Covid-19 đẩy nhanh kế hoạch tiền kỹ thuật số
Vấn đề chi phí và hiệu quả của các gói kích thích kinh tế trong đại dịch Covid-19 đã khiến các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đẩy mạnh hơn chương trình nghiên cứu và thí điểm về đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền.
- 27-06-2020Ngân hàng Trung Quốc báo cáo giao dịch tiền mặt từ 14.000 USD lên NHTW để ngăn dòng vốn rút mạnh
- 14-05-2020Tất cả những điều cần biết về đồng tiền kỹ thuật số DCEP của Trung Quốc
- 05-05-2020Trung Quốc thử nghiệm tiền Nhân dân tệ kỹ thuật số, hàm ý chính sách đối với Việt Nam thế nào?
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy các ngân hàng trung ương nhanh chóng thử nghiệm các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền. Nói cách khác, đó là việc tìm cách phân phối tiền hiệu quả hơn mà không cần sử dụng tiền mặt.
Benoit Coeure, người đứng đầu BIS Innovation Hub cho biết, Trung Quốc chính là quốc gia đi đầu trong nghiên cứu về tiền tệ kỹ thuật số kể từ năm 2014 dưới thời cựu thống đốc Zhou Xiaochuan (Chu Tiểu Xuyên). Hồi đầu tháng 4, khi đại dịch Covid-19 lên đến đỉnh điểm, các thử nghiệm đồng tệ số quy mô nhỏ đã được tiến hành tại Tô Châu, Thâm Quyến, Hùng An và Thành Đô.
Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã thí điểm cung cấp đồng nhân dân tệ kỹ thuật số thông qua việc bán lại theo tỷ lệ 1:1 cho các ngân hàng thương mại trong nước, sau đó đưa ra lưu thông dưới hình thức giải ngân các khoản trợ cấp vận tải. Dự kiến đồng tệ số sẽ là loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền đầu tiên trên thế giới được phát hành.
Cùng với Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc) và Thái Lan cũng là hai trong số các thành viên đang tích cực đẩy mạnh kế hoạch phát triển đồng kỹ thuật số. Tuy nhiên, không giống mục đích hỗ trợ thanh toán bán lẻ trong nước của Trung Quốc, Hồng Kông và Thái Lan lại tập trung xây dựng hoạt động thanh toán xuyên biên giới để hỗ trợ thương mại song phương.
Cụ thể, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) và Ngân hàng Thái Lan (BOT) đã khởi xướng dự án Inthanon-LionRock từ đầu năm 2019, trong đó, các ngân hàng đã tạo ra một hành lang thanh toán xuyên biên giới giữa đồng baht Thái Lan và đô la Hồng Kông, cho phép chuyển tiền và điều hành các giao dịch ngoại hối trên cơ sở ngang hàng, dự kiến sẽ cắt giảm chi phí thanh toán và thời gian.
Hyun Song Shin, cố vấn kinh tế tại BIS cho biết, thử nghiệm của PBOC xuất hiện trong bối cảnh hành vi thanh toán bán lẻ trên toàn cầu trong đại dịch đang có những thay đổi nhanh chóng. Rõ ràng rằng, tần suất sử dụng thẻ thanh toán không tiếp xúc tăng nhanh đột biến. Trong khi đó, tiền giấy và tiền xu đang ngày càng được xem là phương tiện truyền virus và bị hạn chế sử dụng.
Đồng thời, đại dịch cũng đã khiến cho chính phủ phải đưa ra các biện pháp tài khoá để chống đỡ cho nền kinh tế trước sự sụp đổ. Theo IMF, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ sụt giảm 4,9% trong năm nay.
Tính tới thời điểm hiện tại, các chính phủ đã đưa ra rất nhiều chương trình cứu trợ và cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ và cá nhân bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết, các khoản hỗ trợ tài chính từ các nước trong nhóm G20 trong năm nay ước tính khoảng 7 nghìn tỷ USD, tương đương 10,3% tổng sản phẩm quốc nội năm 2019 của họ.
Vấn đề chi phí và hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế trong đại dịch đã khiến các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đẩy mạnh những chương trình nghiên cứu và thí điểm về các loại tiền kỹ thuật số có chủ quyền.
Trong trường hợp các khoản giải ngân có thể được thực hiện trực tiếp một cách nhanh chóng mà không gặp rủi ro hoạt động, "một hệ thống thanh toán nhanh và có thể truy cập rộng rãi sẽ giúp hoạt động giải ngân của chính phủ trở nên hiệu quả và kịp thời hơn", Hyun Song Shin phát biểu tại một cuộc họp báo của BIS trong tuần này về các khoản thanh toán trong kỷ nguyên số.
Theo Guillaume Rico, giám đốc công ty tư vấn Chappuis Halder & Co, do tận dụng công nghệ sổ cái phân tán, việc sử dụng đồng tiền kỹ thuật số có thể tiết kiệm chi phí tuân thủ, vì cơ quan quản lý có thể giám sát và theo dõi tốt hơn các luồng tiền thông qua các "hợp đồng thông minh" (smart contract) được phát triển dựa trên blockchain nếu các quỹ cứu trợ có dấu hiệu bị lạm dụng.
"Bằng cách lập trình hợp đồng thông minh và phát hành tiền kỹ thuật số, có thể có sự giám sát và theo dõi sử dụng quỹ tốt hơn để đảm bảo các gói hỗ trợ tài chính đạt được mục tiêu kinh tế của chính phủ", ông Rico nói.
Tham khảo: South China Morning Post