MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn sốt giá bất động sản nguy hiểm đang lan ra khắp Trung Quốc

21-09-2017 - 15:57 PM | Tài chính quốc tế

Công ty chứng khoán Ping An dự báo trong trường hợp bong bóng bất động sản vỡ, khoảng 40% ngân hàng Trung Quốc sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề.

Trong năm vừa qua, giá nhà đất tại thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải – Trung Quốc tăng đến hai con số, chính quyền hai thành phố này buộc phải thắt chặt chính sách tiền tệ.

Tuy nhiên, cũng có thể đã quá muộn để chính phủ Trung Quốc có thể ngăn cơn sốt giá bất động sản lan rộng, hiện nay, giá bất động sản tại nhiều thành phố khác của Trung Quốc đã và đang tăng nhanh.

Theo Bloomberg, số liệu mới nhất về các thành phố của Trung Quốc cho thấy trong số 70 thành phố của Trung Quốc, 10 thành phố bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân, Tây An, Trịnh Châu, Thành Đô, Ôn Châu, Quảng Châu, Thâm Quyến, Hải Khẩu đang đối diện với rủi ro giá bất động sản tăng nhanh, tuy nhiên ở những mức độ khác nhau.

Dù vậy mức độ tăng ở mỗi thành phố khác nhau tùy thuộc vào tăng trưởng dân số, mức tăng thu nhập người dân và tỷ lệ chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập người dân.

Ví như tại Thượng Hải và Bắc Kinh, tốc độ tăng trưởng dân số thấp, mức lương người dân tăng chậm, giá nhà cao; hai thành phố này đối diện với nhiều rủi ro trong lĩnh vực bất động sản. Vì lý do đó, các biện pháp thắt chặt tín dụng bất động sản tại các thành phố này cũng chặt chẽ hơn.

Chính quyền của hai thành phố lớn này đều đã và đang có kế hoạch hạn chế bớt tốc độ tăng dân số, giảm tắc nghẽn giao thông nội đô và ô nhiễm không khí. Hiện Bắc Kinh và Thượng Hải đều có dân số hơn 20 triệu người.

Với Quảng Châu và Thâm Quyến, tỷ lệ dân số nhập cư vào thành phố thấp hơn và tốc độ tăng lương cao, rủi ro trong lĩnh vực bất động sản thấp hơn.

Các thành phố quy mô nhỏ hơn đối diện với nhiều rủi ro lớn hơn. Thành phố Hải Khẩu với mức tăng trưởng dân số thấp và tăng trưởng mức lương thấp, đối diện với rủi ro lớn trong lĩnh vực bất động sản.

Lý do bởi với các yếu tố không mấy hỗ trợ làm tăng nhu cầu nhà ở nhưng tăng trưởng tín dụng tại các thành phố này lại lên rất cao. Tiền đổ vào bất động sản của thành phố chủ yếu đến từ các nhà đầu tư từ nơi khác.

Theo phân tích đó, các thành phố nhỏ hơn trong danh sách trên đối diện với rủi ro cao trong lĩnh vực bất động sản, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng chuyên các vấn đề Trung Quốc tại công ty chứng khoán Nomura, ông Zhao Yang.

Ngoại lệ duy nhất trong nhóm thành phố trên chính là Ôn Châu, thành phố tập trung của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Trung Quốc, sản xuất đủ loại sản phẩm từ giầy cho đến bật lửa.

Tín dụng của thành phố không tăng trưởng quá nhanh như nhiều thành phố khác, có lẽ chính quyền thành phố cũng đã rút được ít nhiều kinh nghiệm từ sau khi bong bóng bất động sản vỡ vào năm 2012.

Công ty chứng khoán Ping An dự báo trong trưởng hợp bong bóng bất động sản vỡ, khoảng 40% ngân hàng Trung Quốc sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề.

Với tỷ lệ thanh toán bắt buộc 20% cho ngôi nhà thứ nhất và 70% cho ngôi nhà thứ hai, tỷ lệ vay nợ của nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc vẫn an toàn hơn rất nhiều so với Mỹ thời khủng hoảng tài chính trước đây hoặc Nhật thập niên 1980, theo nhận định của Tổ chức Xếp hạng tín dụng quốc tế China Chengxin.

Chính vì vậy, dù có lý do để lo lắng về thị trường bất động sản Trung Quốc nhưng không phải mọi chuyện đã quá tồi tệ đến mức thành khủng hoảng.

Theo Trung Mến

BizLIVE

Trở lên trên