MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơn "sốt" giá hàng hóa chuyển từ kim loại sang năng lượng

01-07-2021 - 20:29 PM | Thị trường

Cơn "sốt" giá hàng hóa chuyển từ kim loại sang năng lượng

Cơn "sốt" giá hàng hóa đang có xu hướng chuyển dịch từ nhóm kim loại sang nhóm năng lượng, như dầu thô, khí đốt và than đá.

Trong tháng 6/2021, giá than đá tăng mạnh, trên 18%, trong khi giá khí đốt tăng 21% và dầu tăng khoảng 7%. Tính từ đầu năm tới nay, cả 3 mặt hàng này đều tăng trên 45%, trong đó than đá tăng tới 60%.

Cơn sốt giá hàng hóa chuyển từ kim loại sang năng lượng - Ảnh 1.

Giá các loại năng lượng năm nay đều tăng mạnh

Giá dầu mỏ đang tăng mạnh mẽ. So sánh trong tháng 6, quý II cũng như 6 tháng đầu năm giá đều tăng trong bối cảnh nhu cầu hồi phục mạnh khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19 và tồn trữ dầu thô sụt giảm.

Kết thúc phiên 30/6, giá dầu Brent kỳ hạn tháng 8 (đáo hạn vào ngày 30/6) đạt 75,13 USD/thùng, dầu Brent kỳ hạn tháng 9 đạt 74,62 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) đạt 73,47 USD/thùng.

Tính chung trong tháng 6, giá dầu Bent tăng hơn 8%, trong khi dầu WTI tăng hơn 10%, là tháng tăng thứ 7 trong vòng 8 tháng vừa qua. Mức tăng giá dầu trong 6 tháng đầu năm nay là cao nhất kể từ 2009.

Trong khi đó, Saudi Arabia dự kiến sẽ nâng giá bán dầu chính thức cho châu Á trong tháng 8 tới, là tháng tăng thứ 2 liên tiếp. Theo đó, dự kiến giá dầu Arab Light sẽ tăng thêm 65 US cent so với mức giá tháng 7.

Trong nước, giá xăng dầu cũng được điều chỉnh tăng liên tiếp theo xu hướng giá thế giới. Mới đây nhất, ngày 26/6, giá xăng dầu được điều chỉnh lên mức cao nhất trong vòng một năm rưỡi. Theo đó, giá xăng RON 95 được điều chỉnh tăng 752 đồng/lít lên 20.916 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 712 đồng/lít lên 19.760 đồng/lít.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cho biết nhu cầu dầu sẽ hồi phục mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021, với lượng tồn trữ giảm mạnh, mặc dù virus Covid-19 biến thể có thể cản trở đà hồi phục nhu cầu dầu.

OPEC cho biết số liệu sơ bộ cho thấy tồn kho dầu ở các nền kinh tế công nghiệp hóa thuộc OECD trong tháng 5 đã giảm xuống thấp hơn so với tồn kho ở giai đoạn 2015 - 20219. Được biết, mục tiêu của nhóm này là đưa lượng tồn kho về mức trung bình của 5 năm qua.

Tồn trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 6 tuần liên tiếp tính đến tuần kết thúc vào ngày 26/6, khi các nhà máy lọc dầu gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu tăng mạnh khi vào mùa Hè - mùa di chuyển của người dân. Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, lượng dầu tồn trữ tại Cushing, Oklahoma, điểm phân phối dầu WTI, đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2020.

Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates ở Houston, cho biết: "Với việc tồn trữ dầu thô ở Cushing tiếp tục giảm, giá dầu thô dự báo sẽ tăng thêm nữa. Thị trường đang cần thêm nhiều nguồn cung dầu hơn".

Cơn sốt giá hàng hóa chuyển từ kim loại sang năng lượng - Ảnh 2.

Dự báo nguồn cung dầu thế giới sẽ thiếu hụt trong năm nay

Tổng thư ký OPEC, ông Mohammad Barkindo, dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2021 sẽ tăng 6 triệu thùng/ngày, trong đó riêng nửa cuối năm nay sẽ tăng 5 triệu thùng/ngày.

Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng OPEC+ cần gia tăng sản xuất dầu mỏ để đưa thị trường về mức cân bằng vào năm 2022, khi rủi ro về nguồn cung sẽ xuất hiện ở một số nơi.

Theo Goldman Sachs: "Trong khi một làn sóng lây nhiễm mới lớn có thể làm chậm quá trình tái cân bằng thị trường, chúng tôi kỳ vọng OPEC + vẫn có chiến thuật trong việc tăng sản lượng".

Tuy nhiên, nhu cầu dầu mỏ đang hồi phục không đồng đều. Nhu cầu dầu đang hồi phục mạnh ở những thị trường tiêu thụ dầu chủ chốt, trong đó có Mỹ và Trung Quốc. Các khu vực châu Âu và Mỹ là những nơi ghi nhận tốc độ phục hồi nhanh nhất với nhu cầu xăng tại Mỹ vừa đạt mức cao nhất trong năm nay. Trái lại, sự hồi phục ở các nền kinh tế Châu Á khác có sự khác biệt rất lớn, trong đó nhu cầu ở Ấn Độ mới có dấu hiệu tăng, trong khi ở Đài Loan (Trung Quốc) và Malaysia vẫn chậm chạp.

Doanh số bán xăng và dầu diesel ở Ấn Độ đã phục hồi trong nửa đầu tháng 6/2021 sau khi làn sóng COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế vào tháng Năm. Hoạt động sử dụng xe trung bình hàng ngày của Ấn Độ đã tăng 39,3 điểm phần trăm tính từ đầu tháng 6 tới hiện tại so với cùng kỳ tháng trước.

Nhu cầu xăng dầu ở Thái Lan cũng đảo ngược đà giảm của tháng 5 với hoạt động sử dụng xe tại đây tăng 12,9 điểm phần trăm vào cùng giai đoạn. Tuy nhiên, ở những thị trường khác như Đài Loan, Malaysia…, hoạt động sử dụng xe tiếp tục chậm do các hạn chế đi lại để chống dịch.

Số liệu từ các kho dự trữ sản phẩm chưng cất nhẹ ở trung tâm phân phối của Singapore cho thấy tình trạng dư cung ngày càng tăng. Cụ thể, lượng dự trữ bao gồm các nhiên liệu như naphtha và xăng trong tuần qua đã đạt mức cao nhất trong 9 tuần là 14,2 triệu thùng. Nguyên nhân một phần do hoạt động xuất khẩu nhiên liệu từ Singapore đến các khu vực khác của Đông Nam Á như Malaysia đều giảm. Chuyên gia Wee của IHS cho rằng nhu cầu về xăng và dầu trong khu vực dự kiến sẽ tăng lên trong hai tháng tới khi các hạn chế về di chuyển được nới lỏng.

Ủy ban Kỹ thuật hỗn hợp của OPEC+ cảnh báo thị trường dầu có nguy cơ dư thừa kể từ sau tháng 4/2022, và tình trạng thiếu dầu hiện tại có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Kịch bản mà Ủy ban OPEC+ đưa ra là tồn kho dầu tại các nền kinh tế công nghiệp hóa của OECD trong quý 3 năm nay sẽ thấp hơn 96 triệu thùng so với mức trung bình của giai đoạn 2015-2019, và quý 4 sẽ thấp hơn 125 triệu thùng so với giai đoạn đó.

Cơn sốt giá hàng hóa chuyển từ kim loại sang năng lượng - Ảnh 3.

Dự báo về mức tồn trữ dầu thương phẩm của OECD

Cho đến hiện tại, Ủy ban của OPEC+ vẫn dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay sẽ là 6 triệu thùng/ngày, nhưng cho biết có những rủi ro dẫn tới khả năng giảm xuống.

Tham khảo: Reuters, Bloomberg

Vũ Ngọc Diệp

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên