Coronavirus và iPhone hay chuyện đại dịch phá vỡ chuỗi cung ứng của Trung Quốc như thế nào?
Nếu công nhân không thể xuất hiện trong nhà máy, những chiếc điện thoại thông minh không thể được tạo ra. Làm thế nào để chúng ta đối phó được với mối đe doạ khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch?
- 31-01-2020Bloomberg: Kinh tế Hong Kong bị ảnh hưởng nặng nhất, Hàn Quốc, Việt Nam và Nhật Bản đều chịu tác động tiêu cực trong quý I vì virus Corona
- 31-01-2020Nông sản Việt đi Trung Quốc "tắc" vì virus corona, đề nghị DN logistics hỗ trợ bảo quản
- 28-01-2020CNN: Bùng phát vào sự kiện kinh tế lớn nhất của Trung Quốc, virus Corona đang khiến loạt doanh nghiệp từ Startbuck, Disney đến Louis Vuitton... rơi vào "thảm cảnh"!
- 28-01-2020SARS "xóa sạch" 40 tỷ đô la khỏi thị trường thế giới, vậy với virus Corona thì như thế nào?
- 28-01-2020Thủ tướng: Chính phủ chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân khỏi virus Corona!
Jason Perlow trên trang ZDNet đã đưa ra những quan điểm lo ngại về sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu. Bắt đầu bằng cách nói về một video được thực hiện trên trang này, Jason nhấn mạnh điểm chung của những chiếc smartphone nổi tiếng nhất thế giới, từ Mororola, OnePlus, ZTE, Huawei đến Apple: Đều được sản xuất ở Trung Quốc.
Theo ông, trong những kịch bản tốt nhất, quốc gia tỷ dân đã tạo cho toàn cầu một chuỗi cung ứng vô cùng tinh vi, bao gồm nhiều trung tâm sản xuất gắn liền với các thành phố công nghệ lớn, từ thủ đô Bắc Kinh và trung tâm tài chính Thượng Hải đến đặc khu Hong Kong cũng như các "công xưởng" ở Quảng Châu, Thâm Quyến, Quảng Đông…
Các địa điểm như Thành Đô, Trịnh Chậu, Tây An, Vũ Hán cũng được đầu tư đáng kể, trở thành thành phố công nghệ mới nổi, do nhu cầu quá lớn với các sản phẩm của Trung Quốc.
"Và Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc là tâm điểm của thế giới trong nhiều tuần qua", Jason cho biết.
Thành phố này là nơi virus Corona xuất hiện. Virus này được cho là xuất phát động vật hoang dã như dơi và rắn được bày bán tại chợ Hoa Nam ở trung tâm Vũ Hán trước khi lây lan sang con người.
Jason cũng chỉ ra rằng có sự liên quan giữa bệnh dịch lần này với SARS khi chúng đều thuộc chủng Corona. Số liệu của WHO cho biết dịch SARS bùng phát năm 2003 khiến 8.098 người bị bệnh, trong số đó, 774 người đã tử vong.
Nhưng với virus Corona mới này, số người bị lây nhiễm đã nhiều hơn SARS trong suốt một năm. Tính đến thời điểm Jason thực hiện bài viết (31/1), hơn 10.000 người được báo cáo là bị nhiễn bệnh, 200 người chết, theo Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, Jason cho rằng những con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình.
Virus Corona được cho là có thời gian ủ bệnh dài hơn tạo điều kiện cho người mang mầm bệnh đi xa hơn, có cơ hội tiếp xúc nhiều hơn, từ đó phát tán virus. Điều này giải thích tại sao Corona lây lan nhanh hơn SARS.
Ngoài ra, trong 17 năm qua, Trung Quốc đã cải tạo hệ thống hạ tầng, ví dụ như đường sắt cao tốc, do đó, công dân Trung Quốc đã thuận tiện hơn trong việc đi lại. Và khi các ngành công nghệ, các thành phố công nghệ phát triển, nhu cầu di chuyển, vận tải cũng tăng lên.
Một số thông tin tích cực cho biết Trung Quốc đang phát triển vaccine có thể hiệu quả chống lại virus Corona. Tuy nhiên, vaccine có thể chưa sẵn sàng để thử nghiệm cho đến mùa xuân và triển khai đầy đủ cho đến mùa hè. Trong giai đoạn đó, nhiều người có thể bị nhiễm bệnh và từ vong, ngay cả khi virus chỉ tồn tại ở Trung Quốc, không trở thành đại dịch trên toàn thế giới.
Do vậy, Jason cho rằng không phải không có lý khi chuỗi cung ứng công nghệ ở Trung Quốc sẽ bị gián đoạn bởi virus Corona. Và ngay cả khi Corona bị đánh bại, thì Trung Quốc, cũng có thể là nơi xuất hiện những bệnh dịch mới, thông qua những chợ tươi sống, theo quan điểm không mấy lạc quan của cây viết này.
Ông cho rằng với nhu cầu cực lớn của thế giới với thiết bị điện tử, cần một kế hoạch đối phó với những căn bệnh kiểu này và tác động của chúng đối với chuỗi cung ứng.
Trong đó, ông đề cập đến việc Trung Quốc nên cân nhắc loại bỏ việc buôn bán, tiêu thụ những loại động vật hoang dã tươi sống, được xem là vật chứa những mầm hoạ như virus Corona.
Hoặc trong trường hợp không thể loại bỏ được thị trường mua bán này, các nhà sản xuất công nghệ Trung Quốc có thể phải đầu tư vào hệ thống tự động hoá, các robot… thay vì dựa vào lao động lành nghề để sản xuất. Jason cho biết sự tự động hoá trong nhà máy đã bắt đầu ở một mức độ nào đó tại các nhà máy ở Trung Quốc.
Bên cạnh robot và tự động hoá, Jason cho rằng lựa chọn khác là chuyển các phần quan trọng của ngành sản xuất ra khỏi đất nước này. Mặc dù việc di chuyển sản xuất các linh kiện quan trọng, như chất bán dẫn, có thể gặp nhiều khó khăn, thì có thể tính đến các khía cạnh như lắp ráp cuối cùng, sang các quốc gia Mexico, Brazil.
"Những quốc gia này cách xa châu Á, nơi những căn bệnh này có khả năng lây lan nhiều nhất", ông nói. Tuy nhiên, sự thay đổi này cũng được ông nhìn nhận là khó khăn hơn cả việc "giải tán" chợ tươi sống hoặc tự động hoá.
Jason cho rằng bất kể chúng ta chọn phương án nào, mối đe doạ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh thế giới bị đe doạ bởi dịch bệnh là thứ phải đối phó trong nhiều thập kỷ tới. "Trung Quốc và thế giới sẽ làm thế nào?", – ông đặt câu hỏi.