MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[COVID-19] Nhà có điều kiện, xin hãy chi tiêu!

29-03-2020 - 12:17 PM | Tài chính - ngân hàng

Chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn để thay đổi thế giới tưởng chừng như điên rồ này khi hành động, dù chỉ một chút, khiến dịch bệnh sớm là quá khứ trôi qua…

Một chị bạn gửi qua Viber cho tôi hình ảnh mẫu thiết kế bộ sofa mới nhất. Tôi nhắn tin trả lời: Thời điểm này còn ngắm nội thất, sắm sanh gì? Câu trả lời đầy bất ngờ là: "Ngắm chứ, vẫn sắm. Mình có thể không nhận hàng ngay một vài tuần tới, nhưng nếu có kế hoạch, tại sao không hỗ trợ cửa hàng nội thất để vẫn có đơn hàng, chọ họ thêm đồng vào đồng ra trước, gia công trả sản phẩm sau?".

Ai đang có điều kiện?

Một doanh nghiệp mà tỷ lệ tuyển dụng và sa thải nhân sự thuộc loại top cao trong nhóm 100 doanh nghiệp ở Việt Nam, vị CEO cũng chia sẻ với tôi rằng: Trong lúc này, công ty anh vẫn tiếp tục nhận hồ sơ tuyển dụng online. Đầu mùa dịch thậm chí còn phỏng vấn trực tiếp. "Đây không phải là thời điểm để công ty mình đào thải nhân sự. Bên mình vừa tăng lương cho vị trí phải làm việc gấp đôi ngày thường. Do công ty gia tăng mua hàng hóa đầu vào nhiều hơn khi các đại lý, doanh nghiệp đều tìm chỗ bán tháo, thu tiền. Sau dịch, sẽ cần nguồn hàng, và cần thêm nhân sự".

Sẽ có nhiều người nói rằng những trường hợp như trên là hi hữu, chỉ dành cho doanh nghiệp còn tiền, hay cho nhà có điều kiện. Mà ngay cả trong khó khăn này, ai còn tiền hay điều kiện sẽ có xu hướng chọn cách thức chung là thắt lưng buộc bụng, dự phòng cho một dịch bệnh kéo dài hơn 2 tuần, có thể dài hơn đơn vị tháng.

[COVID-19] Nhà có điều kiện, xin hãy chi tiêu! - Ảnh 1.

Chúng ta nghĩ gì về những lá đơn tình nguyện của những chiến sỹ muốn ra tuyến đầu chống dịch này? Họ đã biết "chi tiêu" đời mình ý nghĩa khi đất nước, người dân cần. Vậy chúng ta có thể "chi tiêu" hợp lý với khả năng của mình, vì sự tồn tại, dù chút ít, của một ai đó? (ảnh: TN)

Vâng, điều đó là đúng và bài viết này đã nêu rõ yếu tố đầu tiên – nhà có điều kiện. Ở đây là điều kiện của nhiều tầng lớp giàu có mà chúng ta không thể phủ nhận rằng mức độ chênh lệch giàu nghèo đang không thấp tại Việt Nam. Chúng ta đang nhiều tầng lớp giàu lên nhờ kinh tế mở cửa, thu nhập bình quân/đầu người cải thiện, đặc biệt có nhiều doanh nhân mà nếu tiền của họ tích lũy được, nói như thừa nhận của một CEO bất động sản từng khẳng định cùng người viết là, "đến 5 đời ăn không hết"... Sở hữu điều kiện tiền tươi thóc thật ở nhiều người là đang có thật.

Điều kiện đó cũng có thể thuộc về mức thấp hơn – Thấp đến đâu tùy theo bạn xác định nấc thang nhu cầu của mình, từ đủ đến dư thừa hay hơn cả đủ. Tôi tin rằng lương của một vị trí quản lý cấp trung ở doanh nghiệp tầm trung chắc chắn sẽ có nhiều điều kiện tích lũy tốt hơn lương của một sinh viên vừa mới ra trường hay một chạy bàn ở nhà hàng hoặc lương của một công nhân dệt may cấp thấp…

Những người có điều kiện tích lũy đó, sẽ có điều kiện để không chỉ cho gia đình họ cầm cự qua vài ba tháng... Và họ hoàn toàn có thể chia sẻ theo một cách nào đó, mà không phải mang tiền của nhà mình ra đi "cho không biếu không", không nhất thiết theo chính sách CSR của doanh nghiệp hay thuần túy theo nguyên lý kinh tế tình thương, xã hội đại đồng...

Áp lực, rủi ro của người khác cũng là của mỗi một chúng ta

Dịch bệnh đã bắt đầu ở Việt Nam trong hơn nhiều ngày qua. Chúng ta đã tiêu hao rất nhiều nguồn lực trong khi ý chí ngày càng phải căng lên, mọi vị trí đều phải lên phương án dự phòng, chống đỡ.

Khó khăn vô vàn là những người chiến sỹ, những anh hùng nơi tuyến đầu phòng chống dịch phải trực tiếp đối mặt với Coronavirus trong mỗi vật chủ là con người, là đồng bào, là anh em, là người thân của ai đó. Khó khăn cũng vô cùng với gánh nặng trên vai của các nhà lãnh đạo vì sức khỏe người dân và cả vì một nền kinh tế không thể suy sụp, không để ai bị bỏ lại phía sau trong cả cuộc chiến y tế lẫn mưu sinh thường nhật. Khó khăn nhất là người lao động thu nhập thấp, người bị rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp khi doanh nghiệp, đơn vị đóng cửa, mất nguồn thu, người mà chúng ta không thể có mỹ từ nào để thay thế được sự thật ta vẫn còn nhiều người nghèo khó, thiếu thốn điều kiện an sinh lẫn an trú.

Khi chúng ta lo sợ song vẫn còn được "work from home", thì đây đó ngoài chợ, các mẹ, các chị vẫn phải khẩu trang, trần mình ra chợ bán từng quả cà, mớ rau chạy bữa. Các em thuộc Grab, Now, Be, Beamin.., những sinh viên, người thất nghiệp đăng ký chạy xe để kiếm cơm qua ngày đã và đang trở thành giao liên – cứu tinh của chúng ta với sự chấp nhận rủi ro bất đắc dĩ… Còn rất nhiều, nhiều nữa lực lượng bất đắc dĩ phải chấp nhận rủi ro như thế. Điều đó khiến áp lực, rủi ro tưởng riêng nhưng thực tế đã, đang và sẽ còn là áp lực và rủi ro chung của mỗi một ngôi nhà đang vì an toàn mà khép cửa.

Nhưng khép cửa không phải khép lòng mình. Nếu tất cả đều chỉ mạnh ai nấy lo, mạnh ai nấy thắt lưng buộc bụng, e rằng những khó khăn ấy sẽ càng trĩu gánh. Cũng có thể dẫn đến những khó khăn dài lâu dắt dây đến cả cuộc sống của những ai có điều kiện hơn. Tương tự như chúng ta nếu chỉ lo cháy nhà ai đó sẽ không không phải là cháy nhà của mình, thì không phải không tồn tại xác suất những tro than của cánh rừng đang cháy một chốn xa, rồi sẽ bay đến và nhóm mồi, bén lửa ở khu vườn nhà bạn.

"Chiếc lá" của bạn hôm nay có thể tạo diệp lục của ngày mai

Vậy chúng ta có thể làm gì để có thể chặn những mồi than tro có nguy cơ nhóm lửa khi được khuyến nghị cần ở yên trong nhà, khi tất cả các quán bar, nhà hàng, dịch vụ không thiết yếu... phải đóng cửa? Ngay cả đi lại cũng trở nên khó khăn hơn và khoảng cách 2m khiến mỗi một người trong chúng ta đều nhìn người đối diện với sự cẩn trọng, nghi ngại hơn; Chúng ta gần như đã và đang phải ngắt cầu dao cho mọi trường giao tiếp?

[COVID-19] Nhà có điều kiện, xin hãy chi tiêu! - Ảnh 2.

Hình ảnh 4 nhân viên giao hàng của 4 thương hiệu vận tải công nghệ lan truyền trên không gian mạng khiến chúng ta bật cười hoặc có phần cám cảnh vì nền kinh tế xe máy còn ngự trị, song họ cũng chính là những "cứu tinh" bất đắc dĩ - nhịp cầu của các doanh nghiệp, nhà cung cấp, đến với mọi người trong mùa dịch.

Chẳng có khó gì nếu bạn có điều kiện và bạn rộng lòng, ít nhất lúc này, với chi tiêu phù hợp và thông thái. Tôi không thuộc trường phái khuyến nghị cần ăn chơi xa xỉ hoặc mua sắm sang chảnh "này nọ đồ" bất chấp tương lai. Điều đó cũng không thể thực hiện trong môi trường bất thường thực tại. Tôi cũng không ủng hộ trường phái kinh tế tình thương trong điều kiện bình thường nếu chúng ta muốn đi dài và bền vững.

Nhưng ngay lúc này, chị bạn tôi, anh doanh chủ, nhiều người khác có điều kiện và có kế hoạch sắm sanh dài hạn, vẫn đang chủ động đặt mua hàng online đến những địa chỉ sản xuất, gia công, phân phối uy tín. Bạn cũng vậy. Không đi được trung tâm thương mại, bạn vẫn đủ điều kiện làm đẹp với danh mục áo quần, túi xách, phấn son…theo tâm niệm "vì mai mà sắm". Hoặc chỉ giản đơn là với tâm niệm sau đơn hàng không giao ngay có thanh toán liền tay, một người bán hàng quen sẽ có doanh thu bớt đi nỗi lo lương tháng...Đơn giản, vì mỗi người trong chúng ta đều vốn xã hội, là những người tạo và giữ vốn xã hội - niềm tin.

[COVID-19] Nhà có điều kiện, xin hãy chi tiêu! - Ảnh 3.

Nhiều bạn bè tôi cũng chia sẻ rằng những ngày ở nhà vì an toàn bản thân và cộng đồng, họ xem đây không chỉ là dịp để chúng ta sống chậm, dành tình yêu cho gia đình và có kế hoạch sắp xếp, dọn dẹp lại không gian theo nghĩa đen mà còn dọn dẹp cả tâm thế, lựa chọn cách cho đời sống hữu hạn ý nghĩa hơn, bớt cuồng lo hơn. Hy vọng có cả sự giảm bớt tác động vào đời sống vốn dĩ mong manh đang càng mỏng manh, bất định chỉ vì một con virus.

Vì vậy nếu không phải đối mặt trực tiếp với virus, không phải ăn hôm nay lo ngày mai, chúng ta hãy dành chút thời gian nhìn ra bên ngoài không phải qua chiếc gương soi, mà qua mỗi kết nối cùng người thân và cộng đồng thu nhỏ ở xung quanh, thậm chí qua cả tia nắng nơi ban công chật hẹp, qua một chiếc lá xanh non nớt vươn lên giữa ngày hầu hết đều đang phải khó khăn ngay cả khi hít thở…

Để thấy rằng khi ta có điều kiện, có thể không bằng tỷ phú Phạm Nhật Vượng hay như nhiều gương mặt khác đã và đang dốc tài lực sẻ chia cho cuộc chiến chống dịch này, chúng ta vẫn có thể làm được gì đó…Vì với tất cả chúng ta, ngày mai trời vẫn lại sáng!

Đơn hàng của chị bạn tôi có thể không cứu nổi một cửa hàng nội thất. Nỗ lực mua hàng nông sản của anh doanh chủ bạn tôi chỉ cứu được một vài đại lý mà phía sau họ là vài trong vô số các trang trại nhà nông. Sự rộng lòng chi tiêu của chúng ta có thể không thể phủ sóng đến tất cả những người đang cần sống. Nhưng nếu những ai có điều kiện đều rộng lòng chi tiêu hơn một chút, cho nhu cầu trước hết của gia đình và phù hợp hoàn cảnh, địa chỉ nhận đơn hàng hàng, qua đó, tăng mãi lực cầu nội địa thiết thực, sẽ là tăng nguồn sống của nhiều người đang trông chờ vào đó.

Nói ngắn gọn hơn là nếu mỗi người một chút nới hầu bao, việc tiếp tiền vào nền kinh tế sẽ rộng rãi hơn. Chính phủ cũng sẽ giảm bớt ưu tư "bóc ngắn cắn dài", lấy nguồn nào, ưu tiên hỗ trợ ai, làm gì để không bơm tiền lạm phát mà vẫn cầm cự dài hơi cho người dân được sống còn, với túi ngân sách mỗi ngày một hẹp.

Vẫn có những người nói rằng dù nói gì đi nữa, tâm lý con người nói chung khi khó khăn, thông thường đều là co cụm, phòng thủ. Không ai biết dịch bệnh khi nào kết thúc và điều gì đợi chúng ta ở phía trước.

Đại dịch ở tâm dịch cũ Vũ Hán đã có một "phác đồ thời gian" diễn ra khá cụ thể. Sự sống nơi này đã bắt đầu hồi sinh, dù chưa có khoa học nào xác nhận sẽ chế ngự hay triệt tiêu triệt virus Corona. Càng khó có khoa học nào chế ngự được hoàn toàn nỗi bất an trùng điệp của đời sống mỗi ngày đang chồng xếp trong tâm thức chúng ta. Khoa học cũng chưa thể giúp chúng ta làm tan chảy nỗi sợ hãi trong tâm tưởng. Song chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn để thay đổi thế giới tưởng chừng như điên rồ này khi hành động, dù chỉ một chút, để dịch bệnh sớm là quá khứ trôi qua.

Và hãy bắt đầu điều đó bằng sự mở rộng nhận thức về hiện tại - như cách thức nhà tâm lý học William James từng nói. Không để virus nỗi sợ ăn sâu vào mạch máu vô cảm với sự lây lan có thể tạo hiệu ứng kinh khủng lúc cộng hưởng cùng con virus hữu hình kia, chỉ vì chúng ta đóng cửa với nhận thực về hiện tại, đóng cả cơ hội mở lòng mình!

Trong một thế giới mà mọi ràng buộc của các mối quan hệ xã hội người với người và người với tự nhiên luôn là tác động có dấu chỉ của luật nhân quả, cái đập cánh của cánh bướm ở châu Phi có thể dẫn đến cháy rừng nơi châu Mỹ, thì sự nổi loạn của virus hôm nay hẳn có thể dẫn đến trật tự khác của thế giới ở ngày mai.

Mỗi một hành động của chúng ta, vì vậy, cũng có tác động lớn lao đến cuộc đời của một ai đó, một "chiếc lá" hay "cánh rừng" nào đó, ngay cạnh ta hoặc ở phía xa hơn. Chọn hành động để rút ngắn những ngày ta cách ly xã hội hoặc ngược lại kéo dài thêm ngày đời sống như vẫn đang đi vắng, phụ thuộc vào lựa chọn của chính mỗi chúng ta.

Bởi chúng ta biết rằng cuộc sống bình thường của hôm qua đã có ý nghĩa và tốt đẹp hay xấu đi nhờ chúng ta tồn tại. Sẽ tốt đẹp hơn khi ta biết hành động của mỗi người, đều có ý nghĩa đối với sự tồn tại của một ai đó...

[COVID-19] Nhà có điều kiện, xin hãy chi tiêu! - Ảnh 4.

Theo Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên