MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công tác luân chuyển cán bộ ở Hà Nội: Thực tiễn từ một số địa bàn

31-07-2019 - 11:06 AM | Xã hội

Thời gian qua, Hà Nội được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố thực hiện hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ.

Việc điều động, luân chuyển không chỉ với mục tiêu tiếp tục đào tạo, tu dưỡng, thử thách cán bộ trong môi trường mới, có kiến thức thực tế để phát triển toàn diện, mà việc bộ bố trí đúng người, đúng việc, đúng vị trí còn giúp hóa giải những khúc mắc, phức tạp, nguy cơ hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự tại một số địa phương trên địa bàn thành phố.

Công tác luân chuyển cán bộ ở Hà Nội: Thực tiễn từ một số địa bàn - Ảnh 1.

Huyện Chương Mỹ, Hà Nội (Ảnh: Báo Congthuong.vn)

Xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ từng được biết đến là địa bàn phức tạp về vi phạm quản lý đất đai, trật tự xây dựng, sau dồn điền đổi thửa. Theo Kết luận của ngành chức năng thành phố Hà Nội, xã Văn Võ đã buông lỏng quản lý để hàng chục trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất; xây bờ bao, chuồng trại trên đất không phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhất là tại xóm Cấp Tiến, xóm 2-5, xóm Cộng Hòa. Cùng với đó là những “hợp đồng khống” giữa UBND xã đối với 11 trường hợp không có diện tích, không có sơ đồ mốc giới để các hộ dân tự ý lấn chiếm hàng nghìn m2 đất...

Xác định những sai phạm, khuyết điểm tại xã Văn Võ là do Ban Chấp hành Đảng bộ xã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện những tồn tại dẫn đến vi phạm kéo dài, tháng 9/2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ đã quyết định điều động, luân chuyển Bí thư huyện đoàn Chu Văn Khang về làm Bí thư xã Văn Võ.

Với sức trẻ, kinh nghiệm trong công tác phong trào và trên hết là trách nhiệm của người được giao đứng đầu cấp ủy, ông Chu Văn Khang đã sớm tháo gỡ những tồn tại và một năm sau, tình hình tại xã Văn Võ trở lại ổn định.

"Xã Văn Võ để xảy ra tình trạng đó là do trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, quản lý đất đai chưa có sự thống nhất cao. Sau khi chúng tôi tiếp nhận công việc, chúng tôi phải thống nhất xử lý vấn đề này. Từng bước có sự tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện các nhiệm vụ. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch để thực hiện, đặc biệt là để khắc phục các tồn tại, hạn chế. Yêu cầu là phải xử lý triệt để. Khi mà bà con có manh nha vi phạm là chúng tôi xử lý ngay", ông Chu Văn Khang nói.

Công tác luân chuyển cán bộ ở Hà Nội: Thực tiễn từ một số địa bàn - Ảnh 2.

Trụ sở UBND huyện Phú Xuyên, Hà Nội (ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Phú Xuyên)

Bảy năm trước, xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên cũng là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự mà nguyên nhân từ việc tranh chấp đất đai giữa người dân hai thôn Tư Sản và Lưu Thượng. Có thời điểm, có đến 400-500 người kéo đi giữa thôn này và thôn khác. Thực trạng này sẽ trở nên phức tạp nếu tình hình không kịp thời được tháo gỡ. Đánh giá nguyên nhân của vấn đề này là do cấp ủy cơ sở yếu kém, Huyện ủy Phú Xuyên đã thực hiện thay đổi người đứng đầu cấp ủy Đảng xã Phú Túc. Theo đó, Trưởng Ban dân vận Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa được điều động, luân chuyển làm Bí thư Đảng ủy xã Phú Túc.


Với năng lực, trọng trách với nhân dân và đặc biệt thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, sau gần 2 năm cùng ăn, cùng ở với cấp ủy, chính quyền và người dân Phú Túc, bà Phạm Hải Hoa đã hóa giải thành công những mâu thuẫn giữa người dân hai thôn Tư Sản - Lưu Thượng.

Chứng kiến những mâu thuẫn của người dân hai thôn Tư Sản và Lưu Thượng mà cấp ủy, chính quyền trước đó không hóa giải được và tình hình trở lại ổn định dưới sự dẫn dắt của người đứng đầu cấp ủy mới - bà Phạm Hải Hoa, ông Nguyễn Văn Đính, đảng viên lão thành cách mạng xã Phú Túc cho rằng, đó là một quyết định đúng đắn của Ban thường vụ huyện ủy Phú Xuyên trong công tác cán bộ.

"Đồng chí Hoa tuy là nữ, nhưng chỉ đạo rất sát, chịu đi xuống các thôn để nắm tình hình cụ thể, từng công việc. Giải quyết việc nào dứt điểm việc ấy. Cho nên sinh hoạt chính trị trở vào nề nếp, khuôn khổ, ổn định cả cách thức làm việc, giờ giấc. Làm cho phong trào của xã Phú Túc trở lại hoạt động bình thường, từ đó mới có ổn định như ngày hôm nay", ông Đính cho biết.

Cũng giống như ở xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ), xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên), những năm 2010-2015 phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp mà nguyên do là thiếu thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, thậm chí có hiện tượng cá nhân, chia rẽ, bè phái. Khi nội bộ thiếu đoàn kết, không vì mục tiêu chung nên nhiều kiến nghị, vấn đề dân sinh bức xúc cũng không được quan tâm giải quyết. Thực trạng này đã “đẩy” tình hình tại phường Trương Định thời điểm đó, có lúc “căng như sợi dây đàn”.

Trước nguy cơ tiềm ẩn, tình hình phức tạp tại phường Trương Định, Quận ủy Hai Bà Trưng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để củng cố lại tổ chức cơ sở đảng, đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất. Cùng với đó là thực hiện điều động, luân chuyển ông Nguyễn Hoành Dũng, Phó Chánh văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng tham gia Ban chấp hành Đảng bộ phường Trương Định, bầu chức danh Chủ tịch UBND phường.

Sau gần 2 năm đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu chính quyền (từ năm 2016 đến năm 2017), dưới sự lãnh đạo tập trung, đoàn kết của cấp ủy, chính quyền, với tinh thần làm việc công tâm, lấy lợi ích chung làm đầu, ông Nguyễn Hoành Dũng đã tạo được sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ, từng bước giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc, đưa phường Trương Định sớm ổn định tình hình.

Ông Trần Quyết Thắng - Trưởng Ban Tổ chức Quận ủy Hai Bà Trưng đánh giá: “Thời điểm từ năm 2016 đến nay, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Bí thư, nhất là đồng chí Chủ tịch phát huy rất tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Hiện nay không có câu chuyện mâu thuẫn nội bộ, hiện tượng bè phái, không còn đơn thư khiếu nại, không còn nổi cộm phức tạp. Tình hình chính trị rất ổn định, kinh tế phát triển, mọi chỉ tiêu đều hoàn thành”.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Đường Hoài Nam, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội cho biết, công tác điều động, luân chuyển cán bộ trên địa bàn thành phố, các quận huyện, thị xã, xã phường luôn được quan tâm thực hiện. Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết 15 về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội địa bàn xã, phường, thị trấn.

Từ thực tế xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ), xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) và phường Trương Đinh (quận Hai Bà Trưng), ông Đường Hoài Nam cho rằng, đó là những quyết định kịp thời, đúng đắn trong công tác cán bộ, giúp tháo gỡ “nút thắt” nguy cơ hình thành “điểm nóng”.

"Nếu như chúng ta không kịp thời kiện toàn, thay thế cán bộ ở những địa bàn có những vấn đề phức tạp mà chúng ta đã xác định có nguyên nhân từ cán bộ yếu kém, thì chắc chắn những vấn đề phức tạp như vậy sẽ còn tiếp tục, và tình hình ngày càng khó kiểm soát, thậm chí là mất vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền ở đó", ông Nam cho biết.

Xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ), xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) và phường Trương Định (quận Hai Bà Trưng) chỉ là 3 trong nhiều dẫn chứng về hiệu quả công tác điều động, luân chuyển cán bộ của Hà Nội. Môi trường mới, đúng người, đúng việc không chỉ giúp cán bộ cọ xát thực tiễn, hóa giải những khó khăn, vướng mà còn giúp họ trưởng thành, phát triển toàn diện. Bởi, không ít cán bộ sau khi được điều động, luân chuyển, nhất là tại các địa bàn được coi là phức tạp đã trưởng thành vượt bậc và được bổ nhiệm ở nhiều vị trí công tác mới cao hơn./.

“Kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong luân chuyển cán bộ“ VOV.VN - Ông Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Kiên quyết chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong công tác luân chuyển".

Theo Huy Nam

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên