Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự chia sẻ của ngành ngân hàng
Các ngân hàng đã thắt lưng buộc bụng để hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ với tổng giá trị hơn 600.000 tỷ đồng...
- 09-05-2020Thống đốc Lê Minh Hưng: Việc cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi áp dụng cho tất cả các ngành nghề
- 09-05-2020Shark Đặng Hồng Anh: Cần có trần lãi suất dài hạn tiền gửi trên một năm khoảng 5%/năm
- 09-05-2020Chủ tịch HĐQT VietinBank: Ngân hàng sẽ dành 3.000-4.000 tỷ đồng từ cắt giảm lợi nhuận để hỗ trợ lãi suất và giảm phí dịch vụ
Sáng nay ngày 9/5/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế" theo hình thức truyền hình trực tuyến và truyền hình trực tiếp.
Tại Hội nghị, các hiệp hội doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao ngành ngân hàng (NH) trong việc triển khai các giải pháp tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa ông Nguyễn Văn Thân cho biết các DNNVV đánh giá rất cao sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của Chính phủ với doanh nghiệp và người lao động. Cụ thể Chính phủ đã đưa ra nhiều gói hỗ trợ liên quan đến an sinh xã hội, tài khóa, điện và viễn thông.
"Đặc biệt, riêng ngành Ngân hàng, toàn hệ thống đã nhất quán chủ trương "thắt lưng buộc bụng" để hạ lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, gia hạn thời gian trả nợ v.v nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với tổng trị giá lên đến 600.000 tỷ đồng. Cho đến nay, ngành ngân hàng đã cấp mới cho hơn 354.000 khách hàng với tổng trị giá khoảng 165.000 tỷ đồng".
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cũng đưa ra một số kiến nghị, trong đó liên quan ngân hàng là cần tận dụng tiềm lực của các Quỹ tín dụng nhân dân như một giải pháp thêm nguồn cung cấp vốn cho nền kinh tế. "Chính phủ cần nhanh chóng tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ bảo lãnh tín dụng, đồng thời giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay".
Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ
Ông Đặng Hồng Anh – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ phát biểu tại Hội nghị: "Công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế, tôi mong Chính phủ cũng có quyết sách để doanh nghiệp, doanh nhân và người dân thán phục. Tôi rất cảm kích các giải pháp và chỉ đạo của NHNN trong thời gian vừa qua như giảm nợ, giảm lãi."
Ông Hồng Anh cũng có các kiến nghị trong đó liên quan đến ngân hàng là việc áp trần lãi suất huy động.
Cụ thể, Nhà nước đã có chỉ đạo như giãn nợ, giảm lãi trong thời gian vừa qua nhưng ông cho rằng, vấn đề căn cơ nhất là giá vốn của các ngân hàng. Theo ông, giá vốn đầu vào cao thì không thể nào cho vay với lãi suất thấp. Ngân hàng Nhà nước cũng đã có trần lãi suất tiền gửi 6 tháng là 6,75% nhưng các ngân hàng vì cần cạnh tranh huy động vốn nên lãi suất huy động trên một năm cũng rất cao. Do đó, ông Hồng Anh đề nghị cần có trần lãi suất dài hạn tiền gửi trên một năm khoảng 5%, và lũy tiến 0,5% thêm một năm nữa, để các ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ, hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam tại Hội nghị
Ông Lê Tiến Trường – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may trong khi đó cho rằng sự thành công trong giai đoạn cam go phòng chống dịch vừa rồi có 2 nguyên nhân chính.
Một là, việc kiểm soát tốt của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh lây lan. Tiếp đến là việc điều hành và quyết tâm của NHNN cùng toàn hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.
"Thông tư 01 của NHNN mở cửa cho các NHTM được làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp để hỗ trợ. Với nhiều chính sách tốt, đặc biệt là hệ thống của Vietcombank đồng hành với chúng tôi trong cả giảm lãi suất trực tiếp đối với tất cả các khoản đang vay nợ. Thứ hai là việc NH đồng hành cùng DN để cơ cấu theo tính chất vị trí trong chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi. Đối với những DN có khả năng phục hồi tốt thì được NH ưu tiên. Chúng tôi cho rằng đây là cách làm rất tốn thời gian của NH" - ông Trường phát biểu.
Ngành Ngân hàng cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong khuôn khổ Hội nghị, tại đầu cầu NHNN, toàn ngành NH đã tham dự để lắng nghe những ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp. Người đứng đầu ngành Ngân hàng đã đưa ra các cam kết đối với cộng đồng doanh nghiệp sẽ điều hành chính sách đi sát thực tế, phù hợp với nguyện vọng, kiến nghị của các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo cho sự phát triển bền vững, lâu dài của nền kinh tế.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị (nguồn TTXVN)
Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết: "Thời gian qua, ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm, chủ động, linh hoạt, từng bước tháo gỡ khó khăn cho khách hàng và đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng. Ngành NH cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, đồng thời, căn cứ nhu cầu vốn cho tăng trưởng, NHNN sẽ xem xét điều chỉnh tăng trưởng tín dụng cho các TCTD cao hơn so với kế hoạch từ đầu năm. NHNN một lần nữa xin khẳng định toàn hệ thống ngân hàng cam kết tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ."
Đại diện các ngân hàng thương mại, ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank phát biểu tại hội nghị cho biết, VietinBank cùng với các NHTM khẳng định và cam kết đáp ứng kịp thời, đầy đủ tất cả các nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng chính đáng, cần thiết của doanh nghiệp và người dân.
Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Vietinbank phát biểu tại điểm cầu NHNN
Đặc biệt, VietinBank và các NHTM Nhà nước luôn chủ động phát huy tốt vai trò là NHTM chủ lực, trụ cột của hệ thống, đi đầu trong việc thực hiện có kết quả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước.
Tại hội nghị, ông Lê Đức Thọ cũng đã đưa ra các đề xuất với cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ. Trong đó, Chủ tịch VietinBank đề nghị các doanh nghiệp cần triển khai xây dựng phương án, dự án thực sự khả thi. DN cũng cần phối hợp với ngân hàng để minh bạch tài chính, chứng minh khó khăn thiệt hại để đúng đối tượng hỗ trợ. Không để xảy ra trục lợi chính sách, đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội để cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực, minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở để xem xét thay thế các hình thức thế chấp tài sản khi vay vốn, chủ động thích ứng với biến động của thị trường.