Apple chịu thua trong vụ kiện tỷ USD, cổ phiếu của Qualcomm lập tức tăng hơn 20% trong phiên giao dịch
Trong một thông cáo báo chí, Apple và Qualcomm cho biết họ đã kết thúc và đi đến thoả thuận trong vụ kiện liên quan đến vi phạm bằng sáng chế kéo dài 2 năm qua.
Thoả thuận này bao gồm một khoản bồi thường của Apple cho Qualcomm. Hơn nữa là một thoả thuận trong việc cung cấp chipset, theo đó Apple sẽ mua và sử dụng chip của Qualcomm cho điện thoại iPhone trong tương lai. Tuy nhiên, hai công ty này không tiết lộ chi tiết về khoản bồi thường.
Sau khi tin tức này được công bố, cổ phiếu của Qualcomm lập tức tăng hơn 20%, nâng mức vốn hoá thêm khoảng 14,5 tỷ USD, lên tới hơn 84 tỷ USD. Nhà sản xuất chip đã có một ngày "tươi đẹp" nhất kể từ năm 1999. Cũng trong phiên giao dịch ngày 16/4, cổ phiếu của Apple tăng chưa tới 1%. Trong khi đó, cổ phiếu của Intel, đối thủ của Qualcomm, lại lao dốc mạnh sau đó hồi phục vào cuối phiên.
Diễn biến bứt phá của Qualcomm trong phiên giao dịch ngày 16/4.
Qualcomm cho biết, họ dự kiến mức P/E sẽ là 2 USD bởi số lượng lô hàng tăng mạnh. Dan Ives, nhà phân tích tại Wedbush Securities, cho biết: "Đây là một chiến thắng quan trọng đối với Qualcomm, bởi những lo ngại về việc sự thua lỗ sẽ xảy đến với Apple do vụ kiện về các vấn đề về quyền sở hữu trí tuệ. Việc hai công ty đi đến một thoả thuận là một điều gây bất ngờ cho các nhà đầu tư, bởi cuối cùng thì Apple cũng nhận ra vụ việc này không chỉ là "hai đứa trẻ" đang mâu thuẫn với nhau về "hộp cát" (sandbox). Họ còn có một vấn đề quan trọng hơn cần đối mặt đó là công nghệ 5G và doanh số iPhone sụt giảm."
Hai công ty đã tiếp tục quá trình kiện tụng trong một phiên tại toà án liên bang ở San Diego vào hôm thứ Hai, dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 5. Cả hai đều yêu cầu mức bồi thường lên đến hàng tỷ USD. Vụ kiện về vấn đề chống độc quyền lần đầu được Apple đệ trình là vào đầu năm 2017.
"Cuộc chiến" phức tạp về pháp lý này, chủ yếu tập trung vào chip modem và các tranh chấp liên quan, đã "nổ ra" tại các toà án trên khắp thế giới trong 2 năm qua, trong đó đã có một phiên toà trước diễn ra giữa Qualcomm và Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ.
Trước đây, trong nhiều năm, Apple đã mua chip modem của Qualcomm. Tuy nhiên, sau đó Qualcomm lại đưa ra động thái kiểm soát giá cả và yêu cầu bất kỳ công ty nào sử dụng chip của họ đều phải trả phí cấp phép cho bằng sáng chế của mình.
Theo đó, Apple lập luận rằng Qualcomm đang lạm dụng vị thế là một trong những nhà cung cấp duy nhất đối với công nghệ di động. Trong khi đó, Qualcomm cho rằng Apple đã nắm giữ những khoản phí mà hai công ty này đã thống nhất trong thoả thuận về bản quyền.
Theo Qualcomm, thoả thuận mới của hai bên có thời hạn 6 năm, trong đó có 2 năm để họ tiếp tục gia hạn. Thoả thuận này bao gồm khoản bồi thường được thanh toán trong một lần của Apple cho Qualcomm. Số tiền này không được tiết lộ.
Hồi tháng 11, CEO của Qualcomm, Steve Mollenkopf, cho biết ông tin rằng hai công ty đang đứng trên "vạch đích" để đi đến sự dàn xếp. CEO của Apple, Tim Cook, ngay sau đó đã phản đối, cho biết Apple chưa từng tham gia vào một cuộc thảo luận về việc dàn xếp nào kể từ quý III năm 2018. Sau vụ tranh chấp, mẫu iPhone mới được ra mắt hồi năm 2018 đã sử dụng chip Intel thay vì công nghệ của Qualcomm.
Trước đó, các nhà phân tích nhận định những mâu thuẫn giữa Qualcomm và Apple có thể làm chậm các kế hoạch của Apple trong việc hỗ trợ các mạng 5G. Trong khi đó, Qualcomm là một trong những nhà sản xuất chip hàng đầu có thể kết nối với mạng 5G. Thoả thuận giữa hai công ty cho thấy khả năng Apple có thể cho ra mắt iPhone 5G sớm hơn dự kiến với công nghệ modem của Qualcomm.