MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Công ty chứng khoán “thị phần nhỏ” gặp khó trong nửa đầu năm

6 tháng đầu năm, TTCK khởi sắc và tăng trưởng mạnh nhưng nhiều CTCK có thị phần môi giới thấp lại bị giải thể, sáp nhập; nhiều công ty khác thì gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hiện chỉ còn lại 74 CTCK trên thị trường.

6 tháng đầu năm, TTCK chỉ còn lại 74 CTCK

Ngày 12/7/2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2017.

Theo đó, tính đến ngày 03/07/2017, mức vốn hóa của thị trường chứng khoán (TTCK) đạt 2.539,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Quy mô giao dịch bình quân phiên đạt hơn 12.563 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm trước.

Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán thông qua phát hành cổ phiếu (cả phát hành riêng lẻ), đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 131 nghìn tỷ. Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tiếp tục vào ròng. Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đến cuối tháng 5 tăng 28% so với cuối năm 2016.

Về công tác quản lý công ty đại chúng, trên cả 2 sàn HOSE và HNX đã có 714 công ty và chứng chỉ quỹ niêm yết với tổng giá trị niêm yết đạt hơn 640 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2016. Trong 06 tháng đầu năm, 2 Sở giao dịch chứng khoán đã tổ chức 32 phiên đấu giá cổ phần. Tổng khối lượng cổ phần trúng giá đạt hơn 176,4 triệu cổ phần, tổng giá trị thu về đạt 2.927 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt gần 90%.

Thị trường UPCoM cũng cho thấy nhiều kết quả tích cực, cuối tháng 5, toàn thị trường có 532 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với giá trị đăng ký giao dịch đạt 186 nghìn tỷ, tăng 42,6% so với cuối năm 2016.

Về công tác quản lý và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tính đến thời điểm hiện tại đã xử lý được 28 công ty chứng khoán (CTCK) thông qua việc chấm dứt hoạt động CTCK; đình chỉ hoạt động; chấp thuận giải thể 5 công ty và hợp nhất cho 8 CTCK; rút nghiệp vụ môi giới 13 CTCK. Hiện nay trên TTCK còn 74 CTCK đang hoạt động bình thường, giảm đến 28% tổng số CTCK.

Miếng bánh thị phần môi giới nhỏ, kẻ sáp nhập người giải thể

Trong 6 tháng đầu năm 2017, chỉ tính riêng thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ của top 10 CTCK đã chiếm đến khoảng 70% của thị trường. Còn thị trường môi giới trái phiếu thì cũng chỉ có 9 CTCK tham gia vào miếng bánh thị phần này.

Như vậy có thể thấy, trong nửa đầu năm đã có đến hơn 90 CTCK khác phải tranh giành 30% thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ còn lại. Trong số đó, không ít công ty đã bị giải thể, ngừng hoạt động hoặc phải sáp nhập để tồn tại.

Trong số những CTCK giải thể có kể đến như CTCP chứng khoán STSC (VĐL: 319 tỷ) và CTCP Chứng khoán Sao Việt (135 tỷ). Hiện 2 công ty này đang thực hiện thủ tục giải thể theo Luật doanh nghiệp. Hay CTCP Chứng khoán Âu Việt (360 tỷ) và CTCP Chứng khoán Chợ Lớn (90 tỷ) đã chính thức bị giải thể.

Về việc đình chỉ hoạt động hiện có Chứng khoán Tràng An (139 tỷ), Chứng khoán Viễn Đông (135 tỷ) và Chứng khoán Việt Quốc (45 tỷ).

Đối với việc chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh được cấp phép có thể gọi tên Chứng khoán CIMB-VINASHIN (333 tỷ), Chứng khoán Golden Bridge Việt Nam (264 tỷ), Chứng khoán Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng Bằng Sông Cửu Long (170 tỷ),…

Còn Chứng khoán SME (150 tỷ), Chứng khoán Sao Việt (135 tỷ), Chứng khoán Đông Dương (125 tỷ) đã bị UBCKNN rút nghiệp vụ Môi giới chứng khoán.

Trong khi đó, để tồn tại một số CTCK đã thực hiện sáp nhập, hợp nhất với các công ty khác, tiêu biểu là Chứng khoán An Thành sáp nhập vào Chứng khoán Phú Hưng, Chứng khoán VIT hợp nhất vào Chứng khoán MB hay Chứng khoán Á Âu bị sáp nhập vào Chứng khoán Hải Phòng.

Hoạt động bình thường, có bình thường?

Mặc dù theo UBCKNN công bố, TTCK vẫn còn 74 CTCK đang hoạt động bình thường nhưng đâu đó vẫn còn tồn tại khá nhiều khó khăn cho những CTCK có thị phần thấp.

Mới đây, CTCP Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VICS, VĐL :341 tỷ) vừa công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm. Theo đó, tính lũy kế 6 tháng, mặc dù có tăng trưởng so với năm ngoái nhưng lợi nhuận trước thuế của VICS chỉ có vỏn vẹn 1,6 tỷ đồng. Tuy nhiên,lợi nhuận này lại được góp sức rất lớn từ khoản thoái vốn cổ phiếu VPBank, đạt lãi 3,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kết quả 6 tháng của CTCP Chứng khoán Phương Đông (HNX: ORS, VĐL: 240 tỷ) cũng không được khả quan khi tiếp tục ghi nhận khoản lỗ gần 1 tỷ đồng. Mức lỗ lũy kế của ORS hiện đã lên đến 222,5 tỷ đồng gần xấp xỉ với vốn điều lệ.

CTCP Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (HNX: IVS, VĐL: 340 tỷ) cũng mới công bố báo cáo tài chính quý II/2017. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của IVS chỉ đạt vỏn vẹn 35 triệu đồng, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là 360 triệu, giảm đến 90%.

Vừa qua, CTCP Chứng khoán Đà Nẵng (OTC: DNSC) cũng đã bị thâu tóm bởi Việt Nam Equity. Tình hình kinh doanh của DNSC đã lao dốc trong năm 2016 với mức lỗ hơn 3 tỷ đồng. Trong quý I, lợi nhuận có cải thiện nhưng doanh thu từ hoạt động môi giới lại giảm đến 24%, không ghi nhận doanh thu từ hoạt động tư vấn mà doanh thu từ cổ tức lại tăng đột biến.

6 tháng đầu năm, trong khi các ông lớn như SSI, VCI, VND ghi nhận những tín hiệu kinh doanh khả quan thì những CTCK có thị phần thấp lại tiếp tục gặp khó khăn về tình hình kinh doanh. Trong số 74 CTCK còn tồn tại, thật sự có bao nhiêu công ty đang hoạt động bình thường?

Huy Lê

NDH

Trở lên trên