Covid-19 đã chấm dứt vận may của "quốc gia may mắn nhất thế giới" như thế nào?
Các nhà kinh tế dự báo rằng đại dịch Covid-19 sẽ gây ra hậu quả chưa từng có, không như những cuộc khủng hoảng diễn ra trong 3 thập kỷ vừa qua: đó là đẩy nền kinh tế Australia rơi vào suy thoái.
- 26-05-2020Trung Quốc tiếp tục trả đũa vì truy tìm nguồn gốc Covid-19: Cấm nhập khẩu than từ Australia
- 20-05-2020Bloomberg: Đóng cửa biên giới, nền kinh tế Australia trở lại thời tiền toàn cầu hoá
- 19-05-2020Trung Quốc áp thuế 80% lên lúa mạch, Australia đáp trả
Scenic World, một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Australia, gần đây trở nên yên tĩnh đến kỳ lạ. Thông thường, khách du lịch sẽ hào hứng trò chuyện với nhau với nhiều ngôn ngữ khi chờ đợi để đi cáp treo, tham quan Thung lũng Jamison, ngắm nhìn khung cảnh hoành tráng của những tảng đá sa thạch và rừng mưa ôn đới. Tuy nhiên, kể từ khi quy định giãn cách xã hội được áp dụng vào ngày 23/3, hoạt động kinh doanh tại đây đã phải đóng cửa và buộc phải sa thải 180 nhân viên.
David Hammon – giám đốc Hammons Holdings – đã điều hành Scenic World tại New South Wales 75 năm vừa qua, cho biết: "Khi đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, dịch SARS hay sự kiện 11/9, một số phân khúc trong thị trường của chúng tôi đã bị loại bỏ. Nhưng đại dịch này đã lấy đi tất cả mọi thứ. Đây là một trong số ít những dịp mà chúng tôi phải đóng cửa hoàn toàn."
Scenic World là một trong hàng nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đã phải đóng cửa, ngành này đã đóng góp tới 61 tỷ AUD (40 tỷ USD) cho nền kinh tế Australia vào năm ngoái. 1/3 người làm việc trong ngành dịch vụ thực phẩm và lưu trú đã mất việc khi các doanh nghiệp đi vào "chế độ ngủ đông" do sự bùng phát của Covid-19. Hơn nữa, ngay cả khi Canberra bắt đầu dỡ bỏ lệnh phong tỏa, sau khi thành công trong việc kiểm soát tỷ lệ ca nhiễm mới, thì một số doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc mở cửa trở lại khi lệnh cấm du lịch sẽ khiến nhu cầu sụt giảm trong vài tháng và có thể là vài năm.
Chứng kiến đà tăng trưởng dài kỷ lục, nhưng Covid-19 đã trở thành yếu tố có thể đẩy nền kinh tế Australia rơi vào suy thoái. Chưa dừng ở đó, Australia phải đối diện với sự phức tạp hơn nữa khi mối quan hệ của nước này với Trung Quốc – thị trường xuất khẩu hàng hóa quan trọng trong thập kỷ qua, đang xấu đi. Điều này hạn chế khả năng "thoát" khỏi suy thoái của Australia.
Trong 6 tuần vừa qua, nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới đã chứng kiến hơn 1 triệu người mất việc và tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 10% vào cuối tháng 6. Lượng di cư quốc tế (bao gồm cả sinh viên và lao động lành nghề từ nước ngoài) có thể sẽ giảm 9,6% trong năm nay. Ngoài ra, nền kinh tế 2 nghìn tỷ USD được dự báo sẽ ghi nhận mức giảm 10% trong quý II, đẩy nước này rơi vào suy thoái.
Trước cuộc khủng hoảng này, nền kinh tế Australia đã ở trạng thái vững chắc hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia phát triển, với tỷ lệ nợ ròng/GDP thấp hơn 20% - cho phép họ chi 200 tỷ AUD trực tiếp hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người lao động bị sa thải. Tuy nhiên, sự bùng nổ kéo dài của giá nhà đã khiến nhiều người mắc kẹt trong những khoản thế chấp lớn. Tỷ lệ nợ hộ gia đình/thu nhập đã ở mức hơn 200% - một trong những mức cao nhất trong các nước phát triển, và là một "điểm yếu" quan trọng khi quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong gần 1 thế kỷ.
Ngoài ra, quan hệ ngoại giao với Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất theo 2 chiều của Australia có giá trị 235 tỷ USD vào cuối tháng 6/2019, đã ở tình trạng tồi tệ nhất trong thời kỳ hiện đại. Diễn biến này xảy ra sau khi Canberra kêu gọi thực hiện một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus corona – ban đầu bùng phát tại Trung Quốc. Sau đó, Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách cáo buộc chính phủ Bảo thủ đã hợp tác với Washington "trong một chiến dịch chính trị nhằm chống lại Trung Quốc". Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã áp lệnh cấm nhập khẩu thịt bò và áp thuế trừng phạt đối với lúa mạch của Australia.
Quy mô của thách thức mà Australia phải đối mặt là vô cùng lớn. Khi Covid-19 bắt đầu lan rộng vào cuối tháng 1, quốc gia này đã phải "chiến đấu" với hàng trăm vụ cháy rừng lớn, khiến hàng nghìn ngôi nhà bị phá hủy và tiêu tốn ít nhất 5 tỷ AUD. Thảm họa này – diễn ra sau đợt hạn hán kéo dài 3 năm, đã hằn sâu những vết sẹo đối với tâm lý của những cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nó cũng làm suy yếu niềm tin của người dân đối với Thủ tướng Scott Morrison, dù những hành động nhằm kiểm soát dịch bệnh của ông đã đưa tỷ lệ tín nhiệm hồi phục trở lại.
Trong vài tuần giải quyết tình trạng cháy rừng, giới chức Australia phải đối mặt với một mối đe dọa mới khi Covid-19 bắt đầu lan rộng vào đầu tháng 3. Chính phủ liên bang và các bang đã đóng cửa biên giới, "đóng băng" những lĩnh vực lớn của nền kinh tế, thiết lập hệ thống xét nghiệm và truy tìm. Cho đến nay, phản ứng về y tế của nước này đã cho thấy rõ hiệu quả, khi chỉ có hơn 100 ca tử vong và số trường hợp nhiễm ở khoảng 7.000 người.
Tuy nhiên, việc thực hiện những công tác kiểm soát dịch bệnh của Australia đã khiến nền kinh tế phải hứng chịu "cái giá" không hề nhỏ.
Một thế hệ lao động không có kinh nghiệm đã thất nghiệp hàng loạt hoặc bị sa thải. Người trẻ là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với gần 1/5 số người lao động bị sa thải nằm ở độ tuổi dưới 20. Tác động đối với nền kinh tế sẽ càng trở nên tồi tệ nếu không có chương trình hỗ trợ trị giá 70 tỷ AUD của chính phủ, hiện đang trả lương cho 3,5 triệu lao động phải nghỉ việc (1/4 lực lượng lao động) cho đến cuối tháng 9.
Kinh tế Australia từng rơi vào suy thoái vào năm 1991. Khả năng hồi phục đã giúp quốc gia này đã vượt qua một số cuộc suy thoái toàn cầu, nhờ mức độ dân nhập cư cao – đóng góp khoảng 1 điểm phần trăm cho tăng trưởng hàng năm, chính sách kinh tế hợp lý và sự bùng nổ trong hoạt động xuất khẩu nhờ đà phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc.
Một số nhà phê bình cảnh báo rằng đà tăng trưởng dài kỷ lục có thể khiến Australia có tâm lý tự mãn, dễ trở nên "mong manh" trước cú sốc đến từ bên ngoài. Richard Yetsenga – kinh tế gia trưởng tại ANZ Bank, nhận định: "Càng lâu sau cuộc suy thoái nghiêm trọng gần đây nhất, thì việc tập trung vào những kịch bản xấu có thể xảy ra càng bị lơ là."
Nỗ lực thúc đẩy thị trường lao động có diễn biến tiêu cực và lạm phát kém, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục là 0,75% vào tháng 10, trước khi khủng hoảng cháy rừng và Covid-19 xảy ra. Tháng 3, NHTW đã thực hiện thêm 2 lần cắt giảm lãi suất và bắt đầu mua trái phiếu chính phủ khi đại dịch khiến thị trường tài chính chao đảo và đồng nội tệ biến động mạnh. Sự can thiệp của RBA đã xoa dịu tâm lý thị trường nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề nợ thế chấp mà người lao động đang mất việc phải đối mặt.
Các ngân hàng tại Australia đã hoãn thời gian trả nợ đối với 429.000 khoản thế chấp mua nhà theo một chương trình cho phép người đi vay hoãn trả nợ trong 6 tháng. Tổng cộng, các ngân hàng đã giãn nợ trong 6 tháng đối với 200 tỷ AUD khoản thế chấp mua nhà và kinh doanh. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo rằng sự hỗ trợ này sẽ có hạn chế và Morgan Stanley gần đây dự báo khoản bù nợ của ngành ngân hàng có thể lên tới 35 tỷ AUD trong 3 năm tới.
Chính phủ Australia đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là sẽ đưa 850.000 lao động trở lại làm việc vào tháng 7, khi có kế hoạch dỡ bỏ dần quy định giãn cách xã hội, ngoại trừ du lịch quốc tế và sự kiện với sự tham gia của hơn 100 người. Dù các lĩnh vực khai thác và xây dựng được phép hoạt động trong suốt thời gian phong tỏa, nhưng Canberra ước tính hoạt động kinh tế hàng tuần đã giảm 4 tỷ AUD.
Các nhà kinh tế nhận địch việc lao động trở lại làm việc và sự hồi phục của nền kinh tế có thể sẽ là một "chuyến đi" gập ghềnh và phụ thuộc vào sự kiểm soát dịch bệnh. Sarah Hunter – kinh tế gia trưởng tại BIS Oxford Economics, nhận định: "Nếu điều này không diễn ra và chúng ta phải áp dụng lại phần lớn quy định hạn chế, thì hoạt động kinh tế có thể lại trượt dốc và ảnh hưởng đến quyết định chi tiêu, niềm tin của người tiêu dùng. "
Lần gần đây nhất khi nền kinh tế Australia phải đối mặt với một cú sốc lớn từ bên ngoài, trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, quốc gia này đã được hưởng lợi từ gói kích thích 4 nghìn tỷ CNY của Bắc Kinh. Theo đó, hoạt động xuất khẩu sắt và than sang Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ, mở ra thời kỳ bùng nổ đầu tư kéo dài hàng thập kỷ và mang đến một thỏa thuận thương mại vào năm 2015.
Các nhà phê bình cho biết chính điều này cũng khiến Australia quá phụ thuộc vào Bắc Kinh. Hiện tại, Trung Quốc đã không tung gói kích thích để đối phó với tác động của Covid-19. Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng cảnh báo về sự căng thẳng trong quan hệ ngoại giao, do lệnh cấm Huawei triển khai mạng 5G của Canberra và luật can thiệp nước ngoài mới chủ yếu nhắm vào Bắc Kinh.
Theo đó, mối quan hệ đầu tư đã bị ảnh hưởng nặng nề. Theo dữ liệu của chính phủ, các khoản phê duyệt cho đầu tư từ Trung Quốc tại Australia đã giảm 1 nửa xuống còn 13,1 tỷ AUD vào cuối tháng 6/2019, trong bối cảnh lo ngại ngày càng tăng đối với việc mua đất và các tài nguyên cơ sở hạ tầng chiến lược khác, cùng những cáo buộc gián điệp.
Warwick Smith – cựu giám đốc điều hành của Macquarie Bank, nhận định: "Các công ty Trung Quốc đang đặt ra câu hỏi rằng liệu họ còn được chào đón ở nơi này hay không." Ông cũng cảnh báo, Canberra đang "ngày càng chịu áp lực" từ phía Washington, họ phải lựa chọn Mỹ hoặc Trung Quốc. Các doanh nghiệp thì lo ngại rằng những động thái của chính phủ đang gây ra thiệt hại không cần thiết đối với mối quan hệ với Bắc Kinh.
Trong động thái trả đũa, Bắc Kinh đã đình chỉ việc nhập khẩu thịt bò từ một số nhà chế biến thịt của Australia và tuần trước đã áp thuế lên tới 80% đối với lúa mạch nhập khẩu. Thay vì "giải cứu" Canberra thoái khỏi những khó khăn, có một mối lo ngại ngày càng tăng rằng Bắc Kinh có thể tìm cách tận dụng sự "mong manh" của Australia để nhắm vào những lĩnh vực thương mại quan trọng khác.
"Ông trùm" ngành truyền thông Kerry Stokes cho biết: "Nếu chúng ta ghi nhận khoản nợ lớn nhất trong đời và sau đó lại nói những điều không hay về ‘nhà cung cấp’ thu nhập lớn nhất của chúng ta, thì đó thực sự không phải là điều khôn ngoan. Nếu sự giận dữ của Bắc Kinh không được xoa dịu, thì nền kinh tế Australia sẽ chịu hậu quả thảm khốc."