Công ty khai thác vàng duy nhất trên sàn: Doanh thu bằng không, thua lỗ 2 năm liên tiếp trong khi giá vàng thế giới tăng cao
Giá vàng trong nước và thế giới đều tăng mạnh thời gian vừa qua.
CTCP Vàng Lào Cai (mã chứng khoán GLC) hiện là doanh nghiệp hoạt động trong nghề khai thác vàng duy nhất có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán. Vàng Lào Cai có vốn điều lệ 105 tỷ đồng, tương ứng 10,5 triệu cổ phiếu hiện giao dịch trên sàn Upcom.
Vàng Lào Cai thành lập tháng 9/2007 trên cơ sở góp vốn của 5 cổ đông ban đầu là Tổng Công ty Khoáng sản Vinacomin (33%), Công ty TNHH Nhà nước MTV khoáng sản 3 (nay là CTCP Khoáng sản 3 Vimico – 27%), CTCP Khoáng sản Lào Cai (15%), Công ty TNHH Thái Nguyên (15%) và Công ty Đông Bắc (10%).
Cơ cấu vốn của công ty năm 2016 có nhiều thay đổi, trong đó Tổng công ty Khoáng sản TKV-CTCP nắm giữ 46,14%; CTCP Khoáng sản 3 – Vimico nắm giữ 21,71%, Công ty TNHH MTV Khoáng sản Bitexco nắm 6,43%, Công ty TNHH MTV 86 nắm 4,29%, Công ty Xây dựng và XNK Hoàng Liên Sơn nắm 9,52%. Ngoài ra còn có 2 cá nhân là bà Phạm Thanh Hoa và ông Trần Văn Xuất.
Nhiệm vụ chính của công ty là khai thác và tuyển quặng vàng gốc mỏ vàng Minh Lương, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Giấy phép khai thác khoáng sản của công ty có thời hạn từ 19/12/2016 đến 26/4/2019. Từ tháng 4/2019 đến nay, khi giấy phép khai khoáng hết hạn, công ty đã nỗ lực xin gia hạn giấy phép, nhưng vì cả nguyên nhân khách quan và chủ quan mà việc gia hạn giấy phép vẫn chưa hoàn thành.
Kết quả kinh doanh, doanh thu các năm 2016 đến 2018 đều xấp xỉ 100 tỷ đồng, trong đó doanh thu năm 2018 lên đến 111 tỷ đồng. Lãi thu về hàng năm không lớn. Các năm 2016 và 2017 đạt lần lượt 8,8 và 5,2 tỷ đồng. Năm 2018 lãi lớn hơn với hơn 17 tỷ đồng.
Tính năm 2019, khi hơn nửa thời gian cuối năm là lúc công ty ngừng khai thác do giấy phép hết thời hạn, cả doanh thu và lợi nhuận đều giảm sút. Trong đó doanh thu cả năm 2019 đạt hơn 11,25 tỷ đồng và ghi nhận lỗ 15,6 tỷ đồng chủ yếu do công ty vẫn phải chi các khoản chi liên quan quản lý doanh nghiệp dù hoạt động khai thác bị tạm dừng.
Về sản lượng khai thác, kế hoạch năm 2019 là khai thác 19.000 tấn quặng với hàm lượng vàng ước tính 137,4kg. Tuy nhiên thực tế sản lượng khai thác năm 2019 chỉ gần 748 tấn quặng với hàm lượng vàng 7.2 gam/tấn, tương ứng quy ra vàng kim loại đạt 5,46kg, chỉ bằng 3,9% kế hoạch năm.
Năm 2020 vừa qua công ty không phát sinh doanh thu, và vẫn chịu chi phí hoạt động nên ghi lỗ gần 15,5 tỷ đồng, nâng tổng lỗ sau thuế chưa phân phối đến 31/12/2020 lên hơn 74 tỷ đồng.
Cũng tính đến 31/12/2020 vốn chủ sở hữu của Vàng Lào Cai còn gần 31 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 105 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho còn có giá trị chưa đến 1 tỷ đồng. Tổng tài sản giảm hơn 10 tỷ đồng so với đầu năm, còn gần 52 tỷ đồng.
BCTC năm 2020 đã kiểm toán có ý kiến nhấn mạnh của kiểm toán ghi nhận, tại thời điểm 31/12/2020 nợ ngắn hạn của công ty đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 19,18 tỷ đồng. Lỗ lũy kế hơn 74 tỷ đồng tương ứng hơn 70,5% vốn góp của chủ sở hữu. Những sự kiện này cùng với các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Về diễn biến giá cổ phiếu, Vàng Lào Cai đưa cổ phiếu lên giao dịch trên Upcom từ tháng 1/2019. Từ đó đến nay cũng hầu như không có nhiều cổ phiếu được đưa ra giao dịch. Hiện GLC vẫn duy trì giao dịch ngang mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu từ vài năm trở lại đây.
Diễn biến giá cổ phiếu GLC từ khi lên sàn tháng 1/2019.
Doanh nghiệp vàng duy nhất trên sàn hiện thua lỗ nặng nề, cổ phiếu hầu như không có giao dịch. Trong khi đó bên ngoài, giá vàng thế giới đang tăng mạnh. Vàng trong nước cũng đã tăng nhiều ngày liên tiếp. Giá vàng SJC trong nước hiện giao dịch ở mức giá 56.950/57.500 đồng/chỉ - giá mua vào/bán ra cập nhật lúc 15.40ph ngày 2/6/2021.
Nhắc đến các doanh nghiệp khai thác mỏ vàng tại Việt Nam, cái tên Bồng Miêu không quá xa lạ. Mỏ vàng Bồng Miêu thuộc huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam và được khai thác từ lâu. Năm 2005 mỏ bắt đầu được khai thác quy mô lớn, do Công ty Vàng Bồng Miêu là chủ thể khai thác. Tuy nhiên từ năm 2017 công ty thua lỗ, số tiền nợ thuế tăng cao và tuyên bố phá sản. UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định đóng cửa mỏ vàng này.
Cũng tại tỉnh Quảng Nam, mỏ vàng Phước Sơn là một trong những mỏ vàng có trữ lượng lớn tại nước ta. Năm 1999 mỏ Phước Sơn được cấp phép hoạt động, do Công ty Vàng Phước Sơn (thuộc Công ty Besra Việt Nam) làm chủ thể khai thác. Tháng 6/2011 mẻ vàng đầu tiên ra đời. Tuy nhiên đến 2013, 2014 mỏ vàng Phước Sơn bắt đầu ngừng hoạt động do thua lỗ, cộng với đó là khoản nợ thuế lớn và các khoản nợ với ngân hàng.
Năm 2015 Besra bán bớt 35%. Cơ cấu cổ đông thay đổi, cơ chế trả nợ thuế cũng được thông qua, Công ty Vàng Phước Sơn được phép đưa mỏ vàng Đắk Sa vào khai thác trở lại và đồng thời kiện toàn máy móc để sớm đưa nhà máy vàng Phước Sơn hoạt động. Tuy nhiên, cũng trong năm 2016 công ty đã ra thông báo tạm những hoạt động do khó khăn về vốn.