MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con sắp vào lớp 1, mẹ Hà Nội lập hẳn bảng tiêu chí chọn trường tiểu học cho con, kèm theo đó là so sánh cực chi tiết về chi phí

24-03-2021 - 20:38 PM | Sống

Con sắp vào lớp 1, mẹ Hà Nội lập hẳn bảng tiêu chí chọn trường tiểu học cho con, kèm theo đó là so sánh cực chi tiết về chi phí

Theo chị Châu, tiêu chí chọn trường trước hết cần quan tâm đến các yếu tố: quan điểm giáo dục hài hòa, chương trình học, ban giám hiệu và giáo viên,...

Con vào lớp 1 là giai đoạn khiến cha mẹ vô cùng đau đầu. Bởi tiểu học là "nấc thang" đầu tiên trên con đường học tập. Nếu ở cấp mầm non, trẻ còn có thể lười biếng, vô kỷ luật một chút thì cấp tiểu học sẽ cần nghiêm túc, nề nếp hơn rất nhiều.

Chọn trường cho con cũng không hề đơn giản. Bởi ngoài những yếu tố như gần nhà, học phí,... thì trường còn cần phải phù hợp với thiên hướng của con và định hướng của gia đình. Là một bà mẹ 2 con, chị Trần Minh Châu (sinh năm 1983, Hà Nội) cũng rất quan tâm đến các vấn đề giáo dục.

Con sắp vào lớp 1, mẹ Hà Nội lập hẳn bảng tiêu chí chọn trường tiểu học cho con, kèm theo đó là so sánh cực chi tiết về chi phí - Ảnh 1.

Chị Trần Minh Châu lập bảng tiêu chí chọn trường cho con.

Con thứ hai của chị sinh năm 2016, năm sau mới vào lớp 1. Tuy nhiên rút kinh nghiệm từ bé lớn, chị nhận ra việc chuyển cấp rất vất vả và bố mẹ cần phải chuẩn bị sớm trước 1 năm. Sau một hồi bàn bạc, vợ chồng chị Châu đã thống nhất và lập ra một bảng tiêu chí chọn trường với 5 yếu tố như sau:

Tiêu chí chọn trường 1: Quan điểm giáo dục hài hòa

Chị Châu nhận thấy, nhiều bố mẹ khi chọn trường cho con thường hỏi về: Chương trình tiếng Anh có nhiều tiết không? Học phí ra sao rồi so sánh học phí giữa các trường,... Cơ sở vật chất có đẹp, có mới không? Sân chơi có rộng không?

"Nhưng bố mẹ cứ phân tích thời khóa biểu của các con sẽ thấy: Trong 1 tuần các con có 40 tiết học thì thông thường sẽ có 12 tiết tiếng Việt, 4-5 tiết Toán, tổng cộng là 16-17 tiết. Trường nào nếu học 18-20 tiết tiếng Anh thì sẽ có nửa ngày chỉ học tiếng Anh.

Như vậy chỉ còn 4-6 tiết cho các môn và các hoạt động khác như thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, kỹ năng,... Trong khi đó cấp 1 là độ tuổi cần học và rèn nhiều kỹ năng. Chúng sẽ đồng hành cùng con suốt cả cuộc đời. Các con sẽ có 12 năm chỉ để học kiến thức, để học tiếng Anh. Nếu ngay từ lớp 1 con đã chỉ biết đến 3 môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh thì con sẽ chỉ biết học và học thôi", chị Châu phân tích.

Vì vậy, vợ chồng chị Châu thống nhất chọn trường cấp 1 cho con theo hướng học vừa phải, phát triển hài hòa toàn diện, không đi theo hướng học nặng hay chuyên. "Ở cấp 1, nếu con hình thành các kỹ năng tự học, có khả năng tập trung tốt thì sẽ là bước đà phát triển để lên cấp 2, 3.

Với cấp 2, 3, số lượng môn học và khối lượng kiến thức sẽ nhiều hơn. Lúc đó con cũng lớn hơn và bố mẹ không thể áp đặt như ở tiểu học. Những kỹ năng và quan trọng nhất là thái độ, việc yêu thích học của con ở cấp 1 sẽ là nền tảng theo con lên cấp 2, 3 sau này", chị Châu phân tích thêm.

Tiêu chí chọn trường 2: Chương trình học

Vợ chồng chị Châu quyết định chọn trường xây dựng chương trình học theo quan điểm giáo dục mà ban giám hiệu đã tuyên bố. Bởi một nhà trường với những nhà quản lý tốt sẽ thật sự xây dựng chương trình dựa trên những gì họ đã nói. Chương trình tập trung vào sự phát triển của học sinh thay vì tập trung vào nhu cầu của thị trường (vì nhu cầu của thị trường sẽ thay đổi thường xuyên). Trẻ học nhiều mà không cân bằng được thể chất và tinh thần sẽ rất dễ stress, chán học.

"Phụ huynh bây giờ thích con học nhiều tiếng Anh, thích trường to xịn,... Nhưng sau này ngoài tiếng Anh ra có thể cần thêm tiếng Hàn, tiếng Trung. Cơ sở vật chất đẹp nếu không bảo dưỡng tốt cũng sẽ xuống cấp rất nhanh. Còn chương trình học tốt, vừa phải, học sinh tiếp thu được, học vừa sức quan trọng hơn là học nhiều nhưng không chất lượng. (Học 20 tiết tiếng Anh nhưng hết lớp 1 con không hiểu nhiều do chương trình quá khó thì học 10 tiết để con học những thứ khác còn hơn). Không cần học nhiều mới tốt, mà học đúng cách, thích học mới hiệu quả", chị Châu nhận định.

Con sắp vào lớp 1, mẹ Hà Nội lập hẳn bảng tiêu chí chọn trường tiểu học cho con, kèm theo đó là so sánh cực chi tiết về chi phí - Ảnh 2.

Theo chị Châu, chương trình học là 1 trong những tiêu chí chọn trường rất quan trọng. (Ảnh minh họa)

Tiêu chí chọn trường 3: Ban giám hiệu và giáo viên

Chị Châu cho rằng, cha mẹ nên gặp trực tiếp Ban giám hiệu để xem có phù hợp hay không. Bởi Ban giám hiệu và giáo viên còn quan trọng hơn cả chương trình học và sách giáo khoa. Phương pháp dạy học, cách thầy cô ứng xử với con hàng ngày (cùng cách ứng xử của bố mẹ) sẽ góp phần định hình những thói quen và ứng xử tốt cho con.

Bà mẹ 8x cũng nhận thấy một điểm khá mâu thuẫn. Đó là khi ra trung tâm học thêm, khi thầy cô thay sách, tài liệu hàng ngày để phù hợp với con, để con tiến bộ thì bố mẹ vui vẻ nhưng ở trường nếu cô giáo làm như vậy bố mẹ lại rất lo. "Thực ra cô giáo nào điều chỉnh được tài liệu dạy học và không phụ thuộc vào sách mới là cô giáo giỏi", chị Châu chia sẻ.

Tiêu chí chọn trường 4: Mức độ cạnh tranh của trường và cách xét tuyển đầu vào

Bố mẹ nào cũng muốn chọn trường tốt nhất cho con. Nhưng làm sao biết được trường nào là trường tốt? Trường nào là trường không tốt? Hiện tại nhiều trường rất khó vào, tỉ lệ 1 chọi 10. Đây là đều là trường hot, trường tốt… Nhưng không có nghĩa các trường không tổ chức thi tuyển căng thẳng là những trường không tốt!

Theo tiêu chí chọn trường số 1, vợ chồng chị Châu chọn những trường không tổ chức thi để xem con biết trước những gì, thông qua 30 phút hoặc 1 tiếng hỏi đáp/ trải nghiệm. Vì 30, 60 hay thậm chí 120 phút cũng không đủ để đánh giá đứa trẻ. Nếu con có đủ thời gian để làm quen với cô, với bạn, được vui chơi và nhà trường/các cô đồng hành với con trong quá trình đó thì sẽ đưa ra những nhận định chính xác hơn nhiều.

Con sắp vào lớp 1, mẹ Hà Nội lập hẳn bảng tiêu chí chọn trường tiểu học cho con, kèm theo đó là so sánh cực chi tiết về chi phí - Ảnh 3.

Tiêu chí chọn trường số 5: Địa điểm học

Đây là tiêu chí rất quan trọng, vừa tiết kiệm chi phí cho bố mẹ (con đi xe bus sẽ mất thêm 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng). Nếu học gần nhà, bố mẹ có thể tự đưa con đi học. Trên đường, bố mẹ có thêm thời gian trò chuyện. Trong trường hợp thời tiết xấu thì đi học gần chắc chắn đỡ mệt hơn đi học xa.

Tuy nhiên nếu trường phù hợp với 4 tiêu chí trên thì bố mẹ có thể cân nhắc, chấp nhận cho con học trường xa một chút. Sau cả 5 tiêu chí trên, vợ chồng chị Châu mới xét đến các yếu tố khác như chương trình tiếng Anh, hoạt động ngoại khóa, cơ sở vật chất,...

Cuối cùng, vợ chồng chị Châu chọn ra 4 trường được đánh giá tốt ở khu vực Hà Đông. Sau một hồi sàng lọc, bà mẹ 8x chốt hai trường là Ban Mai và Thực Nghiệm Victory. Vợ chồng chị đến từng trường để tìm hiểu, chấm điểm và chốt chọn trường có điểm cao nhất. Cao nhất ở đây là sự đồng thuận của hai vợ chồng, không liên quan đến chất lượng giảng dạy.

Chị Châu cũng chia sẻ: "Marie Curie rất tốt và đây là trường mình thích nhất. Nhưng cơ sở 2 ở Hà Đông có vẻ còn nhiều tranh cãi về giáo viên và chất lượng. Đầu vào lớp 1 cạnh tranh cao, cơ hội con không được nhận lớn (trường tuyển 180 học sinh mà chỉ bán ra 360 hồ sơ). Ngoài ra trường hơi xa và ngược đường nên con sẽ phải đi xe bus và không được học CLB sau giờ.

Con sắp vào lớp 1, mẹ Hà Nội lập hẳn bảng tiêu chí chọn trường tiểu học cho con, kèm theo đó là so sánh cực chi tiết về chi phí - Ảnh 4.

Bảng so sánh các trường của chị Châu.

Newton 5 thì có thương hiệu Newton nhiều người khen, đầu vào không quá cạnh tranh nhưng trường ở khu Thanh Hà mới 2 năm, cũng bị xa và không tiện đưa đón. Theo bảng điểm thì vợ chồng mình ưng nhất là Ban Mai và Thực nghiệm Victory. Bạn bè, hàng xóm có con học ở hai trường cũng đều khen nhiều.

Cả hai trường Ban Mai và Thực nghiệm Victory đều gần nhà mình. Sáng bố mẹ đưa đi mất 5 phút đến trường, tiện đưa đón. Sau này con lớn tầm lớp 4 có thể cho tự đi xe đạp đi học (vì không phải đi qua đường)".

"Hai trường đều có Mầm non, nếu xin vào sớm để học chuyển cấp vào lớp 1 thì sẽ không lo cạnh tranh. Con quen trường, quen địa điểm trước hẳn 1 năm thì sau này đi học lớp 1 sẽ rất nhẹ nhàng.

Chương trình tiếng Anh tại Ban Mai có hệ Cambridge (Anh), Victory có hệ Song ngữ Mỹ theo chương trình Mỹ nên việc con được học nhiều tiếng Anh và sau này dùng được tiếng Anh là yên tâm. (Mình không kỳ vọng học chương trình Anh Mỹ gì cao siêu, đơn giản con học nhiều tiếng Anh là kiểu gì cũng nói được, cũng giỏi)", chị Châu chia sẻ thêm.

Con sắp vào lớp 1, mẹ Hà Nội lập hẳn bảng tiêu chí chọn trường tiểu học cho con, kèm theo đó là so sánh cực chi tiết về chi phí - Ảnh 5.

Tiểu học Ban Mai là một trong những trường đáp ứng tiêu chí chọn trường của chị Châu.

Con sắp vào lớp 1, mẹ Hà Nội lập hẳn bảng tiêu chí chọn trường tiểu học cho con, kèm theo đó là so sánh cực chi tiết về chi phí - Ảnh 6.

Trường Thực Nghiệm Victory.

Thứ 7 tuần vừa rồi, vợ chồng chị Châu đã dự hội thảo giới thiệu về trường. Qua buổi hội thảo, bà mẹ 8x thích cách dạy ở Thực nghiệm Victory vì hướng đến sự chủ động, tự lập của trẻ nhiều từ các hoạt động hàng ngày. "Trường thành lập được 7 năm, có ưu điểm nữa là chương trình tiền Tiểu học cho các bạn 5 tuổi mạnh vì dạy theo phương pháp công nghệ giáo dục của thầy Hồ Ngọc Đại.

Nếu chuyển sớm từ năm nay để học tiền Tiểu học thì năm sau được tuyển thẳng vào lớp 1. Hơn nữa nếu có xét vào lớp 1 thì học sinh không phải thi đầu vào mà thông qua một ngày trải nghiệm tại trường (Việc cho học sinh trải nghiệm một ngày rồi quyết định nhận chứ không thi cử căng thẳng theo mình là rất nhân văn. Điểm này cả Marie Curie và Victory đều tốt).

Chồng mình đi hội thảo Ban Mai cũng thấy thích vì trường đã ổn định hơn 10 năm. Nhưng so sánh bảng điểm thì hai trường chênh nhẹ nên đã quyết định chọn theo cách hai vợ chồng đã thống nhất (và không phải lăn tăn suy nghĩ, tranh cãi) là theo điểm số.

Sau hơn 1 tháng đọc biết bao bài post trên các group, rồi nhắn tin hỏi thăm phụ huynh các trường, đi dự hội thảo,... thì cả nhà cuối cùng cũng bớt được một nỗi lo vào năm sau. Không lo dậy sớm xếp hàng đăng ký hay đạp đổ cổng trường xin học cho con nữa, năm tới mình tập trung đi chơi thay vì ôn thi cho con như cách đây 6 năm", chị Châu chia sẻ.

Theo Thanh Hương

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên