MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn sốt đất nền tại Tp.HCM đang có dấu hiệu hạ nhiệt

24-05-2017 - 09:34 AM | Bất động sản

Cơn sốt đất nền tại các quận, huyện vùng ven TPHCM như: quận 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ đang có dấu hiệu giảm nhiệt, sau khi có sự vào cuộc của chính quyền địa phương.

Cảnh náo nhiệt giao dịch mua bán đất nền mà giới đầu cơ địa ốc khuấy đảo thị trường ở một số khu vực quận 9 như Đỗ Xuân Hợp, Lò Lu, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển...hiện đã hạ nhiệt, cảnh vắng lặng đã xuất hiện ở nhiều dự án. Không còn những tốp "cò đất" đứng đường vẫy chào khách như trước.

Đi sâu vào một số dự án trước đây được cho là có mức giao dịch "nóng" thì cũng chứng kiến cảnh không có một cò đất, hay khách hàng nào đến tìm hiểu thông tin mua đất nền.

"Cả một tuần này hầu như không nghe thông tin hay có bất kì một ai đến hỏi mua đất. Ngay cả văn phòng giao dịch của chúng tôi cũng phải đóng cửa vì không có việc gì làm. Nói là sốt đất chứ thực chất cũng lèo tèo vài ba khách hàng đến hỏi thông tin một đi không trở lại. Chủ yếu khách hàng tò mò muốn đến xem cơn sốt đất như thế nào, ngoài ra chỉ có một hai đầu nậu đang sở hữu vài ba miếng đất chưa bán ra được nên đẩy thông tin hơi quá chứ nhìn chung gần hai năm nay ở khu vực này rất ít giao dịch", ông Hòa - đại diện sàn giao dịch nhà đất Gia Hòa thông tin.

Tương tự, quay trở lại "điểm nóng" của cơn sốt đất dọc tuyến đường Lò Lu, cũng trở nên vắng vẻ. Trên trục đường này, ngoài một số dự án đã và đang xây dựng của Khang Điền, Nam Long, NHO... thì các dự án đất nền đã được phân lô vẫn đang là bãi thả chăn trâu, bò.

Theo một giám đốc sàn môi giới, giá đất nền tại khu vực này từ đầu năm 2016 đến nay không tăng mạnh, có những khu vực nằm mặt tiền đường hơi "nhích" lên 2-4 triệu đồng/m2 do ăn theo các dự án chung cư cao cấp đang xây dựng gần đấy. Song song đó, giá đất tại một số con hẻm sâu bắt đầu giảm mạnh khoảng 3-4 triệu đồng/m2.

Thay vì từ đầu năm 2017 giá đất ở vào tầm 24-26 triệu đồng/m2, thì nay sau khi Thành phố phát lệnh chấn chỉnh hoạt động mua bán đất nền, giá chào bán hiện còn 20-22 triệu đồng/m2, cao nhất là 25 triệu đồng/2 nhưng chưa có giao dịch nào được ghi nhận hơn một tuần nay.

Cũng tại "điểm nóng" sốt đất thuộc quận Thủ Đức, nhất là những địa điểm nằm giáp với tỉnh Bình Dương, giá đất cũng đang giảm. Dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng hiện có nhiều dự án đất nền/ nhà phố mặc dù cỏ dại mọc cao hơn đầu người, không có thông tin thời điểm triển khai xây dựng nhưng nhiều cò đất vẫn chào mời khách hàng rầm rộ.

Trong vai một người mua đất, chúng tôi được người bán chào bán với giảm khoảng 1-3 triệu đồng/m2 so với thời điểm gần một tháng trước. Theo đó, đầu năm 2017, một nền đất tại đây có diện tích 150m2 được chào bán 1,7-2 tỷ đồng tùy vị trí, nhưng hiện nay chỉ còn khoảng 1,5 tỷ đồng kèm theo nhiều chiết khấu và phần thưởng có giá trị nếu khách hàng đặc cọc mua từ 2 nền trở lên.

Một số điểm "nóng" đất nền trước đây khi có thông tin lên quận đã tăng chóng mặt như giá đất tại huyện Nhà Bè có nơi tăng từ 3 - 7 triệu đồng/m2 lên 17 triệu đồng/m2, rồi 25-30 triệu đồng/m2. Nay chỉ được chào bán chưa tới 12 triệu đồng/m2.

Tương tự, vào "tâm chấn" cơn sốt đất Củ Chi hiện nay không còn thấy cảnh nhiều băng rôn, tờ rơi treo đầy trên các cột điện hay hàng cây xanh, thay vào đó là cò đất đã lập "chốt" tại một số giao lộ để tiếp khách. Tuy nhiên, cảnh chèo kéo khách rầm rộ không còn diễn ra như thời điểm siêu dự án của "chúa đảo" Tuần Châu được tiết lộ, hiện giờ các môi giới chỉ tiếp khách hàng nào có nhu cầu tìm hiểu thông tin.

Một môi giới đang đóng tại đường Nguyễn Thị Rành (Củ Chi) cho biết giá đất ở đây đang xuống rất mạnh, vài tháng trước chỉ 3 triệu đồng/m2 được nâng lên khoảng 15-17 triệu đồng/m2, thì nay chỉ còn 5-7 triệu đồng/m2 đối với đất nông nghiệp và khoảng 12 triệu đồng/m2 đối với đất thổ cư nhưng mức giao dịch rất thấp.

"Ngay sau khi có thông tin bác bỏ các huyện lên quận thì rất nhiều “cò” đất bỗng dưng... biến mất. Nhiều “nhà đầu tư” cũng lao đao, ngay bản thân gia đình tôi cũng bán được cho “cò” 2 lô đất nhưng người mua lại thì khóc ròng vì lỗ gần 2 tỷ đồng”, môi giới này tiết lộ.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, thị trường bất động sản tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam trong những tháng đầu năm 2017 điểm nóng là phân khúc đất nền. Cụ thể, quận 9 và Nhơn Trạch. Trước đây, giá đất ở khu vực Nhơn Trạch chỉ khoảng 2 - 3 triệu đồng/m2 nhưng thời điểm gần đây có thể tăng lên 8 triệu đồng/m2.

TS. Đinh Thế Hiển cũng cho rằng tâm lý của nhà đầu tư đang rất thích phân khúc đất nền vì sự an toàn và chắc chắn, đất nền cũng có giới hạn.. chính những điểm này đã thu hút nhiều nhà đầu tư lao vào một cách bất chấp. Nhưng theo ông Hiển phân khúc này đang nhanh chóng hạ nhiệt vì dân đầu tư sẽ không bán hoặc cho thuê được vì nhu cầu cho thuê đối với nhà phố, đất nền sau xây dựng không cao. Đặc biệt, lúc này khách hàng đã nhận diện rất rõ "bộ mặt" thị trường đất nền tăng mạnh do đâu nên sẽ không lao theo mà chờ đợi để mua đúng giá trị thật.

Phân tích nguyên nhân gây nên cơn sốt đất, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhận định: Lý do thứ nhất là do các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của TP triển khai đồng bộ, xây dựng rất tốt, làm cho đời sống người dân tốt hơn. Điều này đã tác động đến giá cả đất đai của khu vực lân cận.

Thứ hai, một số thông tin về dự án cụ thể ở huyện Cần Giờ, Củ Chi vừa qua xuất hiện trên truyền thông, cũng là một yếu tố gây sốt đất.

Thứ ba, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân TP, UBND TP, năm 2016 Sở Quy hoạch - Kiến trúc cùng các quận huyện đã rà soát, điều chỉnh lại những quy hoạch bất cập, tức là những dự án “treo” lâu năm không triển khai được, làm ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Khu đất bị quy hoạch “treo” sau khi điều chỉnh quy hoạch thì trở về giá trị thật.

Thứ tư là có sự tác động của những trường hợp đầu cơ, thổi phồng nhằm trục lợi bất chính.

Về biện pháp xử lý, theo ông Lê Văn Khoa, biện pháp đầu tiên là công khai kế hoạch sử dụng đất, công khai quy hoạch của tất cả các quận huyện, phường xã. Về hình thức công khai, phải vận dụng cho người dân hiểu một cách chính xác nhất.

“Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần chỉ đạo quận Thủ Đức quận 12, tạo ra một phần mềm sử dụng được bằng điện thoại để bất cứ người dân nào cũng đều biết rằng thửa đất đó, khu vực đó quy hoạch thế nào, không cần phải lên phường, quận để kiểm tra. Sản phẩm phần mềm này vừa chính xác, vừa nhanh. Từ nay đến cuối năm phải hoàn thành phần mềm này”, ông Lê Văn Khoa yêu cầu.

Gia Khang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên