MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công trình cấp bách đang ách tắc

07-03-2018 - 10:40 AM | Bất động sản

Hàng loạt công trình trọng điểm, cấp bách giải quyết ùn tắc giao thông, chống ngập cho TP HCM đang phải tạm ngưng thi công vì chờ bàn giao mặt bằng.

Những ngày qua, đi qua vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) thấy mảng xanh khá đẹp mắt ở khu vực vòng xoay, không còn hàng rào công trường nên nhiều người nhầm tưởng công trình đã hoàn thành.

Phải chờ mặt bằng

Thực ra, ở vòng xoay Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm này, nếu nhìn lên trên thì vẫn thấy một nhánh cầu vượt dang dở. Người dân cho biết công trình ngưng thi công đã khoảng 2 tháng. Vào giờ cao điểm, khu vực này thường xuyên diễn ra ùn tắc do lượng xe từ đường Nguyễn Kiệm về đường Nguyễn Thái Sơn vẫn phải đi theo vòng xoay.

Theo chủ đầu tư dự án công trình xây dựng cầu vượt vòng xoay Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn là Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP), công trình được đầu tư 504 tỉ đồng nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Cầu làm bằng thép, gồm 3 nhánh thì 2 nhánh đã hoàn thành và phát huy hiệu quả, riêng nhánh Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn vẫn phải chờ mặt bằng.

Công trình cấp bách đang ách tắc - Ảnh 1.

Dự án hầm chui An Sương đang chờ nhận mặt bằng để thi công nhánh N2

Theo tìm hiểu của phóng viên, với nhánh Nguyễn Kiệm - Nguyễn Thái Sơn thì phía đường Nguyễn Kiệm còn vướng mặt bằng của 50 hộ do chỉ được hỗ trợ 40% giá trị tài sản nên họ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Lãnh đạo UBND quận Gò Vấp cho biết về pháp lý nhà, đất của các hộ ở khu vực này hơi phức tạp, liên quan đến thời điểm tạo lập, qua nhiều thời kỳ nhưng về cơ bản thì quận đã truy cập được các vấn đề liên quan để báo cáo UBND TP. Hiện quận đã làm xong giá để áp cụ thể cho từng hộ, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Gò Vấp đang tham mưu quyết định bồi thường để làm cơ sở chi trả.

Đại diện UBND quận Gò Vấp cũng thông tin thêm là nếu theo phương án bồi thường ban đầu thì về lý thuyết sẽ có mặt bằng cho chủ đầu tư trong quý II. Tuy nhiên, quận cũng ghi nhận tâm tư của những người liên quan chính sách đền bù, hỗ trợ và đã tổng hợp, đề xuất UBND TP hỗ trợ thêm ngoài mức 40%, nếu TP đồng thuận thì tiến độ bồi thường có thể nhanh hơn.

Không thuận với phương án bồi thường

Một công trình khác vẫn đang chờ giải phóng mặt bằng là dự án xây dựng hầm chui An Sương. Dự án này thuộc diện cấp bách để giải quyết "điểm đen" về kẹt xe và tai nạn giao thông qua nút giao này. Hiện nhánh N1 thi công hạng mục máy bơm chống ngập, dự kiến hoàn thành trong tháng 3 và thông xe. Sau đó, chủ đầu tư sẽ khởi công luôn nhánh N2 nhưng cần giải tỏa hơn 40 hộ dọc Quốc lộ 22 (thuộc xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn). Tuy nhiên, những ngày đầu tháng 3, các công trình trên phần mặt bằng để thi công vẫn chưa có dấu hiệu được tháo dỡ, việc buôn bán vẫn diễn ra tấp nập.

Dù vậy, chủ đầu tư cho biết nhánh N2 dự án xây dựng hầm chui An Sương vẫn sẽ khởi công trong tháng 3 và thi công trước ở phía đường Trường Chinh (quận 12). Đồng thời, chủ đầu tư sẽ phối hợp địa phương bồi thường, hỗ trợ cho người dân để có mặt bằng thi công các hạng mục phía huyện Hóc Môn.

Cách thi công trước ở những phần không vướng mặt bằng cũng được chủ đầu tư giai đoạn 1 dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu áp dụng, trong đó có nhiều hạng mục dưới nước. Hiện nhiều hạng mục của dự án này trong tình cảnh "chờ" mặt bằng vì địa phương chưa bàn giao.

Đại diện Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group - chủ đầu tư giai đoạn 1 dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu) cho biết lời hứa với lãnh đạo TP vào đầu năm 2017 là sẽ cố gắng hoàn thành một số cống ngăn triều vào dịp lễ 30-4-2018 đã không thành hiện thực vì thiếu mặt bằng thi công. Cụ thể, trong số 6 cống ngăn triều thì chưa có cống nào được bàn giao đủ để làm các hạng mục kỹ thuật, vận hành thử. Trong khi đó, hạng mục đê kè thì vẫn còn nham nhở kiểu "da beo" do các hộ chưa chấp thuận phương án bồi thường.

Trước đó, chủ đầu tư đã tự bỏ tiền thuê đất của một số hộ dân để có mặt bằng thi công. Lãnh đạo Trungnam Group cho biết nếu tính từ thời điểm giao mặt bằng, đơn vị thi công cần thêm 6 tháng mới hoàn thành công trình.

Xử lý nghiêm việc tái lấn chiếm

Liên quan công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án giải quyết ngập do triều, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu chủ tịch UBND các quận 1, 4, 7, 8 và huyện Bình Chánh, Nhà Bè rà soát, báo cáo kết quả, tiến độ và kế hoạch thực hiện trong năm nay, không để tình trạng lấn chiếm đất, gây khó khăn cho việc triển khai dự án. Nếu có khó khăn, vướng mắc thì tham mưu và đề xuất hướng xử lý dứt điểm. Đồng thời, các quận tìm hiểu kỹ tâm tư, nguyện vọng của từng hộ có nhà, đất bị ảnh hưởng để nắm chắc nhu cầu nhận tiền mặt hay bố trí tái định cư, lập biên bản từng trường hợp cụ thể. Đối với các doanh nghiệp, TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các quận, huyện làm việc với từng doanh nghiệp, phân tích lợi ích chung của dự án, kết hợp hài hòa lợi ích kinh doanh của các doanh nghiệp để thống nhất ký biên bản lần cuối. Ngoài ra, các quận, huyện chịu trách nhiệm phối hợp với đơn vị thực hiện chỉ đạo việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý chặt chẽ mặt bằng và xử lý nghiêm các trường hợp tái lấn chiếm.

Theo Sỹ Đông

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên