuộc sống thường ngày của các em, sau đó gửi cho nhóm phụ huynh. Mục đích là để phụ huynh hiểu rõ việc học tập và hoạt động của con em mình ở trường, giúp cha mẹ yên tâm hơn.

Làm "nhiếp ảnh gia" ở trường mẫu giáo cũng cần có kỹ năng. Ví dụ về cơ bản bạn phải chú ý chụp ảnh tất cả các học sinh, nếu không sẽ dễ khiến phụ huynh phật lòng, nghĩ giáo viên có điều gì không hài lòng với con mình. Câu chuyện của bà mẹ dưới đây là một trường hợp như thế.

Tiểu Thần (Trung Quốc) mới đi học 3 tháng. Khoảng thời gian đầu con làm quen môi trường mới, chị Lý - mẹ của em không khỏi thấy lo lắng. Bà mẹ "canh" camera suốt ngày để nhìn con ăn uống, vui chơi. Bên cạnh đó, chị cũng hóng từng chiếc ảnh cô giáo cập nhật vào nhóm chung. Nhưng thật bất ngờ, suốt nhiều tuần, dù soi "nổ cả mắt", chị Lý vẫn không thấy con xuất hiện trong bất kì chiếc ảnh nào. Chị để ý thấy nhiều em trong lớp lại xuất hiện liên tục. Rõ ràng cô giáo đã không công bằng hoặc có sự vô ý.

Chị khá bối rối: Có phải vì đứa trẻ không thích nghi với cuộc sống ở trường mẫu giáo và luôn khóc không? Con không "ăn ảnh" hoặc không chịu chụp hình, hay con không chịu tạo dáng? Chuyện tưởng nhỏ nhưng khiến bà mẹ này suy nghĩ mãi. Dù lý do là gì thì đó cũng không phải là điều chị mong muốn.

Con gái không bao giờ có mặt trong bức ảnh lớp, mẹ nhẹ nhàng nói 1 câu với cô giáo mà được nhận xét: EQ cao quá! - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cha mẹ nào cũng mong muốn con mình được thầy cô yêu mến và trải qua quãng thời gian hạnh phúc ở trường mẫu giáo. Vì vậy, bà mẹ tuy lo lắng nhưng vẫn cố giữ bình tĩnh. Chị quyết định chờ đợi.

Khi giáo viên đăng một bức ảnh khác, chị liền nhắn trong nhóm phụ huynh: "Tiểu Thần luôn nói rằng cô Lưu là người chụp những bức ảnh đẹp nhất. Cô có thể chụp thêm ảnh cho các em được không? Tiểu Thần chắc chắn sẽ thích lắm. Mẹ cảm ơn cô".

Mẹ của Tiểu Thần chỉ trong một câu đã thể hiện trí thông minh cảm xúc cao của mình. Cô Lưu cũng hiểu ý, chẳng bao lâu sau, Tiểu Thần đã có vài bức ảnh cận cảnh, sau này cũng thường xuyên xuất hiện trong ảnh chung.

So với một số phụ huynh bất mãn, trách trời đất, giáo viên... thì phương pháp giao tiếp của mẹ Tiểu Thần thực sự rất tốt.

Giao tiếp với giáo viên thế nào là phù hợp?

Khả năng giao tiếp hài hòa với giáo viên cũng là một phương tiện quan trọng để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của trẻ. Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:

Tôn trọng là điều kiện tiên quyết

Chỉ khi cha mẹ tôn trọng giáo viên thì con cái có sự yêu mến, quý trọng thầy cô. Ngược lại, trẻ cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ thái độ của cha mẹ, giáo viên sẽ rất khó giáo dục học sinh nên người.

Thứ hai, giao tiếp với giáo viên nhớ chọn thời điểm thích hợp

Ngày nay việc liên lạc thuận tiện hơn, bạn có thể liên lạc trong nhóm phụ huynh hoặc gọi điện cho giáo viên. Nhưng phụ huynh trước tiên nên xác định thời gian phù hợp. Ví dụ như trong giờ làm việc bạn có thể gọi điện để hỏi thăm về con cái, đây cũng là một phần công việc của giáo viên. Cố gắng đừng gây phiền toái bằng cách làm phiền giáo viên trong giờ nghỉ trưa hoặc vào đêm khuya.

Thứ ba, bạn có thể chuẩn bị trước và diễn đạt ý mình một cách rõ ràng

Thời gian của thầy cô cũng rất quý giá, khi phụ huynh muốn trao đổi phải chuẩn bị trước, sắp xếp các vấn đề, mục tiêu muốn trao đổi. Chúng ta nên làm rõ ý kiến, diễn đạt bằng ngôn ngữ ngắn gọn, rõ ràng, nếu gặp khó khăn cần thầy giúp đỡ thì tốt nhất nên có một số ví dụ để chứng minh.

Tất nhiên, khi giao tiếp với giáo viên, đừng lúc nào cũng phàn nàn, lấn lướt. Thay vào đó, bạn chân thành, kiên nhẫn lắng nghe sự hướng dẫn, tiếp thu những gợi ý của giáo viên, tôn trọng kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm phong phú của họ. Từ đó, cùng tìm giải pháp khắc phục vấn đề càng sớm càng tốt.

Cuối cùng, luôn duy trì thái độ trung thực, thấu hiểu và biết ơn sẽ mang lại kết quả tốt hơn

Cha mẹ và giáo viên phải trao đổi một cách thẳng thắn và thấu hiểu. Chẳng hạn con học không tốt ở nhà nhưng phụ huynh không thừa nhận, hoặc con làm điều gì sai ở trường nhưng cha mẹ bất chấp, vẫn muốn bảo vệ con. Nếu mục tiêu của cha mẹ và giáo viên không nhất quán thì việc giáo dục trẻ sẽ khó đạt được kết quả tốt.

Chúng ta phải trung thực và thẳng thắn trong giao tiếp, khi gặp khó khăn thì phải bày tỏ thật lòng để được thầy cô giúp đỡ, hướng dẫn.

Tất nhiên, cha me cũng nên hiểu công việc của giáo viên. Họ không phải đối mặt với một mà là hàng chục đứa trẻ. Nếu thầy cô không thể đáp ứng mọi nhu cầu của bạn thì cũng phải ân cần và thấu hiểu. Một giáo viên sẵn sàng dành nhiều thời gian để thảo luận về những vấn đề của trẻ, chúng ta nên biết ơn và bày tỏ sự cảm kích của mình.

Theo Hiểu Đan

Phụ nữ mới

Trở lên trên